Cử nhân chạy xe ôm công nghệ, thạc sĩ làm tiếp tân

Nhiều người sai lầm từ giai đoạn chọn ngành học, khi ra trường không thể phát triển công việc nên phải làm trái ngành, thậm chí những công việc giản đơn không cần đào tạo.

Bỏ công sở đi làm ngoài

Cưới vợ vào tháng 1/2021 theo diện "bác sĩ bảo cưới", anh Nguyễn Duy Thành (Củ Chi, TPHCM) rơi vào cảnh thất nghiệp từ đầu tháng 5.

Thành bất chợt rơi vào cảnh khốn khó vì học ngành quản trị kinh doanh nhưng không có nhiều cơ hội việc làm, gần 5 năm nay chỉ xoay quanh công việc văn phòng, thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng.

Nếu công việc ổn định, thu nhập của cả 2 vợ chồng gần 20 triệu đồng cũng sống tạm ổn. Tuy nhiên, mọi chuyện khó khăn khi dịch Covid-19 kéo dài, công ty phải thu hẹp hoạt động, cho nghỉ việc một số người, trong đó có Thành.

"Vợ tôi thai gần 7 tháng, đã nghỉ sinh từ đầu tháng 4. Sang tháng này em cũng thất nghiệp nên mới khó. Mà kiếm việc văn phòng bây giờ khó, qua công ty mới chưa chắc thu nhập bằng công ty cũ nên em đành chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để tiện chăm vợ con. Mình cố gắng cày, thu nhập cũng được", Thành chia sẻ.

Khác với Thành, anh Triết lại tự động xin nghỉ việc từ đầu năm 2021 để chuyển thẳng sang chạy xe ôm công nghệ, do thu nhập từ công việc kế toán doanh nghiệp cực khổ, lương quá thấp.

Anh Triết cho hay: "Mang tiếng làm công ty nước ngoài, làm cả ngày thứ 7 mà lương 5 năm rồi vẫn chưa tới 7 triệu đồng. 2 năm nay cũng chưa thấy tăng lương nên tôi đành nghỉ chạy xe ôm công nghệ cho khỏe. Vừa chủ động thời gian mà thu nhập cũng không kém".

cu-nhan-chay-xe-om-cong-nghe-thac-si-lam-tiep-tan

Nhiều lao động trình độ đại học phải làm công việc giao hàng, chạy xe công nghệ. (ảnh minh họa)

Cơ cấu lao động thừa thầy thiếu thợ

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam, những trường hợp học đại học ra nhưng phải làm những nghề sơ cấp như anh Thành, anh Triết là không hiếm.

Ông Tuấn cho biết: "Không chỉ cử nhân phải làm những nghề không cần đào tạo mà thậm chí cả nhân lực trình độ cao hơn cũng có người phải làm những công việc giản đơn. Tôi từng gặp những thạc sĩ làm reception tại các khách sạn. Mà reception là gì, là tiếp tân, đón khách. Đó chỉ là công việc sơ cấp!".

Theo ông Tuấn, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, như kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lựa chọn ngành học không phù hợp nên khó phát triển nghề nghiệp khi tham gia thị trường lao động,… Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là nhu cầu lao động và cơ cấu lao động hiện nay chưa phù hợp.

"Nhu cầu lao động hiện tại ở các đô thị lớn như TPHCM cần khoảng 20% trình độ đại học trở lên, trong đó 15% làm công việc chuyên môn, 5% lượng lao động sau thời gian tích lũy chuyên môn, mối quan hệ chuyển sang khởi nghiệp. Trong khi đó, nguồn cung lao động thì tỷ lệ có trình độ đại học lại quá cao" - ông Tuấn cho hay.

Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TPHCM, trong tổng số nhu cầu nhân lực quý I/2021 của các doanh nghiệp trên địa bàn TP, chỉ có hơn 22% là trình độ đại học trở lên, còn lại đều là nhân lực có trình độ thấp hơn như cao đẳng (17%), trung cấp (24%), sơ cấp (25%)… Tuy nhiên, trong tổng số người có nhu cầu tìm việc, trình độ đại học trở lên chiếm hơn 60%.

Theo ông Tuấn, cơ cấu lao động thừa thầy thiếu thợ dẫn đến sự cạnh tranh cơ hội việc làm trình độ đại học ở các thành phố lớn rất gay gắt, chỉ những người phù hợp mới trụ lại được với nghề và có cơ hội phát triển. Phần còn lại sau một thời gian trầy trật mà không trụ được đúng ngành mình học phải chuyển sang làm công việc trái ngành, thậm chí là làm những công việc có trình độ trung cấp, hoặc sơ cấp.

Để giải quyết bài toán này, theo các chuyên gia, chỉ có thể thay đổi dần từ trong nhận thức của xã hội, chuyển từ tâm lý chuộng bằng cấp cao sang chú trọng nghề nghiệp thực tế, khắc phục sự mất cân đối trong cơ cấu trình độ lao động.

Ông Hoàng Quốc Long, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, chỉ khi học nghề được xem trọng, học sinh theo học các trường nghề nhiều hơn mới giải quyết được tình trạng thừa thầy thiếu thợ, lao động trình độ đại học lại đi làm các nghề sơ cấp, hoặc phải học thêm nghề trình độ trung cấp để đi kiếm việc làm.

Ông chia sẻ: "Đôi khi suy nghĩ của học sinh lại mâu thuẫn với kỳ vọng của cha mẹ. Ai cũng muốn con mình làm ông này bà kia mà ít để ý đến sở thích và năng lực của con mình.

Có những đứa trẻ học không nổi, muốn học một cái nghề để mưu sinh nhưng cha mẹ nhất quyết không đồng ý, thi không đậu vào trường cấp 3 nào cố ép con vào các trung tâm giáo dục thường xuyên dù đứa trẻ học vật vờ, đối phó. Không học đại học được vào cao đẳng, hết cửa mới tính đến chuyện vào học nghề".

Theo ông Hoàng Quốc Long, chọn ngành học, cấp học không đúng năng lực và sở thích nghề nghiệp của mình, không chỉ hạn chế khả năng phát triển tương lai mà còn lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình khi phải chuyển nghề, chuyển ngành học. Đó cũng là lãng phí tài nguyên xã hội khi đầu tư đào tạo nguồn nhân lực không phát huy được hiệu quả.

Theo Dân trí