Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương tiêm vắc-xin Covid-19 của COVAX

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 2 trước 15-5 bởi hạn của lô vắc-xin này ngắn, chỉ đến 31-5. Nếu địa phương không tổ chức tiêm Bộ Y tế sẽ thu hồi vắc-xin.

Sáng 16-4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch . Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sau khi 811.000 vắc-xin Covid-19 đã được phân bổ cho các đơn vị, bộ ngành và địa phương. 

"Các địa phương phải tiêm chủng theo đúng Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Việc tiêm chủng này phải xong trước 15-5, bởi vắc-xin Covid-19 do COVAX Facility cung ứng có hạn dùng đến ngày 31-5 nên phải triển khai tiêm nhanh, an toàn và không để liều vắc-xin nào bị hủy do không tổ chức tiêm. Địa phương nào không triển khai tiêm, Bộ Y tế sẽ thu hồi vắc-xin"- lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương tiêm vắc-xin Covid-19 của COVAX - Ảnh 1.

Cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 kết nối tới hơn 700 điểm cầu trên cả nước

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vắc-xin COVAX Facility có hạn dùng 6 tháng nhưng do khó khăn trong việc tiếp cận vắc-xin nên đợt vắc-xin này Việt Nam nhận được có thời hạn sử dụng dưới 2 tháng, do đó công tác tiêm chủng cần triển khai khẩn trương, tăng tính điều phối vắc-xin giữa các tuyến huyện và xã của các tỉnh.

Về an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế cho biết đến nay Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho 75.000 người. Những người được tiêm là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an.

Trong số này, 33% có phản ứng thông thường, tại chỗ như: đau, sốt nhẹ và các phản ứng đều hết sau 1-2 ngày. Phản ứng thông thường sau tiêm vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam cũng thấp hơn một số nước khác. Với phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Covid-19 chỉ là 0,1%; chỉ 5 trường hợp sau tiêm có phản ứng nặng trong số đã tiêm. Đến nay, tất cả đều đã bình phục. 

"Hiện Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị ca nào bị đông máu và huyết khối sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Quy trình tiêm chủng của nước ta làm chặt và có khám sàng lọc. Người tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút bởi đây là thời điểm thường xuất hiện phứng ứng và vẫn duy trì theo dõi sau 1-2 ngày"- ông Long nói.

bo-y-te-yêu-cầu-các-dịa-phương-khẩn-trương-tiêm-vac-xin-covid-19-của-covax

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 2

Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng lưu ý, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới Tây Nam và khu vực Tây Nam bộ, do đó cần tăng cường phòng chống dịch khu vực này, thực hiện nghiêm việc cách ly y tế các trường hợp nhập cảnh. Đường biên giới chỉ là cột mốc, có bốt gác nhưng không thể đảm bảo hết được, do đó, các địa phương có người nhập cảnh về cần cách ly ngay, xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tầm soát giám sát, cách ly các ca nhiễm. Theo Bộ Y tế các cơ sở y tế cần tầm soát thường xuyên, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, quét mã QR code nhằm phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, truy vết kịp thời.

Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc-xin là một trong những biện pháp phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng vắc-xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như đã thực hiện hơn 1 năm nay.

Đề xuất cách ly tập trung 7 ngày với người có "hộ chiếu vắc-xin"

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã đề xuất trên với Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 việc cách ly 7 ngày với người nhập cảnh có "hộ chiếu vắc-xin"

Theo đó, người nhập cảnh Việt Nam có "hộ chiếu vắc-xin" sẽ được xét nghiệm lần đầu vào ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh; lần thứ hai vào ngày cách ly thứ 6. Lần xét nghiệm thứ 3 được thực hiện vào ngày cuối trong chuỗi cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Nếu cả 3 lần xét nghiệm âm tính, người nhập cảnh được kết thúc cách ly.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, dự kiến tổng thời gian cách ly của người có "hộ chiếu vắc-xin" là 14 ngày, trong đó 7 ngày tập trung, 7 ngày tại nhà hoặc nơi lưu trú. Theo quy định hiện nay, tất cả người nhập cảnh Việt Nam đều phải cách ly tập trung 14 ngày.

Cũng theo ông Tấn, đến nay, Việt Nam đã qua 21 ngày không ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Các ca bệnh được phát hiện đều đã thực hiện cách ly trước đó.

Theo NLD