Giật mình khu vực chứa dầu thải trước khi được "tuồn" ra đầu nguồn nước sạch sông Đà

Đó là những chiếc bồn chứa dầu thải cáu bẩn, rộng tới 3 - 5 m3 được đấu nối từ các đường ống ở nhiều khu vực của nhà máy...

Liên quan đến vụ xả thải "đầu độc" nước sông Đà, mới đây biên bản kiểm tra (được lập vào ngày 19/10) của đoàn công tác gồm đại diện Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Phú Thọ… về vấn đề chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại công ty CP gốm sứ Thanh Hà cho thấy, giữa Nguyễn Huyền Trang (nhân vật được Vũ nhắc đến trong lời khai ban đầu) và Lý Đình Vũ (đối tượng thuê người chở dầu thải xả xuống đầu nguồn nước sông Đà) từng có thỏa thuận để xử lý dầu thải.

Cụ thể, biên bản đề cập đến quá trình chuyển giao chất thải nguy hại tại công ty CP gốm sứ Thanh Hà nêu: Khoảng tháng 9/2019, Lý Đình Vũ (SN 1982, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh giới thiệu là người thu gom xử lý dầu thải liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Huyền Trang (SN 1988, trợ lý giám đốc công ty) đề xuất việc tiếp nhận, xử lý, tái chế số dầu thải đang lưu giữ tại công ty CP gốm sứ Thanh Hà (CTH) và được bà Trang đồng ý.

Theo thỏa thuận miệng, bà Trang sẽ phải trả cho Vũ số tiền đề thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.

giat-minh-khu-vuc-chua-dau-thai-truoc-khi-duoc-tuon-ra-dau-nguon-nuoc-sach-song-da

Lối vào công ty CP Gốm sứ Thanh Hà (CTH).

Sáng 7/10, Vũ gọi điện cho bà Trang để đến thu gom dầu thải. Do bà Trang đi vắng nên đã giao lại việc cho ông Trần Thành Trung (cán bộ phòng vật tư của công ty) để ông Trung chuyển giao dầu thải cho Vũ.

Khoảng hơn 8 giờ sáng cùng ngày, Nguyễn Chương Đại điều khiển xe tải BKS 99C-08783 cùng với Hoàng Văn Thám tới công ty CP gốm sứ Thanh Hà để lấy dầu cho Vũ. Tại đây, ông Trần Thành Trung đã gặp và trao đổi với Thám và Đại, đồng thời giao cho một nhân viên tên Cường hỗ trợ việc hút dầu thải từ các téc dầu loại 1m3 và loại 120 lít.

Quá trình hút dầu, xe tải có sẵn các thùng chứa loại 1m3. Đại và Thám sử dụng bơm có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 téc vào các thùng còn lại. Đến khoảng 13h cùng ngày thì hút dầu thải xong. Xe đi qua trạm cân của công ty với lượng dầu thải là gần 9.000 kg.

giat-minh-khu-vuc-chua-dau-thai-truoc-khi-duoc-tuon-ra-dau-nguon-nuoc-sach-song-da

Bên trong nhà máy của công ty CP gốm sứ Thanh Hà.

Việc giao dịch tài chính giữa bà Trang và Vũ đến nay bà Trang chưa thực hiện được và không liên lạc được với Vũ nữa.

Đáng chú ý, theo nội dung biên bản này, đoàn công tác đã kết luận công ty CP gốm sứ Thanh Hà chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định.

Cụ thể, công ty đã chuyển gần 9.000 kg dầu thải cho hai đối tượng Đại và Thám để mang đi xử lý. Tuy nhiên, công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân, chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng trên.

Còn theo kết quả kiểm tra năm 2016 cho thấy, Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà đã bị Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt hành chính số tiền 160 triệu đồng vì chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nước.

giat-minh-khu-vuc-chua-dau-thai-truoc-khi-duoc-tuon-ra-dau-nguon-nuoc-sach-song-da

Nơi tập kết dầu thải của công ty CTH.

Đến năm 2018, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ đã nêu nhiều tồn tại của công ty này: chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; chưa nộp đủ phí bảo vệ môi trường, lò sấy của công ty được chuyển đổi từ than sang cám cưa chưa báo cáo với các cấp có thẩm quyền.

giat-minh-khu-vuc-chua-dau-thai-truoc-khi-duoc-tuon-ra-dau-nguon-nuoc-sach-song-da

Khu vực chứa dầu để đốt lò nung gạch.

Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, phía bên trong nhà máy của Công ty CP gốm sứ Thanh Hà rộng hàng nghìn m2, hệ thống máy móc và các vật liệu sản xuất ngổn ngang ở nhiều khu vực khác nhau. Trong đó, khu vực lò đốt của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà này có hàng chục bao tải và thùng phi bằng nhựa chứa nhiều vật liệu bên trong được đặt lên trên những tấm gỗ và đều có biển báo "cấm lửa".

giat-minh-khu-vuc-chua-dau-thai-truoc-khi-duoc-tuon-ra-dau-nguon-nuoc-sach-song-da

Bên trong khu vực này còn có 5 thùng phi đựng dầu được đấu nối ống tới nhiều khu vực khác.

Đặc biệt, khu vực chứa rác thải nguy hại được quây bằng gạch thô sơ xung quanh lợp mái tôn, cửa sắt khoá chặt. Phía bên ngoài cửa kho chứa rác thải đều được gắn những tấm biển với dòng chữ "Kho rác thải nguy hại", "Cấm lửa"...

giat-minh-khu-vuc-chua-dau-thai-truoc-khi-duoc-tuon-ra-dau-nguon-nuoc-sach-song-da

Nhà kho rác thải nguy hại được xây dựng thô sơ.

Bên cạnh kho rác thải nguy hại này còn có hàng chục thùng gỗ được bọc bằng những tấm bạt màu đen xếp chồng lên nhau ca hàng chục mét. 

Để đi vào được khu vực kho rác thải nguy hại này, phóng viên phải đi qua những đống rác thải cứng như gạch men, bao tải, những thanh gỗ nằm ngổn ngang phía bên ngoài.

giat-minh-khu-vuc-chua-dau-thai-truoc-khi-duoc-tuon-ra-dau-nguon-nuoc-sach-song-da

Số lượng lớn dầu thải của Công ty CP gốm sứ Thanh Hà được các đối tượng mang xe tải chở đi và xả trộm xuống đầu nguồn nước sạch sông Đà ở Kỳ Sơn - Hòa Bình.

Đáng chú ý, bên trong nhà máy còn có 5 bồn chứa dầu thải rộng tới 3 - 5 m3/bồn "cáu bẩn, đen xì" được đặt trên bệ gạch xây cao tầm khoảng 2,5 mét. Những chiếc bồn này có những đường ống dầu thải đấu nối dẫn tới nhiều khu vực khác của nhà máy và được gắn tấm biển "Cấm lửa"...

"Công ty tôi không có tiền để ủng hộ"

Liên quan đến sự cố xả thải đầu độc nước sông Đà, ngày 21/10, công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà đã có thông tin chính thức gửi các cơ quan truyền thông báo chí về vụ việc trên. Trong đó, đáng chú ý trong thông cáo phía Công ty Gốm sứ Thanh Hà khẳng định sẽ trích số tiền 500 triệu đồng để hỗ trợ người dân khắc phục sự cố ban đầu.

Cụ thể thông cáo nêu: "Chúng tôi xin được chia sẻ và chung tay với những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu trong thời gian qua bằng hành động thiết thực là trích ngay số tiền 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) để góp sức cùng người dân khắc phục sự cố này, đây chỉ là hỗ trợ ban đầu, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân, chính quyền để bảo vệ nguồn nước trong sạch tại thủ đô trong tương lai".

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: "Nếu không liên quan thì vì sao phía công ty lại hỗ trợ 500 triệu đồng?" thì ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà lại nhanh chóng phủ nhận thông tin và cho biết: "Không có chuyện ủng hộ từ công ty. Công ty tôi cũng không có tiền để ủng hộ. Thông tin này là sai sự thật".

Theo GiaDinh