80 kg tôm tươi đang được bơm tạp chất bị bắt giữ

Một hộ kinh doanh đang thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm bị bắt quả tang.

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, chiều ngày 25/12, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Kiên Giang kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Lê Thanh Tâm tại địa chỉ Ấp Đập Đá II, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra bắt quả tang cơ sở đang tổ chức bơm tạp chất (Agar) vào tôm nguyên liệu.

80-kg-tom-tuoi-dang-duoc-bom-tap-chat-bi-bat-giu

 Khi đang thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với đại diện hộ kinh doanh và 03 người được thuê trực tiếp bơm tạp chất vào tôm, tất cả đều thừa nhận hành vi vi phạm.

Hiện, Đội QLTT số 1 đang tạm giữ tang vật gồm 79,5 kg tôm nguyên liệu và một số dụng cụ dùng để bơm chích tạp chất vào tôm như kim bơm, máy nén khí, ...

Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), trong một chia sẻ trước đó với giới truyền thông, khẳng định, việc bơm tạp chất vào tôm trước hết phải nói đến là hành vi gian lận thương mại. Loại tạp chất thường được sử dụng để bơm vào tôm giúp tôm thêm cân nặng chính là bột agar hay còn gọi là bột rau câu.

"Đây là loại bột có thể ăn được, do đó nếu ăn tôm có bơm ít tạp chất là bột agar thì chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên, hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân thì nhất thiết phải lên án. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khẳng định, việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài cũng có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc, chất bẩn trong người gây bệnh mãn tính.

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, khi tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.

Cụ thể, vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu. Vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

Để lựa chọn tôm tươi và an toàn, chuyên gia lưu ý, cũng nên chọn những loại tôm tươi sống, tôm còn nhảy tanh tách khi mua hàng. Người tiêu dùng cũng có thể chọn tôm nhỏ để ăn thay vì tôm to vì hầu như tôm nhỏ không thể bơm tạp chất được.

Đối với những loại tôm đông lạnh nhất định phải quan sát kỹ các chi tiết như đầu, thân, đuôi tôm. Khi mua tôm nên kéo phần thân và phần đầu tôm ra để xem mức độ kéo giãn và xác định chính xác tôm có bơm tạp chất hay không. Nếu khớp nối chắc chắn thì là tôm không bơm tạp chất và ngược lại.

Theo VietQ