10 cách đề phòng cướp giật của cảnh sát hình sự bạn nên biết

Dưới đây là những cách phòng tránh bạn nên biết và áp dụng để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật. Thời buổi này luôn cần phải đề cao cảnh giác các bạn nhé!

Thủ đoạn cướp giật ngày càng manh động

Những năm gần đây, tội phạm cướp giật có xu hướng manh động hơn. Bọn cướp giật thường cấu kết với nhau, hình thành các băng ổ nhóm có từ 2 tên trở lên. Chúng thường có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tên trong nhóm, như tên chuyên cầm lái (bo xe), tên chuyên ngồi sau để giật đồ và tên làm nhiệm vụ cản đường khi bị truy đuổi. Có trường hợp, chúng chia nhau dàn cảnh, tạo ra sự cố để người đi đường bộc lộ sơ hở hoặc phân tán sự chú ý bảo vệ tài sản để tạo điều kiện cho đồng bọn ra tay… 

Tâm lí của tội phạm cướp giật rất liều mạng, quyết liệt, bất chấp mọi nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác, miễn là cướp được tài sản. Khi bị truy đuổi, sẵn sàng sử dụng hung khí mang theo để chống trả. Công cụ phương tiện gây án chủ yếu là các loại xe máy có tốc độ cao, phân khối lớn đeo biển số giả, che biển hoặc tháo biển; cũng có thể đeo biển số thật, nhưng là của xe khác. Gần như tên cướp giật nào cũng “găm đồ” (dao, kiếm, công cụ hỗ trợ…) trong người.

Cách phòng tránh

Vậy làm gì để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật? Theo các cảnh sát hình sự thì cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn xấu ra tay. Đồng thời, phải “phòng ngừa sớm” bằng việc dự liệu từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp giật.

1. Trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh. Nếu túi to, cốp nhỏ không để vừa, thì tốt nhất là đeo túi, balô, cặp laptop… về phía trước bụng, hoặc để ở ba-ga xe máy (giữa hai đùi), quàng dây cẩn thận qua cổ xe, để tránh bị rạch túi nếu đeo sau lưng. Tuyệt đối không đặt, treo đồ vật, hành lí hớ hênh.

2. Nếu qua gương chiếu hậu phát hiện có kẻ nghi vấn bám theo sau, hoặc có biểu hiện như tăng ga, lạng lách đánh võng cùng chiều với mình, thì phải chạy thật chậm lại, tấp xe vào lề đường hoặc cố gắng đi đến khu vực có nhiều người. 

3. Không nên vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. Nếu buộc phải nghe nên tấp xe vào lề đường rồi dừng lại ở nơi có chướng ngại vật (cây, cột điện) rồi xuống xe, rút điện thoại ra nghe. Trong lúc nghe điện thoại vẫn nên nhìn xung quanh. Nếu thấy có người đang lao xe thẳng về phía mình, cần cảnh giác và tính nhanh việc đối phó. Phải cảnh giác khi có người đi sát hỏi đường, hoặc khi dừng đèn đỏ giao lộ.

4. Khi chẳng may xảy ra va quẹt xe, cần bảo vệ khối tài sản đang mang theo trên người hoặc treo ở xe, có thể bọn cướp giật cố tình dàn cảnh. Cảnh giác khi có trẻ em bán hàng rong, vé số dạo… tự nhiên đi sát hoặc xô đẩy, chen lấn với mình.

5. Nếu vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô hay xe taxi, phải nâng cao cảnh giác, chú ý quan sát xung quanh trước khi đưa tiền, hàng hóa lên, xuống xe. Đặc biệt, trước khi bước ra khỏi xe ô tô, cần nhìn trước ngó sau. Khi người đã ra ngoài xe thì mới lấy đồ ra.

6. Không nên đi về quá khuya trên các cung đường vắng. Khi đi dạo bộ trên phố cần chú ý bảo vệ đồ vật. Không đi bộ dưới lòng đường, không đeo giỏ xách bên vai trái (phía lòng đường), vì kẻ gian dễ giật được tài sản. Khi rút tiền từ các ngân hàng và ATM, nên có người đi cùng và chú ý quan sát, cảnh giác khi rời khỏi các địa điểm này.

7. Phản ứng khôn ngoan khi bị cướp giật là hô hoán thật to với người cùng đi trên đường để nhờ giúp đỡ, truy đuổi. Khi tri hô, đừng nên nói chung chung như “cứu, cứu”, hay “bớ người ta…”, mà cần nói to, rõ ràng việc mình bị cướp giật, kẻ gây án đi xe gì, người như thế nào, đang chạy về hướng nào. Cũng không nên khóc lóc, gào thét, chửi bới… vì sẽ làm mọi người thiếu thiện cảm với bạn.

8. Sau khi hô hoán, cố gắng trấn tĩnh lại và ghi nhớ đặc điểm của chúng (số lượng, tầm vóc, độ tuổi, đầu tóc, quần áo, giầy dép, các đặc điểm đặc biệt…) cùng phương tiện của chúng (loại xe, biển số xe), hướng tẩu thoát… để trình báo ngay cho đơn vị công an gần nhất, triển khai khoanh vùng truy tìm ra thủ phạm. Nên nhớ, biển số xe là quan trọng nhất, nếu chúng có lắp biển số giả thì cũng có thể giúp ích cho hoạt động điều tra sau này.

9. Nếu may mắn bắt được bọn cướp, cách ứng xử đúng đắn nhất là bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập, khám nhanh thu giữ hung khí, phương tiện, lấy lại tài sản rồi cùng người đi đường khóa trói họ giải đến cơ quan công an.

10. Để hạn chế bị cướp giật, cách tốt nhất khi ra đường là đừng phô trươngtài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức khi ra đường. Nếu đeo thì nên quàng khăn, mặc áo dài tay kín cổ, áo chống nắng… trùm ra ngoài để che khuất đi. Không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết. Khi đó, phải cất tiền, tài sản vào trong cốp xe (nếu có) hoặc chằng buộc cẩn thận vào xe.

Theo thegioitre