Cứ chiều tối, nếu thấy chân tê bì, đau tức, coi chừng mắc loại bệnh dân văn phòng rất hay gặp

Cảm giác đau tức, mỏi chân, tê bì, bồn chồn ở chân đặc biệt về chiều tối, chuột rút về đêm... cần lưu ý, chớ nên ngâm chân nước nóng kẻo rước hoạ.

Cảm thấy tức mỏi chân sau một ngày đứng nhiều, nhiều khi còn bị chuột rút không rõ nguyên nhân, anh Hùng (25 tuổi, là nhân viên tín dụng ngân hàng) nghĩ chắc do đi lại quá nhiều nên không để ý bệnh.

Một thời gian sau, anh có cảm giác nặng chân, bồn chồn ở chân về chiều… nhưng đến sáng hôm sau, những dấu hiệu này lại biến mất nên anh càng chủ quan. Khi cảm thấy quá nặng chân, anh lấy chậu nước nóng, có thêm muối, gừng... để ngâm chân.

Đến khi trên da chân có các tĩnh mạch nông nhìn thấy rõ, phù chân, rối loạn sắc tố da... anh mới đi tới Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Qua khám lâm sàng kết hợp siêu âm doppler tĩnh mạch, các bác sĩ chẩn đoán anh bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

ThS Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới mạn tính là bệnh rất thường gặp, các thay đổi do hậu quả của giãn tĩnh mạch, hở các van tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch.

cu-chieu-toi-neu-thay-chan-te-bi-dau-tuc-coi-chung-mac-loai-benh-dan-van-phong-rat-hay-gap

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương siêu âm phát hiện bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Bệnh có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng khoảng 50-60% từ giai đoạn nhẹ đến nặng.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh rất phong phú, tuỳ từng bệnh nhân. Có thể bệnh không gây ra triệu chứng gì, chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ như giãn các tĩnh mạch mạng nhện, tĩnh mạch lưới; cũng có thể có các biểu hiện nặng chân, đau tức, mỏi chân, tê bì chân đặc biệt về chiều tối, chuột rút về đêm, phù ở chân, rối loạn sắc tố da, xơ hóa da chân, eczema… và nặng hơn là loét da.

Điều quan trọng là nhiều bệnh nhân chủ quan do không biết triệu chứng mình đang có là biểu hiện bệnh. Thậm chí, có những trường hợp mắc bệnh ở giai đoạn C5 – có biến chứng loét trên da- vẫn không phát hiện ra bệnh.

Bởi, nếu giãn tĩnh mạch nông, người bệnh có thể phát hiện được với các triệu chứng trên da, nhưng giãn tĩnh mạch sâu thì không có biểu hiện trên da, đặc biệt với những người béo phì, hệ tĩnh mạch nằm sâu sau lớp mỡ khiến khó quan sát, có khi họ không biết mình bị bệnh.

Tuổi tác, nghề nghiệp, yếu tố gia đình, lối sống ảnh hưởng nhiều tới nguy cơ mắc bệnh. Theo ThS Sơn, tuổi càng cao tỷ lệ bị bệnh càng cao và biểu hiện bệnh càng nặng nề hơn so với người trẻ; nữ nhiều hơn nam có thể do quá trình sinh nở tự nhiên của nữ, quá trình mang thai (đặc biệt mang song thai trở lên) hoặc do thói quen sinh hoạt, béo phì, thừa cân...

Nghề nghiệp đòi hỏi đứng lâu hoặc ngồi lâu, ít vận động như giáo viên, nhân viên văn phòng, lái xe, nhân viên y tế,… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Dù là bệnh phổ biến nhưng thực tế lâm sàng có nhiều sai lầm trong điều trị bệnh. Theo BS Sơn, khi có hiện tượng đau cẳng chân, đau gối…, nhiều người tự chẩn đoán do viêm khớp, thấp khớp, triệu chứng thống phong...

Điều này khiến họ tìm các phương pháp điều trị khác nhau bằng cách "truyền miệng" hoặc theo kinh nghiệm dân gian. Phổ biến nhất, nhiều người ngâm chân bằng nước nóng, lá trầu không, lá lốt, bôi dầu nóng, trong khi chính điều này càng tăng nặng tình trạng suy giãn tĩnh mạch.

Có người khi thấy đau nhức chân, nặng chân mỗi khi đi lại liền kiêng đi lại để bệnh không nặng thêm. Trong khi càng không vận động hệ tĩnh mạch càng suy yếu hơn.

Nặng nề hơn, có những bệnh nhân thấy đau chân tự cho rằng bị loãng xương tuổi già, viêm khớp dạng thấp, nên tự uống thuốc điều trị viêm khớp, kháng viêm, nhưng hiệu quả không cao. Đặc biệt, bệnh nhân tự uống các thuốc corticoid (hiệu quả chống viêm giảm đau khá tốt) nhưng không đúng cách nên tác dụng phụ nhiều, thậm chí có người lệ thuộc vào thuốc, teo cơ, nhược cơ, suy thượng thận...

cu-chieu-toi-neu-thay-chan-te-bi-dau-tuc-coi-chung-mac-loai-benh-dan-van-phong-rat-hay-gap

Hình ảnh trước và sau 10 ngày can thiệp suy giãn tĩnh mạch nông chân phải

Về điều trị, hiện trên thế giới và Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp điều trị khác nhau đối với suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính.

Nếu ở giai đoạn sớm, có thể áp dụng biện pháp không dùng thuốc như: Thay đổi thói quen sinh hoạt, giảm cân, chế độ ăn bổ sung giàu chất xơ; thay đổi môi trường làm việc, hạn chế ngồi đứng lâu; luyện tập các môn thể thao tăng co bóp các cơ vùng chân bổ trợ cho tĩnh mạch như bơi, đi bộ, đạp xe…. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc kết hợp băng chun hoặc đi tất áp lực.

Tuy nhiên các biện pháp này chỉ có tác dụng làm hạn chế các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Trong khi đó rất ít người bệnh tuân thủ chế độ sinh hoạt, luyện tập hay đi tất áp lực. Bệnh nặng hơn, các biện pháp này kém hiệu quả, buộc phải điều trị can thiệp xâm lấn.

Ngày nay đã có những phương pháp điều trị mới, ít xâm lấn như điều trị gây xơ bằng thuốc, hóa chất, can thiệp nội mạch. "Trong đó, sử dụng Laser nội mạch là một trong những giải pháp mang tính cách mạng với bệnh này" - BS Sơn cho hay.

Laser nội mạch có nhiều ưu điểm khi hiệu quả tương đương phẫu thuật, thời gian can thiệp nhanh chóng, người bệnh không phải nằm viện, có thể xuất viện trong ngày, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Bệnh nhân không đau, không chảy máu, không nhiễm trùng, không để lại sẹo. Đặc biệt, biến chứng rất ít, chủ yếu bầm tím nhẹ vùng gây tê trong tuần đầu tiên sau can thiệp.

BS Nguyễn Hồng Sơn cho hay, những người có nguy cơ cao như giới văn phòng, đứng nhiều, người có thói quen ngồi nhiều, ít vận động, người thừa cân, béo phì, anh chị em ruột/con ruột trong gia đình có người đã mắc bệnh... nên đi siêu âm phát hiện. Người dân có thể đến bất kỳ cơ sở nào có khả năng siêu âm mạch máu có thể phát hiện được bệnh.

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

+Bất ngờ với loại quả làm 'biến mất' chỗ suy giãn tĩnh mạch có ngay trong nhà bạn

+Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh suy giãn tính mạch chân

+Sử dụng cà chua theo cách này sẽ chữa khỏi suy giãn tĩnh mạch trong thời gian ngắn

-----