Cần quyết liệt hơn nữa để giải quyết vấn nạn xăng dầu kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long vừa ký ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Xăng dầu Mỹ Hòa (tỉnh Vĩnh Long) hơn 100 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động 2 tháng vì bán xăng dầu kém chất lượng. Để ngăn chặn hành vi này, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ lực lượng chức năng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và lập biên bản đối với Công ty TNHH MTV Xăng dầu Mỹ Hòa (trụ sở chính tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), do ông Nguyễn Phú Cảnh là Giám đốc.

Cụ thể, đơn vị này đã có hành vi vi phạm hành chính là bán xăng Ron95-III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (theo Phiếu kết quả thử nghiệm số KT3-00157ADK2/3 ngày 8/2/2022 của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3); lô hàng gồm 2.000 lít xăng Ron95-III, giá bán 23.870 đồng/lít, tổng giá trị lô hàng hơn 47,7 triệu đồng.

Cơ quan chức năng xác định, hành vi này đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 3 và điểm b khoản 6 Điều 20 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 2 Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định xử phạt công ty xăng dầu bán xăng kém chất lượng nêu trên số tiền gần 120 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là 2 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định.

can-quyet-liet-hon-nua-de-giai-quyet-van-nan-xang-dau-kem-chat-luong

 Công ty TNHH MTV Xăng dầu Mỹ Hòa (Vĩnh Long) bị phạt gần 120 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động 2 tháng. Ảnh tư liệu

Tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm lũng đoạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Một cán bộ quản lý thị trường cho rằng để kiểm soát và bảo đảm chất lượng xăng dầu trên thị trường cần tăng cường thanh tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu.

Qua đó, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm cam kết không kinh doanh xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng. Ngoài ra, vận động quần chúng nhân dân tố giác những đối tượng, cửa hàng xăng dầu có nghi vấn nhằm ổn định trật tự trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Liên quan vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Cung, giảng viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Làm một phép tính đơn giản, mỗi lít xăng dầu lậu nếu không phải chịu các loại thuế phí đã "ăn không" được khoảng 6.000 - 7.000 đồng.

Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20 triệu tấn, trong đó xăng dầu trong nước tự chủ khoảng 60-70%, số còn lại phải nhập khẩu và đây là điều kiện lý tưởng cho một số đối tượng bất chấp quy định, sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm, nhập lậu, pha chế sản phẩm kém chất lượng để đưa ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính.

Ðiều này gây thất thu cho ngân sách rất lớn, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ, giám sát các doanh nghiệp phân phối, có biện pháp quản lý chất lượng và quản lý thị trường nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Có thể thấy, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và nhiều ngành cùng tham gia quản lý. Do đó, các đơn vị liên quan như Thuế, Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, hạn chế chồng chéo và đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận. Ðồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giảm đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm liên quan lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Theo VietQ