Bố mẹ khoái chí cho trẻ thành 'bợm nhậu' như trò đùa, tưởng không hại mà hại không tưởng đấy!

Mặc dù mẹ can ngăn nhưng không ít ông bố vẫn vô tư cho con “nếm thử” chút bia, rượu. Bố không biết hành động của mình đã gây nghiện cho con từ thơ ấu…

Tưởng chừng vô hại mà hại không tưởng!

Cứ hễ đến bữa cơm tối bé Minh Quân, 1 tuổi, (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) lại sà vào lòng bố ngồi. Ánh mắt của cậu bé 1 tuổi không lúc nào rời khỏi lon bia bố cầm trên tay.

Thấy con tò mò, miệng “chép chép” ra vẻ rất thèm muốn lon bia, bố cậu bé đã vô tư chấm đũa cho con…thử chút bia rượu cho “biết mùi”.

Con khoái chí, cười khanh khách, bố càng thích. Nhiều lần dỗ mãi con không nín khóc, anh còn cho con trai liếm chiếc đũa nhúng vào ly bia của mình. Thấy con trai nín khóc sau khi được nhấm nháp bia, bố đắc ý chê: “Mẹ không biết dỗ con!”

Bố mẹ khoái chí cho trẻ thành 'bợm nhậu' như trò đùa, tưởng không hại mà hại không tưởng đấy!

Bố cho con nếm thử bia là hành động tai hại. Ảnh minh họa. 

Hầu như bữa nào bố cũng cho bé Minh Quân nếm chút bia với lý do “Thử để quen dần mùi đồ uống có cồn, sau này đi làm đỡ bỡ ngỡ”. “Cả nhà can ngăn đều không được. Có hôm vợ chồng tôi cãi nhau giữa mâm cơm vì bất đồng quan điểm”, chị Hoàng Anh, mẹ của bé Minh Quân bức xúc.

Một bộ phận không nhỏ ông bố cho rằng cho con nếm thử bia rượu là hành động chứng tỏ được bản lĩnh “giống như bố nó vậy”. Chị Tường Vy (Thường Tín, Hà Nội) không dám để con trai 4 tuổi ở nhà với bố sau một vụ nhớ đời.

Hôm đó, chị Vy để con ở nhà cho bố chăm vì phải trực ca tối đột xuất. Gần 21h đêm chị mới về nhà, thấy hai bố con đã ngủ say. Tưởng chồng dỗ được thằng bé ngủ, chị Vy mừng thầm trong bụng. Nào ngờ vừa bế con lên đã thấy sộc lên mùi rượu, mặt đỏ gay.

“Hóa ra thằng bé đã uống cả chén rượu khi bố đang mải chè chén với các “ông bạn vàng” nhân dịp vợ vắng nhà. Đến tận hôm sau, con vẫn chưa hết say, đi xiêu vẹo. Cũng may con không làm sao, không thì cả nhà ân hận. Vậy mà bố vẫn tỏ ra tự hào vì con…biết uống bia rượu”, chị Vy uất ức nói.

Dễ gây nghiện gấp 5 lần so với trẻ không uống

Khi được bố cho nếm thử bia rượu, bé cũng có thể thích thú. Thực tế không ít bé nằng nặc đòi được nhấm nháp, uống khi thấy người lớn uống.

Theo TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, chỉ cần người lớn chiều lòng trẻ, cho trẻ nếm thử đồ uống có cồn một vài lần sẽ dễ dàng hình thành thói quen cho trẻ.

“Nhiều người tin rằng việc cho trẻ nhấm nháp chút rượu là vô hại nhưng nghiên cứu mới cho thấy rằng đây là một sai lầm. Một số phụ huynh đã cho con tiếp cận với rượu ở độ tuổi rất nhỏ với hy vọng việc này sẽ giúp trẻ em sẽ không uống tiếp trong tương lai.

Trong khi thực tế, Kristina Jackson, đồng tác giả của một nghiên cứu tại Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, đã khẳng định việc cho con trẻ nhấm nháp rượu như vậy có thể làm tăng nguy cơ uống rượu, cũng như sử dụng các chất gây nghiện khác về sau”, TS. Hồng Thu cho biết.

Bố mẹ khoái chí cho trẻ thành 'bợm nhậu' như trò đùa, tưởng không hại mà hại không tưởng đấy!

Người lớn cần tránh cho trẻ tiếp xúc với bia rượu là cách phòng tránh hữu hiệu. Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, những nghiên cứu đều cho thấy rằng trẻ bị nếm rượu từ nhỏ nhiều khả năng sẽ bắt đầu uống khi tới tuổi học trung học. “Những đứa trẻ có thị hiếu với thức uống có cồn trước khi bắt đầu học trung học thì khi lên lớp 9 sẽ dễ có khả năng uống rượu nhiều hơn gấp 5 lần, so với các bạn cùng lớp không nếm thử rượu”, TS. Hồng Thu cảnh báo.

Theo quan điểm của TS. Hồng Thu, việc phụ huynh cho trẻ nhấp thử, uống thử bia rượu là rất KHÔNG NÊN!

Một số bà mẹ cho rằng cho trẻ ăn rượu nếp thì sẽ không làm trẻ nghiện rượu. Tuy nhiên, TS. Hồng Thu khẳng định rượu nếp cũng có chất cồn, có hại không khác gì việc cho trẻ nếm bia rượu.

“Nếu một vài năm sau đó, khi trẻ đã thành thói quen, cha mẹ mới ra giới hạn về việc sử dụng bia rượu, trẻ sẽ cảm thấy khó chấp nhận. Thường xuyên nhắc nhở con, bố mẹ cần làm gương là biện pháp phòng ngừa nghiện bia rượu cho trẻ hữu hiệu ngay từ nhỏ”, TS. Hồng Thu nhấn mạnh.

 Thu Hà

Theo emdep