Hà Nội, TPHCM có tái cách ly xã hội sau khi xác định ca Covid-19 mới?

Ký thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp 29/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trừ nơi có ca nhiễm Covid-19, Hà Nội, TPHCM vẫn duy trì trạng thái hiện nay…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trao đổi về vấn đề này sau cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng chiều muộn 29/7, sau khi Bộ Y tế vừa công bố có thêm 4 ca nhiễm Covid-19 tại Hà Nội, TPHCM, Đắk Lắk.

Đây cũng là những ca bệnh, những địa phương đã báo cáo tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng cùng ngày.

ha-noi-tphcm-co-tai-cach-ly-xa-hoi-sau-khi-xac-dinh-ca-covid-19-moi

Cho biết vừa ký thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp sáng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khái quát, Thủ tướng có nhấn mạnh đến các biện pháp phòng chống dịch ở mức độ cao hơn các ngày trước đây.

Cụ thể, trên toàn thành phố, Đà Nẵng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 chứ không phải thực hiện theo Chỉ thị 19 như trước đây.

Tình hình chung, Thường trực Chính phủ cho rằng, các ổ dịch ở Đà Nẵng như tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình… đã được phong tỏa. Người dân sinh sống xung quanh khu vực các bệnh viện, bệnh nhân, người nhà từng đi lại 3 bệnh viện này đều phải thực hiện cách ly, khai báo, theo dõi y tế nghiêm ngặt.

Các khu vực như Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hải Châu… những vùng có liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 cũng đều phải thực hiện nghiêm việc cách ly, khai báo, theo dõi y tế.

Đối với Đà Nẵng, tất cả các chuyến xe, chuyến bay chở người từ nơi khác đến và đi đều phải dừng lại.

Tuy nhiên, đối với Hà Nội, TPHCM, Đắk Lắk – những địa phương vừa xác định ca nhiễm mới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, biện pháp xử lý là thực hiện theo nguyên tắc “dịch đến đâu thì quây đến đấy”.

Hà Nội, TPHCM chỉ khoanh vùng những nơi xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 và theo dõi y tế, cách ly những trường hợp từ Đà Nẵng về. Những nơi còn lại của Hà Nội, TPHCM vẫn hoạt động đi lại, mua bán bình thường chứ không đặt vấn đề cách ly, giãn cách toàn xã hội ngay” – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Bộ trưởng lưu ý, phải bình tĩnh và xử lý linh hoạt để giữ được mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các biện pháp mạnh như tái lập việc cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại, làm ăn… theo Bộ trưởng Dũng là “chưa cần thiết và như vậy sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kép”.

Thủ tướng: Tăng tốc truy vết nguồn lây Covid-19

Văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng ngày 29/7/2020 nêu rõ, dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, đã nhiều ngày liền xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố, chưa xác định được nguồn lây và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn và các tỉnh lân cận Đà Nẵng.

Thủ tướng hoan nghênh Đà Nẵng đã triển khai kịp thời, đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trên phạm vi toàn thành phố, trong đó có biện pháp giãn cách xã hội trên toàn thành phố, góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

UBND TP Đà Nẵng và các Bộ liên quan tiếp tục tăng tốc truy vết nguồn lây, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ.

Bộ Quốc phòng, nhất là Quân khu 5 khẩn trương tổ chức hiệu quả, quản lý chặt chẽ việc cách ly các trường hợp thuộc diện phải cách ly tại thành phố và các địa phương lân cận.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường năng lực, thực hiện xét nghiệm trên diện rộng trước hết tại Đà Nẵng và các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng.

Đối với người đã tiếp xúc người bệnh, cần cách ly ngay, đồng thời theo dõi, giám sát y tế chặt chẽ. Người đã có biểu hiện ho, sốt cần được xét nghiệm ngay.

Thủ tướng giao các Bộ Y tế, Quốc phòng tăng cường cán bộ, phương tiện, công cụ, sinh phẩm, vật tư phục vụ xét nghiệm trên diện rộng, tăng tốc việc xét nghiệm tại Đà Nẵng và các địa phương liên quan; chú trọng xét nghiệm các trường hợp đã có biểu hiện ho, sốt, đã đến các địa điểm đã bị cách ly, phong tỏa, khu vực có các ca nhiễm bệnh theo thông báo của Bộ Y tế.

Thủ tướng cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh thành tùy diễn biến dịch quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng mức nguy cơ theo Chỉ thị số 16 (ngày 31/3/2020) về cách ly xã hội và Chỉ thị số 19 (ngày 24/4/2020) về nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Tất cả các địa phương đều phải khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới; trước mắt, các địa phương có ca nhiễm cộng đồng xem xét quyết định việc tạm dừng tổ chức sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ…

Tăng cường công tác quản lý không để thiếu hàng, sốt giá và các hoạt động gây mất trật tự, trị an trên địa bàn.

Theo Dantri

Xem thêm:

Những ai từng có mặt ở Đà Nẵng từ 1-7-2020 làm ngay những điều này 

Bộ Y tế vừa có thông báo khẩn liên quan đến các cá nhân từng có mặt ở Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020.

Bộ Y tế sáng 30-7 đã ra thông báo khẩn đề nghị các cá nhân từng có mặt ở TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1-7 đến ngày 29-7 khẩn trương thực hiện:

1. Gửi tin nhắn thông báo đầy đủ họ tên và địa chỉ nơi ở của mình, cũng như số điện thoại của những người đã tiếp xúc gần với mình vào số điện thoại 8889.

2. Liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương để được tư vấn.

3. Khai báo y tế trực tuyến tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ.

4. Cài đặt ứng dụng BlueZone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn/ hoặc tải ứng dụng trên IOS hoặc Android.

nhung-ai-tung-co-mat-o-da-nang-tu-1-7-2020-lam-ngay-nhung-dieu-nay

Bộ Y tế khuyến cáo tất cả những ai từng đến Đà Nẵng từ 1-7 liên hệ với cơ quan y tế - Ảnh: Danang

Theo Bộ Y tế từ 25-7 đến nay cả nước đã ghi nhận 43 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đà Nẵng là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất. Ngoài ra, những ngày qua đã có thêm nhiều địa phương phát hiện có bệnh nhân Covid-19 sau khi họ từng đến Đà Nẵng.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 459 ca mắc Covid-19.

nhung-ai-tung-co-mat-o-da-nang-tu-1-7-2020-lam-ngay-nhung-dieu-nay

Hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng Covid-19

Bộ Y tế đề nghị những ai đi trên chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội, số hiệu VN166 và VN168 ngày 15-7 liên hệ y tế gấp. Hoặc gọi điện đến các đường dây nóng: 1900.9095 (Bộ Y tế), hoặc 0905.108.844 (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Đà Nẵng), hoặc 0914.085.388 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam), hoặc 0969.082.115/0949.396.115 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội), hoặc 0869.577.133 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM) cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình.

Theo NLD

----

Xem thêm:

+28 điểm bệnh nhân Covid-19 ghé qua tại Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM, Hà Nội

+Phát hiện thêm 1 ca COVID-19 ở Hà Nội, 8 ca ở Đà Nẵng, đều lây nhiễm trong cộng đồng

+Đà Nẵng xác định được hơn 7.800 người là F1, F2 của bệnh nhân Covid-19

-----