Bộ Y tế rút lực lượng tiền phương ở TP.HCM về tăng chi viện Hải Dương

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin như vậy tại cuộc họp chiều 17/2. Ông nhận định đây là ổ dịch phức tạp và đã có dấu hiệu có sự lây lan trong cộng đồng.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết và phòng chống COVID-19 với sự tham dự của một số bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, với Hải Dương, Bộ Y tế nhận định đây là ổ dịch phức tạp và đã có dấu hiệu có sự lây lan trong cộng đồng. 

Thực hiện theo chỉ đạo, Hải Dương đã giãn cách xã hội với toàn tỉnh nhưng Bộ Y tế nhận định điểm nóng nhất hiện nay là TP Hải Dương và một số huyện như Kinh Môn, Cẩm Giàng, Nam Sách...

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Hải Dương, đến 18h hôm nay (17/2), toàn tỉnh ghi nhận 557 bệnh nhân COVID-19. Riêng tại ổ dịch TP. Hải Dương đã ghi nhận 26 ca mắc. Từ ngày 9/2 trở về trước chỉ có 4 bệnh nhân, nhưng trong 7 ngày gần đây có thêm 21 ca mắc, trong đó có 10 ca cộng đồng.

bo-y-te-rut-luc-luong-tien-phuong-o-tp-hcm-ve-tang-chi-vien-hai-duong

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP

Đối với ổ dịch huyện Cẩm Giàng còn đang phức tạp và có 73 bệnh nhân. Trong tuần qua có 59 ca mắc mới, tất cả đều đã được cách ly. Trong đó có những ca xét nghiệm lần 3 mới có kết quả dương tính.

Tại ổ dịch thị xã Kinh Môn đã có 64 bệnh nhân và trong 7 ngày gần nhất có 14 ca mắc, tất cả đã được cách ly. Riêng 3839 trường hợp F1 được xét nghiệm và cơ bản đã khống chế ổ dịch này.

Đối với ổ dịch huyện Nam Sách đến nay ghi nhận 29 ca mắc, trong đó có 16 bệnh nhân mới trong vòng 1 tuần. Riêng ngày 13/2 có 4 ca dương tính thuộc khu vực phong tỏa. Hiện tại 562 F1 đã được xét nghiệm và ổ dịch này cơ bản đã được khoanh vùng.

"Ngày hôm nay, Bộ Y tế đã rút lực lượng tiền phương ở TP.HCM về tăng chi viện cho Hải Dương" - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin tại cuộc họp chiều 17/2 và đưa ra nhận định tình hình dịch ở TP.HCM và Hà Nội có thể "tạm yên tâm trước mắt".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh một lần nữa, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ địa phương nào nếu chủ quan, lơ là sẽ khó khăn trong đối phó.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, có hiện tượng trước giờ chính thức thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, một số người từ Hải Dương đã đi đến nhiều nơi đặc biệt như Hà Nội. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường rà soát những người về từ vùng dịch đặc biệt từ Hải Dương để có sự xét nghiệm, cách ly khi nếu cần thiết.

Tại TP.HCM, trong nhiều ngày không phát hiện thêm ca mắc mới. 35 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đều liên quan đến nhóm nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hoá của Công ty VIAGS, làm việc tại sân đỗ máy bay sân bay Tân Sơn Nhất.  

Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế TP.HCM được thành lập theo quyết định số 1173/QĐ-BYT do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm Tổ trưởng. Dù mới được thành lập và hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng các hoạt động chuyên môn, kiểm tra, hỗ trợ của Tổ thường trực đã được triển khai và mang đến nhiều kết quả trong việc phòng, chống COVID-19 cũng như góp phần đảm bảo người dân TP.HCM được an tâm đón Tết.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt, nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM đã tương đối ổn định, cơ bản đã được kiểm soát với 35 ca bệnh được ghi nhận.

Ngày 17/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập thêm các phòng xét nghiệm để tăng khả năng dập dịch.

Cụ thể, Hải Dương đề nghị Bệnh viện Bạch Mai thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 2; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện dã chiến số 1.

Hải Dương cũng mong muốn Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ thiết lập phòng xét nghiệm tại huyện Cẩm Giàng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ một kíp chuyên gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 (Đại học Sao Đỏ, TP Chí Linh) và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ một số vật tư, thiết bị y tế công tác phòng, chống dịch.

Theo GiaDinh