Cảnh báo xuất hiện một số loại hóa chất Trung Quốc diệt chuột cực độc

Theo thông tin từ các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay việc mua những loại hóa chất diệt chuột rất dễ dàng, thậm chí có loại đã bị cấm cách dây 20 năm vẫn mua được.

Dễ dàng mua các loại thuốc diệt chuột chứa hóa chất cực độc

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận những bệnh nhân nhập viện điều trị vì ngộ độc thuốc diệt chuột. Điển hình là một trường hợp gần đây nhất mà Trung tâm đang tiếp nhận và điều trị là một bệnh nhân nam, 34 tuổi trú tại Ninh Bình. Bệnh nhân này bị ngộ độc hóa chất diệt chuột có tên Tetramin”.

Trước đó, bệnh nhân có mâu thuẫn với vợ, đến trưa cùng ngày đi uống rượu không rõ số lượng, sau đó về phòng. Khoảng 15h cùng ngày, người nhà phát hiện bệnh nhân nôn, lơ mơ, gọi hỏi không biết, phát hiện có vỏ gói thuốc diệt chuột Trung Quốc bên cạnh.

Người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa tỉnh với tình trạng co giật toàn thân. Bệnh nhân được cấp cứu ban đầu và chuyển Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột, được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc an thần, dùng thuốc chống co giật, hồi sức. Sau 1 tuần được điều trị, bệnh nhân đã đỡ co giật, tỉnh, được rút ống thở nhưng vẫn đang được theo dõi và điều trị tiếp.

canh-bao-xuat-hien-mot-so-loai-hoa-chat-trung-quoc-diet-chuot-cuc-doc

 Nhiều hóa chất diệt chuột do Trung Quốc sản xuất bán tràn lan, mua dễ dàng, tiềm ẩn nguy hiểm

Theo các bác sĩ tại bệnh viện, chất độc bên trong gói thuốc diệt chuột cạnh bệnh nhân được gia đình thu lại và mang theo đến viện qua xét nghiệm tìm thấy chất tetramine (tên đầy đủ Tetramethylenedisulfotetramine). Đây chính là loại hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc rất phổ biển ở miền Bắc nước ta cách đây 20 năm trở về trước.

Đặc điểm loại hóa chất là ở thuốc diệt chuột dạng gói chứa bột trắng gây tình trạng co giật. Tetramine tác dụng hệ thần kinh, gây co giật toàn thân nặng nề kiểu trạng thái động kinh. Ngộ độc xuất hiện rất nhanh, thường ngay khi đang ăn uống phải chất này nạn nhân bị co giật và ngã xuống, nhanh chóng tử vong do suy hô hấp.

Tình trạng co giật cũng rất nặng nề, liên tục, các bệnh nhân thường phải thở máy, dùng nhiều loại thuốc chống co giật liều rất cao cùng lúc và thuốc giãn cơ (làm liệt cơ để ngăn co giật). Kiểm tra điện não đồ của bệnh nhân sẽ thấy hình ảnh động kinh toàn thể. Độc tính trên thần kinh kéo dài, có bệnh nhân sau vài tuần ổn định bỏ thuốc điều trị đã co giật trở lại và tử vong.

Cũng theo thông tin từ các bác sĩ tại bệnh viện, chất tetramine là hóa chất diệt chuột cực độc, đã bị cấm ở các nước, kể cả ở Trung Quốc.

Ở Việt Nam, khoảng năm 2003 trở về trước, tetramine là nguyên nhân chính gây ngộ độc và tử vong. Nguyên nhân có thể do tự tử, đầu độc hoặc sử dụng hóa chất diệt chuột tràn lan và không an toàn tại gia đình dẫn tới lẫn chất độc vào thức ăn.

Đáng chú ý, gói hóa chất diệt chuột loại tetramin trước đây đóng gói to cỡ vài cm, nhưng do độc tính rất cao nên chỉ dính một chút bột vào thức ăn, nước uống đã có thể gây co giật và tử vong cho cả gia đình. Kích thước của gói hóa chất diệt chuột của bệnh nhân nêu trên rất lớn (12 X 18cm), có thể gây ngộ độc cho một số người tương đương một xóm.

Loại hóa chất diệt chuột trên thường được bày bán và mua rất dễ dàng, có thể tại các quầy bán hóa chất bảo vệ thực vật, những người bán rong, quầy kinh doanh phân bón, giống cây trồng, kinh doanh thuốc thú y,…

Ngoài chất trên, Trung tâm Chống độc còn ghi nhận Trifluoroacetate/trifluoroacetamide (hóa chất diệt chuột Trung Quốc ở dạng ống nước màu hồng, màu nâu, ống nước không màu và hạt gạo hồng, cũng đã bị cấm cách đây hơn 20 năm), vài năm gần đây xuất hiện trở lại.

Loại hóa chất này gây rung thất (mức độ loạn nhịp tim chết người), viêm cơ tim, suy tim cấp tính, tổn thương não, co giật,… và rất dễ tử vong. Việc mua bán hóa chất diệt chuột này cũng rất dễ dàng và phổ hiến hiện nay.

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Cụ thể, danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, như sau:

- Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất.

- Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất.

- Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất.

- Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất.

Trong đó, nhóm thuốc trừ bệnh, thuốc trừ chuột, thuốc trừ cỏ bao gồm:

canh-bao-xuat-hien-mot-so-loai-hoa-chat-trung-quoc-diet-chuot-cuc-doc

Bên cạnh đó, các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/2/2020; chỉ được buôn bán sử dụng đến ngày 12/02/2021.

Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT chính thức có hiệu lực ngày 05/11/2019 và thay thế Thông tư 03/2018/TT- BNNPTNT ngày 9/02/2018, Thông tư 13/2018/TT- BNNPTNT ngày 8/10/2018.

Theo VietQ