Cô giáo bạo lực chỉ khiến học sinh thành "hổ báo"?

Chỉ vì viết chậm, làm sai bài, mất tập trung mà học sinh bị giáo viên đánh đến thâm tím tay.

Liên quan tới vụ việc giáo viên trường trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) bị tố đánh học sinh lớp 4 dẫn đến thâm tím tay, ngày 30/5 nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng thi đua khen thưởng - kỷ luật nhà trường. Trong bản tường trình gửi trường, cô P.T.H.Nhung nhận sai lầm, trách nhiệm, đồng thời bày tỏ sự ân hận và cam kết không tái phạm. Trường thống nhất tạm đình chỉ công tác giảng dạy đến hết năm học.

Phòng GD&ĐT TP. Nam Định thông tin sự việc xảy ra hôm 29/5. Ở tiết dạy trên lớp, do em H.M.T. - học sinh lớp 4A6 không tập trung - viết bài chậm, giáo viên chủ nhiệm P.T.H.Nhung dùng thước kẻ nhựa đánh vào tay em. Đến tối, em T. về nhà, tay tấy đỏ. Gia đình đến trường, phản ánh với ban giám hiệu.

co-giao-bao-luc-chi-khien-hoc-sinh-thanh-ho-bao

Vết tím trên tay của học sinh trường tiểu học Hồ Tùng Mậu (Nam Định).

Trước đó, một phụ huynh trường Tiểu học Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh, vào ngày 12/5, sau khi từ trường về nhà chị phát hiện con gái đang học lớp 2 xuất hiện nhiều vết thương, tụ máu (bờ môi, má và sau vành tai phải).

Con kể bị cô giáo chủ nhiệm tát và lấy sách đập vào mặt vì làm sai bài toán. Hiện Công an huyện Thanh Trì, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã vào cuộc, làm rõ vụ việc.

Trên đây chỉ là hai trong vô số vụ việc học sinh bị giáo viên phạt, đánh trên lớp học, lý do chỉ là viết chậm, làm sai bài hoặc mất trật tự trên lớp.

Cho rằng dù bị áp lực, song hành vi bạo hành học sinh là rất đáng lên án. TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho biết, nhiệm vụ của nhà giáo là phải dùng năng lực sư phạm để hướng học sinh đến cái đúng, răn dạy học sinh là chính. Dù có chuyện gì, giáo viên không được nóng giận mà có hành vi bạo lực với học sinh, nhất là các em còn nhỏ.

"Dù học sinh có mắc lỗi, làm sai bài, viết chậm… thì giáo viên cũng không thể đánh các em rồi bao biện là muốn học sinh tốt hơn. Phương pháp dùng hành vi đánh đã không còn phù hợp với phương pháp giáo dục hiện đại, cần phải loại bỏ" - TS. Lâm nhận định.

co-giao-bao-luc-chi-khien-hoc-sinh-thanh-ho-bao

Một phụ huynh tại Thanh Trì (Hà Nội) tố cáo cô giáo đánh con.

Là một phụ huynh, người hành nghề luật, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, tôi phản đối bạo lực học đường, phản đối cách giáo dục lạc hậu. Để xã hội phát triển, văn minh đúng quy luật thì cần có phương pháp giáo dục văn minh, không được hành hạ, làm nhục học sinh bởi bất cứ nguyên nhân gì.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, qua nghiên cứu về tội phạm học cho thấy, cái ác bản năng trỗi dậy trong một con người bởi họ được chứng kiến bạo lực, là nạn nhân của bạo lực từ khi còn nhỏ. Phần lớn tội phạm có hành động bột phát bởi lớn lên trong bạo lực... Bởi vậy, đừng nghĩ một đứa trẻ biết vâng lời (do sợ bị làm nhục) là một đứa trẻ ngoan.

Hành vi đối xử bạo lực, thiếu tôn trọng của người lớn đối với trẻ em sẽ tác động lớn tới việc phát triển và hình thành nhân cách, sẽ cho ra đời những đứa trẻ cục cằn, thô lỗ, thiếu lòng nhân ái, thiếu sự vị tha và sự tôn trọng cần thiết đối với người khác.

"Kỷ luật học sinh ngoài hình thức pháp luật cho phép là tùy tiện, phản giáo dục, thậm chí là hành vi vi phạm pháp luật. Trong giáo dục, áp dụng các hình thức kỷ luật đúng đắn, công bằng sẽ cho ra đời những công dân biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác, là cách để giảm thiểu các tội phạm trong tương lai" - luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.

Theo GiaDinh