Chồng níu kéo hôn nhân bằng bạo lực, vợ cần làm những việc sau để tránh xảy ra thảm án

Không ít “tội ác” xảy ra khi đối phương dùng bạo lực để níu kéo hôn nhân như trường hợp chồng sát hại vợ và bố mẹ vợ ở Thái Bình. Để không bị bạo lực gia đình khi chồng đang nổi nóng do ghen tuông, bực bội do vợ đòi ly dị, chuyên gia chỉ ra điều cần làm dưới đây.

Níu kéo hôn nhân bằng bạo lực

Vụ "thảm sát" chồng giết vợ và bố mẹ vợ ở Thái Bình những ngày qua đã gây rúng động dư luận. Nguyên nhân được xác định là từ mâu thuẫn vợ chồng. Theo cơ quan chức năng, đối tượng Đào Văn Thịnh là người nghiện ma túy lâu năm.

Sau khi kết hôn với chị S sinh được 2 người con nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Thịnh cũng thường xuyên đánh đập vợ con khiến vợ đòi li hôn, bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Dù đã nhiều lần hòa giải mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng nhưng không được.

Để níu kéo, Thịnh đến nhà bố mẹ vợ để nói chuyện. Trong khi trao đổi xảy ra mâu thuẫn, Thịnh đã lấy dao chém bố mẹ vợ và vợ khiến cả ba người tử vong tại chỗ. Sau khi gây án đã ra cơ quan đầu thú.

Trong thực tế, những người phụ nữ phải sống cảnh sống không nổi, bỏ không xong vì những người chồng tệ bạc, bạo hành rất nhiều và khi muốn ly hôn thường bị những ông chồng níu kéo hôn nhân bằng bạo lực.

Trước đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử trường hợp người chồng bị vợ khước từ đoàn tụ đã tưới xăng thiêu vợ. Trong quá trình chung sống hai vợ chồng thường mâu thuẫn mà không giải quyết được.

chong-niu-keo-hon-nhan-bang-bao-luc-vo-can-lam-nhung-viec-sau-de-tranh-xay-ra-tham-an

Ảnh minh họa

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, trường hợp như ở Thái Bình nổi bật lên nguyên nhân là người chồng nghiện ngập. Có thể trong cuộc sống, vợ chồng họ xảy ra nhiều mâu thuẫn mà không thể giải quyết. Có những án mạng đau lòng chỉ vì xuất phát từ mâu thuẫn gia đình không được giải tỏa.

Điểm chung của các loại tội phạm là bị thúc đẩy vì lòng thù hận. Không chỉ là chửi bới, mắng mà nhiều người còn làm hại sức khỏe, tước đoạt sự sống của đối phương… khi một bên đòi ly hôn.

Về mặt tâm lý là do bị dồn vào bước đường cùng, bế tắc không tìm ra được cách giải quyết hợp lý. Khi trong lòng đã chất chứa cơn giận dữ, mọi khả năng nhận thức, kiểm soát cũng như điều chỉnh hành vi sẽ xuống tới mức thấp nhất. Khi đó họ thường mặc cho bản năng dẫn dắt, hành xử một cách bột phát mà không thể nghĩ được đến hậu quả có thể xảy ra.

Đối với cánh đàn ông, điều này càng trở nên đặc biệt. Một khi phát sinh ý nghĩ giá trị của mình bị đe dọa thì sẽ cảm thấy bị tổn thương, gây nên cơn giận dữ không thể kiểm soát được. Sau đó, họ thường có thái độ bất cần, sẵn sàng trút giận lên kẻ đã làm mình cảm thấy nhục nhã cho dù đó là người vợ đầu gối tay ấp với mình. Cơn giận che mờ lí trí, người đàn ông trở nên hung bạo. Họ không cần đếm xỉa tới tính mạng mình và vì thế chẳng cần coi trọng tính mạng của người khác.

Để tránh xảy ra thảm án gia đình

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trước khi tiến đến hôn nhân cả hai cần phải tìm hiểu cặn kẽ nhau. Việc chưa tìm hiểu cặn kẽ dẫn tới trong quá trình sống chung không tìm được tiếng nói chung cho những xung đột. Khi không kiểm soát được cơn nóng giận rất dễn để xảy ra tội ác.

Phần lớn các vụ án xảy ra do mâu thuẫn vợ chồng thường không có động cơ từ trước. Khi xảy ra mâu thuẫn, trong một thời khắc một trong hai người không kiểm soát được cơn nóng giận mới có tâm lý trút bực dọc bằng bạo lực.

Lúc đó, chỉ cần "đổ thêm dầu vào lửa" bằng vài câu nói khiêu khích cũng dễ dẫn tới tấn bi kịch. Bởi vậy, để tránh xảy ra các tội ác, khi vợ chồng căng thẳng cần học cách lắng nghe. Đối phương khi cảm thấy mình được lắng nghe, tức là được tôn trọng ý kiến dễ tiếp thu lời bạn nói.

Còn khi cả 2 bên đang quá căng thẳng, người bạn tình đã trở nên nóng giận, cuồng nộ thì cách tốt nhất nên đi chỗ khác. Trước mắt hãy tìm cách thoát hẳn khỏi khu vực nguy hiểm để tránh nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột không đáng có.

Cấm kỵ là lúc này không nói hoặc hành động gì khiến đối phương tức giận, chẳng hạn nói chia tay, li hôn lúc này rất nguy hiểm. Đừng ở lại để đôi co, cãi vã mà cần phải đợi bạn tình nguôi bớt cơn giận. Khi bình tâm trở lại, cả hai nói chuyện lại với nhau. Điều này, bạn cần lựa theo tính cách của đối phương mà dung hòa.

Nhiều vụ án xảy ra lại từ chính những lời nói, thái độ khiến cho đối phương không làm chủ được bản thân. Vợ chồng sống với nhau cả quãng đường dài không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Nếu có mâu thuẫn cần phải giải quyết, tránh để âm ỉ, tích tụ. Mọi người càng không nên tìm đến người thứ 3 vào cuộc luôn khi mâu thuẫn.

Thường nhiều người tìm đến với bố mẹ đôi bên, song nhiều khi sự can thiệp của họ lại "châm ngòi" thêm cho mâu thuẫn vợ chồng. Phụ huynh thường ích kỷ, nghiêng về phía con ruột của mình mà có cái nhìn khắt khe về phía con rể hay con dâu.

Với gia đình có người chồng mà nghiện ngập hoặc hay ghen tuông mù quáng, bệnh hoạn thường xuyên có hành động bạo hành… người vợ hãy nhờ cậy tới sự giúp đỡ của họ hàng, người thân, chính quyền địa phương… Nếu bị hành hạ gây thương tích, cần báo cáo cho chính quyền để có biện pháp răn đe, giáo dục người vi phạm chứ không nên cam chịu để tình trạng trở nên tồi tệ.

Theo GiaDinh