Đặc sản mật ong Bạc hà của Hà Giang bị hàng Trung Quốc trà trộn và cách nhận biết

Mật ong Bạc hà Hà Giang đang bị mật ong không rõ nguồn gốc xuất xứ giả mạo, người tiêu dùng cần tỉnh táo để không bị nhầm lẫn.

Mật ong Bạc hà - loại mật duy nhất chỉ có ở vùng Cao nguyên đá Hà Giang vào 3 tháng mùa Đông từ lâu đã là sản phẩm quý giá trời cho. Hoa Bạc hà chỉ nở từ tháng 10 - 12 hàng năm trên địa bàn 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc nên sản lượng mật ong hoa Bạc hà không nhiều.

Báo Hà Giang thông tin, theo số liệu báo cáo về phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà tại 4 huyện, cho thấy: Hiện, trên địa bàn có 39.662 đàn ong/2.763 hộ nuôi.

Trong đó, Mèo Vạc 14.316 đàn, Đồng Văn 13.796 đàn, Yên Minh 6.550 đàn, Quản Bạ 5.000 đàn. Có 74 cơ sở sản xuất, sơ chế mật ong Bạc hà gồm 60 tổ hợp tác, 1 doanh nghiệp và 13 HTX. So với năm 2018 đã tăng thêm 3 cơ sở, tổng sản lượng mật ong Bạc hà năm 2019 tại 4 huyện ước đạt 196.283 lít.

Qua đó đủ thấy lượng mật ong không nhiều và giá mật bán tại chỗ thấp nhất cũng dao động từ trên dưới 400 ngàn đồng/lít và không thể có mật Bạc hà Hà Giang bán với giá thấp hơn cả các loại mật ong bình thường.

dac-san-mat-ong-bac-ha-cua-ha-giang-bi-hang-trung-quoc-tra-tron-va-cach-nhan-biet

 Cận cảnh mật ong Bạc hà Hà Giang. Ảnh: Dân Trí

Tuy nhiên, trên các trang mạng điện tử và Facebook dễ dàng mua được mật ong Bạc hà với giá thành rất rẻ từ 80 – 200 ngàn đồng/lít. Đa phần người mua đều cho rằng, mật ong Bạc hà Hà Giang có màu xanh và có vị hoa Bạc hà đậm đặc, theo báo Hà Giang, đó là một nhận định sai lầm.

Trước hết phải hiểu mật ong Bạc hà là loại mật nguyên chất được quay từ giống ong nội địa trong 2 - 3 tháng mùa Đông, mật ong Bạc hà có màu vàng chanh, hương vị thanh ngọt đặc trưng.

Còn mật ong có màu xanh đậm và giá rẻ bán tràn lan trên mạng là mật có nguồn gốc không rõ ràng, sản phẩm nhái mật ong Bạc hà Hà Giang.

Trao đổi với Dân Trí, chị Lụa (Hà Giang) - một người chuyên về mật ong Bạc hà cho hay, các lái buôn qua Trung Quốc thường mua loại mật ong giả để lừa bán như mật ong bạc hà. “Loại mật giả có màu xanh bắt mắt, đặc quánh, vị ngọt khé, mùi bạc hà nồng nặc. Giá nhập của loại này chỉ vài chục nghìn đồng”, chị Lụa nói.

Để biết có phải mật thật hay không, theo chị Lụa, nên sử dụng phương pháp thử mật ong với trứng gà. Theo đó, nếu là mật ong bạc hà thật thì khi ngâm, lòng đỏ trứng gà sẽ chín dần trong đó.

“Ngoài ra, cũng có thể dùng nhãn quan để phân biệt mật ong bạc hà. Bởi mật ong bạc hà “xịn” sẽ có màu vàng chanh hoặc màu xanh oliu. Khi rót, mật ong sẽ tạo bọt trắng xóa. Nếu để trong chai, bằng mắt thường sẽ quan sát thấy có các bọt khí sủi tăm”, chị Lụa chia sẻ thêm.

Thế nhưng, điểm nhận biết rõ ràng nhất của loại mật ong giá trị này là chính là mùi vị. Vì theo chị Lụa, nhiều người đã lầm tưởng, mật ong bạc hà phải có mùi giống cây bạc hà thông thường. Tuy nhiên, mùi của mật ong bạc hà lại rất đặc trưng, thoang thoảng, không sộc.

Khác với mật ong bạc hà giả được lưu hành trên thị trường. Độ ngọt của mật ong bạc hà nguyên chất là thanh, tạo cảm giác mát dịu chứ không ngọt khé. 

Khi đưa mật ong vào miệng sẽ có cảm giác thanh mát khoang miệng tới cổ họng. Đặc biệt, theo người chuyên về mật ong bạc hà, loại mật này không bao giờ gây tê tê lưỡi, khoang miệng như khi ta ăn bạc hà.

Trong khi đó, trao đổi với báo Hà Giang, ông Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: "Công tác quản lý chất lượng sản phẩm mật ong Bạc hà được triển khai, thực hiện theo hướng tập trung cho các cơ sở sản xuất, sơ chế mật ong Bạc hà theo các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm ngay từ nơi sản xuất".

Để kiểm soát các khâu sản xuất mật ong Bạc hà, năm 2019, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã hỗ trợ các cơ sở nuôi ong tập trung và cơ sở chế biến mật có liên kết với vùng nuôi ong.

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất mật ong, cấp chứng nhận cho 16 cơ sở trên địa bàn 4 huyện, trong đó Mèo Vạc 3 cơ sở, Đồng Văn 3 cơ sở, Yên Minh 1 cơ sở, Quản Bạ 2 cơ sở.

Đồng thời hỗ trợ, cấp 16 thiết bị kiểm tra thủy phần và tỷ lệ đường trong mật ong cho 16 cơ sở được cấp chứng nhận VietGap để thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại chỗ.

Tăng cường tần xuất kiểm tra đột xuất, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất trong thời điểm thu hoạch mật ong. Đã lấy 60 mẫu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, sơ chế mật ong Bạc hà tại 4 huyện để kiểm tra, phân tích các tiêu chuẩn chất lượng mật ong Bạc hà được cấp Chỉ dẫn địa lý của từng cơ sở.

Thực hiện lưu mẫu đối chứng để làm căn cứ kiểm soát, giám sát chất lượng sản phẩm của từng cơ sở và xử lý theo pháp luật khi cơ sở có vi phạm về chất lượng sản phẩm.

Quản lý chất lượng các sản phẩm rao bán trên internet và mạng xã hội là một việc làm hết sức khó khăn, trong đó có mật ong Bạc hà.

Để lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng, không mua phải sản phẩm giả, người tiêu dùng nên cẩn trọng tìm hiểu và chọn mua mật ong Bạc hà ở các cơ sở bán sản phẩm có đủ nguồn gốc xuất xứ và tem nhãn theo quy định. Hiện nay, mật ong Bạc hà đã có mặt ở các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang và các chuỗi siêu thị uy tín.

Theo VietQ