550 đôi giày nữ nhập lậu bị 'tóm gọn'

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai vừa phát hiện và tạm giữ 550 đôi giày nữ nhập lậu.

Lào Cai phát hiện và tạm giữ 550 đôi giày nữ nhập lậu

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lào Cai về tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổ QLTT số 2 - Đội QLTT số 1 đã thực hiện biện pháp nghiệp vụ và triển khai kiểm tra tình hình vận chuyển, buôn bán, kinh doanh trên địa bàn. 

550-doi-giay-nu-nhap-lau-bi-tom-gon

Lượng lớn giày nữ nhập lậu bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai 

Theo đó, trong quá trình Tổ QLTT số 2 - Đội QLTT số 1 kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 24C – 056.24 đang đỗ tại số nhà 047, đường Cốc Lếu, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Qua kiểm tra thực tế phát hiện 550 đôi giày nữ do nước ngoài sản xuất. Lực lượng chức năng cho biết, chủ hàng hóa trên là ông Lương Xuân Hiếu, sinh năm 1999, trú tai xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Tại thời điểm kiểm tra ông Hiếu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến lô hàng. Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định.

Lực lượng QLTT Hòa Bình xử lý 121 vụ vi phạm hàng hóa

Theo nhận định của Cục QLTT tỉnh Hòa Bình, trong tháng 02 là dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Mức lưu chuyển hàng hóa diễn ra sôi động hơn so với các tháng trong năm. Thị trường Tết tại tỉnh Hòa Bình bình ổn, hàng hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, không có hiện tượng khan hàng hoá.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa không phát sinh các hiện tượng không lành mạnh. Các siêu thị đã nhập số lượng lớn các hàng sơ chế, đồ hộp, mỳ tôm và các yếu phẩm khác để phục nhu cầu của người dân.

550-doi-giay-nu-nhap-lau-bi-tom-gon

Lực lượng QLTT tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra hàng hóa trên địa bàn. Ảnh: Cục QLTT Hòa Bình 

Trong tháng Cục QLTT đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, BCĐ 389, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh để triển khai đến toàn lực lương.

Đồng thời chỉ đạo các đội QLTT chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, tăng cường việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh KT, KS thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, rà soát tình hình kinh doanh buôn bán hàng hóa trên địa bàn lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 121 vụ (125 hành vi). Tổng tiền phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa tịch thu trên 255 triệu đồng. Trong đó tiền phạt VPHC hơn 246 triệu đồng. 

Hàng hóa nhập lậu là gì?

“Hàng hóa nhập lậu” gồm:

Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định này bao gồm:

Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác;

Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm;

Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; 

Người bán hàng nhập lậu có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng.

Theo VietQ