Cảnh báo tình trạng suy tuyến thượng thận, teo da do lạm dụng corticoid

Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng corticoid để điều trị bệnh gia tăng, khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng suy thượng thận.

Nhiều bệnh nhân 'gặp họa' vì lạm dụng corticoid

Điển hình là bệnh nhân T.H.N (Hà Nội) bị đau lưng do thoát vị đĩa đệm, cơn đau hành hạ nên chị tìm đến phương pháp tiêm thuốc giảm đau tại vùng cột sống thắt lưng. Sau đợt điều trị đó, thay vì khuôn mặt thanh tú với làn da trắng hồng mịn màng, mặt chị căng tròn, da mỏng, xuất hiện rất nhiều mụn trứng cá đỏ, có mủ...

Mặc dù có nghi ngại về vấn đề tác dụng phụ của thuốc, nhưng do sau mỗi lần tiêm, triệu chứng đau lưng giảm hẳn nên chị N. hy vọng sau khi điều trị khỏi đau lưng, ngừng thuốc thì mụn trứng cá sẽ hết, gương mặt và làn da lại trắng đẹp như xưa...

Chỉ đến khi gặp bác sĩ chị mới tá hỏa biết mình đang sử dụng thuốc giảm đau chống viêm corticoid không hợp lý, dùng kéo dài liều cao và gặp tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc...

Khác với bệnh nhân N., bà H.T.C (76 tuổi, Hà Nội), có tiền sử bị viêm khớp dạng thấp từ hơn 30 năm trước. Bà đã điều trị nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc từ Tây y đến Đông y, nhưng kết quả là bệnh khớp dạng thấp ngày càng nặng. Cuối cùng, bà đã tìm được một loại thuốc giúp giảm sưng đau, nên bà luôn “trung thành” với nó, đó là corticoid.

Nhưng theo thời gian, bà phải dùng tăng liều corticoid thì mới hiệu quả. Mặc dù khi dùng thuốc suốt nhiều năm, bà Ng. luôn phải đối mặt với tác dụng không mong muốn: mệt mỏi, tăng đường huyết, viêm loét dạ dày, sạm da, teo cơ, tăng huyết áp... nhưng bà không bỏ được thuốc, vì “nếu không uống thuốc, tôi đau khớp không chịu được”, bà C. chia sẻ.

Theo bác sĩ Phạm Thị Lưu, thời gian qua, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hai ca bệnh nhân điển hình lạm dụng corticoid. Bệnh nhân thứ nhất là nữ (61 tuổi) được bác sĩ phát hiện bị suy thượng thận do lạm dụng thuốc chứa corticoid.

Bà có tiền sử đái tháo đường type 2, đau khớp gối phải khoảng 10 năm nay, nhiều lần tiêm khớp không rõ thuốc và sử dụng thuốc nam. Khoảng một tháng nay, bà mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, giảm 7 kg trong một tháng. Đầu tháng 10 bà đến Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, khám.

Bệnh nhân có đầy đủ các biểu hiện của hội chứng Cushing - bệnh do nguyên nhân tăng cortisol máu kéo dài, liên tục, như rối loạn phân bố mỡ, mỡ tập trung vùng bụng, chân tay teo. Tóc mai mọc thấp hơn, da mỏng, dễ xuất huyết tại vị trí tiêm truyền so với người bình thường.

Xét nghiệm máu cho thấy lượng cortisol máu tăng cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thượng thận do lạm dụng thuốc chứa corticoid trên nền đái tháo đường.

Cùng phòng còn có bệnh nhân nữ 58 tuổi ở Hải Dương, vào viện ngày 22/10. Hơn hai năm nay, bà tự mua thuốc thấp khớp gia truyền dạng viên hoàn uống hằng ngày. Bác sĩ chẩn đoán bà bị suy thượng thận do thuốc có corticoid.

canh-bao-tinh-trang-suy-tuyen-thuong-than-teo-da-do-lam-dung-corticoid

Một bệnh nhân phải nhập viện điều trị do lạm dụng Corticoid. Ảnh: VNE 

Chuyên gia y tế khuyến cáo gì?

Bác sĩ Lưu cho biết số bệnh nhân nhập viện do lạm dụng corticoid gần đây tăng lên. Một ngày gần 20 bệnh nhân đến khám thì đến 1/3 biểu hiện lạm dụng thuốc.

Corticoid, bản chất là nội tiết tố chuyển hóa gluccid và muối khoáng do tuyến thượng thận tiết ra. Corticoid cũng có tác dụng chống viêm nên được tổng hợp thành thuốc điều trị bệnh lý nội khoa như khớp, da, dị ứng mày đay, dị ứng thời tiết, bệnh hô hấp... Thuốc sử dụng ở nhiều dạng bào chế như tiêm truyền, viên uống, bột (đông y).

"Corticoid được coi là thần dược, có tác dụng mạnh và nhanh mà lại dễ mua, không cần đơn của bác sĩ nên rất nhiều người sử dụng thường xuyên mà không quan tâm tác dụng phụ", bác sĩ Lưu nói.

Nếu lạm dụng thuốc, người bệnh chịu rất nhiều tác dụng phụ như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, loét dạ dày, nhiễm trùng, loãng xương và gãy xương... Phổ biến là suy tuyến thượng thận với các biểu hiện như mệt mỏi, huyết áp thấp, hạ đường huyết, suy kiệt...

Theo bác sĩ Lưu, hơn 50% bệnh nhân điều trị tại khoa Nội tiết không tuân thủ phác đồ điều trị để dùng thuốc Đông y. Thuốc Đông y hiện nay pha trộn thuốc tây, đặc biệt là corticoid, không rõ hàm lượng. Đến khi bệnh nhân gặp tác dụng phụ quay lại bệnh viện điều trị thì đã bị suy thượng thận, phải điều trị dài ngày.

Bệnh nhân suy tuyến thượng thận sẽ phải dùng liệu pháp thay thế hormone, hoặc bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ riêng tùy theo bệnh lý biến chứng kèm theo.

Bác sĩ khuyến cáo, đa phần thuốc kháng viêm, giảm đau mạnh có thành phần corticoid. Do đó, dùng tùy tiện rất dễ gây suy tuyến thượng thận và hội chứng Cushing. Vì vậy không nên tự mua dùng các thuốc kháng viêm giảm đau, thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân nên điều trị và tái khám theo lịch của bác sĩ chuyên khoa để được điều chỉnh liều lượng thuốc.

Theo VietQ