Black Friday tại Việt Nam: Người tiêu dùng mắc "bẫy sale" khi các cửa hàng tăng, giảm giá không kiểm soát

Upto từ 70% đến 90%, giảm giá kịch sàn, thanh lý cửa hàng… là những hình thức quảng cáo liên tục được các cửa hàng thời trang tung ra trong các đợt Black Friday những năm gần đây. Bằng các hình thức quảng cáo này, nhiều cửa hàng đã khiến người tiêu dùng mắc bẫy sale một cách ngọt ngào.

"Một cú lừa" về giá cho khách hàng

Tại nhiều nước trên thế giới, các nhãn hàng coi dịp Black Friday là dịp để ưu đãi cho các khách hàng trong năm với hình thức giảm giá thật trên sản phẩm. Đây là cơ hội để người tiêu dùng có thể "săn sale " được những món đồ với mức giá được cho là "siêu hời". 

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, tình trạng quảng cáo, giá sale so với giá nền của sản phẩm vẫn không được kiểm soát khiến nhiều khách gần như dính "bẫy sale" mà không hề biết.

Black Friday tại Việt Nam: Người tiêu dùng mắc bẫy sale khi các cửa hàng tăng, giảm giá không kiểm soát - Ảnh 2.

Tuy tung ra nhiều hình thức quảng bá và đã bắt đầu có chiến lược sale. Tuy nhiên, ghi nhận không khí mua sắm tại các cửa hàng đa phần vẫn vắng vẻ, thưa thớt.

Đi dọc trên các tuyến đường lớn tại Hà Nội, những dòng chữ khổ lớn in trên các tấm băng rôn như "bão sale", "giảm giá sốc", "siêu giảm giá"... được treo ngay trước cửa vô cùng bắt mắt đã thu hút không ít khách hàng dịp Black Friday. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng được giảm giá thực, nhiều sản phẩm được cho là "giảm giá" như một chiêu trò để dụ dỗ khách hàng.

"Tăng giá thật cao để  giảm thật nhiều" gần như là chiến lược marketing của hầu hết các cửa hàng hiện nay khi nhiều cửa hàng đã sử dụng chiêu trò lén tăng giá sản phẩm lên gấp đôi, gấp ba rồi thông báo giảm giá sốc lên tới 50 - 70%.

Chị Nguyễn Thị Việt Hà (22 tuổi, sống tại phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Khi thấy tin nhắn thông báo giảm giá sốc của thương hiệu mình thích nằm tại phố Chùa Bộc, tôi liền qua mua.

Chiếc túi ngày thường tôi thích giá 700.000, nay đến xem nó đã tăng lên 1.700.000 , giảm 50% còn 850.000". Như vậy, sau khi giảm giá đến 70% thì chiếc túi vẫn đắt hơn ngày thường đến 150.000 đồng.

Treo "up to" bán "down to"

Không chỉ thắc mắc về giá thực, nhiều khách hàng còn tỏ ra bức xúc trước các quảng cáo bán hàng của các cửa hàng, trung tâm thương mại khi treo biển "up to" từ 50% đến 70% nhưng khi vào mua thực tế tại cửa hàng giá giảm thực chỉ 10%. "Hết hàng" là câu trả lời chung được các cửa hàng  lựa chọn khi được khách hỏi về các mã giảm sâu với  số % giảm lớn.

Black Friday tại Việt Nam: Người tiêu dùng mắc bẫy sale khi các cửa hàng tăng, giảm giá không kiểm soát - Ảnh 3.

Hầu hết các cửa hàng đều sử dụng hình thức "up to" để thu hút khách hàng.

 Phạm Thị Nhung (sinh viên năm 2, ngành Kinh tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ:

"Em đã đi gần 3 tiếng tại các cửa hàng quần áo để mua các sản phẩm giảm giá nhưng chưa mua được bất kể một sản phẩm nào giảm đến 70%, 90% cả.

Khi hỏi đến các sản phẩm có mã giảm như vậy các cửa hàng đều trả lời hết hàng. Vừa mua được chiếc áo khoác này giá 349.000 đồng chụp cho bạn cùng phòng em bảo mẫu y nguyên chỉ có 280.000 đồng ở chợ Xanh dành cho sinh viên".

Điều đáng nói là ngay cả các cửa hàng có giảm giá thật với mức giảm giá cao thì khách hàng cũng rơi vào tình trạng ức chế khi các mã giảm giá cao đến 90% đều là những loại hàng kén khách hàng nếu không muốn nói là "không thể sử dụng".

Các sản phẩm được bán với giá mã cao chủ yếu là vớ tất, hàng lỗi mốt hoặc hết size, màu sắc sặc sỡ,... khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang, bức xúc. 

Phát hoảng khi nhận đồ thật khi đặt mua online

Không chỉ tại các cửa hàng truyền thống mà ngay các cửa hàng online, sàn thương mại điện tử cũng đã tung ra hàng loạt các mặt hàng giảm giá.

Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thật so với những quảng cáo online trên các trang bán hàng điện tử khiến không ít khách hàng ngỡ hàng khi "trúng" bão sale.  

Hầu hết tất cả các sản phẩm quảng cáo trên mạng đều được bán với mức giảm giá hấp dẫn. Black Friday cận kề, lượng người truy cập mua sắm online ngày càng tăng.

Tuy nhiên không phải lúc nào người tiêu dùng cũng hài lòng bởi rất nhiều trường hợp hàng nhận về và ảnh trên mạng khác xa một trời một vực.

Hàng mua trên mạng có thể rẻ hơn, ưu đãi lớn hơn, nhưng hạn chế là khách hàng không thể trực tiếp kiểm tra chất lượng mặt hàng mà chỉ có thể nhìn qua những tấm ảnh lung linh được đăng lên rồi đặt mua.

Black Friday tại Việt Nam: Người tiêu dùng mắc bẫy sale khi các cửa hàng tăng, giảm giá không kiểm soát - Ảnh 4.

Nhiều sàn thương mại điện tử đang tung sale với số lượng mặt hàng đa dạng từ thời trang, hóa mỹ phẩm đến tủ lạnh, máy giặt, thiết bị gia dụng.

Không ít người đã phải "ngậm đắng" khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, xui xẻo hơn là gặp phải những trang kinh doanh lừa đảo. Bạn Lê Thúy Hiền (sinh viên năm Nhất,  ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngoại giao) chia sẻ:

"Sắp đến mùa lạnh rồi nên em muốn tranh thủ dịp đại hạ giá đặt mua một đôi dép bông.

Em tìm thấy shop này trên Facebook, thấy vài mẫu dép khá dễ thương nên đặt mua một đôi. Nhưng mà lúc nhận thì hàng thật với ảnh quảng cáo chẳng liên quan gì đến nhau cả.

Em đặt mua đôi màu vàng đậu, nhưng nhận về thì lại là màu hồng tươi, lớp lông xơ xác, thậm chí còn có bị nhiều vết bẩn. Em đã nhắn tin cho shop và lập tức gửi trả lại hàng".

Có thể thấy rằng, nhiều cửa hàng ở Việt Nam đã lợi dụng chương trình Black Friday để tung chiêu giảm giá ảo, kích cầu tiêu dùng nhưng không đảm bảo được chất lượng cũng như giá trị sản phẩm.

Sau những lần sập bẫy "giảm giá ảo", nhiều khách hàng cũng đã tự rút ra kinh nghiệm để có thể trở thành người mua hàng thông thái.

Muốn lựa chọn một sản phẩm tốt để mua những ngày này, người tiêu dùng nên lên mạng tìm kiếm giá để tham khảo, so sánh... để biết chắc chắn là đã được giảm giá.

Đặc biệt, với các mặt hàng giảm giá sâu 90 - 95%, người tiêu dùng cần xem kỹ mẫu mã, màu sắc, size hàng với hình thức mau trực tiếp. Với hình thức online, người mua cần chú ý đặc biệt đến hình thức và giá thành vận chuyển. 

Huy Hoàng

Theo GiaDinh