Hà Nội: Trường tiểu học bỏ quên học sinh trên xe đưa đón

Lúc xuống xe, cô giáo phụ trách xe và lái xe đã chủ quan, bỏ qua việc đi xuống cuối xe kiểm tra trước khi xuống nên đã bỏ sót 1 em học sinh. Rất may, em đã có thể tự mở cửa và thoát ra ngoài.

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa có báo cáo về sự cố bỏ quên 1 em học sinh trên xe đưa đón ngày 9/9.

Cụ thể, 7h15 sáng, sau khi trả học sinh ở cổng số 4, nhân viên lái xe của trường đã lái xe về cổng số 1. Lúc xuống xe, cô giáo phụ trách xe số 38 và lái xe đã chủ quan, bỏ qua việc đi xuống cuối xe kiểm tra trước khi xuống nên đã bỏ sót 1 em học sinh.

Đến 8h, học sinh đã tự mở cửa xe để đi vào trường từ cổng số 1. Trên đường đi, học sinh gặp cô Dung - Tổ trưởng tổ 3 và cô Hằng giám thị, các cô hỏi thì học sinh nói là xe đến muộn, các cô chỉ cho con phòng Tin học và đã sơ suất không hỏi gì thêm. Trên lớp tin học, cô giáo báo cáo sĩ số lớp đủ cho giáo viên chủ nhiệm, cập nhật đủ 32/32 học sinh nên nhà trường không phát hiện sự việc.

Ngay khi nhận phản ánh của phụ huynh, Chủ tịch HĐQT đã triệu tập Ban giám hiệu và cán bộ liên quan, họp khẩn cấp để nắm bắt tình hình, kiểm tra camera ở thời điểm xe đến trường và nhận thấy lái xe và giáo viên đã bỏ qua bước xuống cuối xe kiểm tra theo quy định.

ha-noi-truong-tieu-hoc-bo-quen-hoc-sinh-tren-xe-dua-don

Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Internet.

Học sinh bị bỏ quên, đã kể lại sự việc, nói rằng lúc tỉnh ngủ thấy có một mình trên xe nên có lo một chút nhưng đã được hướng dẫn mở cửa xe từ bên trong, nên em mở cửa ra được và lên lớp học tiết 1- tiết Tin học của cô Lê Thị Anh Phương bình thường. Em quên kể cho cô giáo chủ nhiệm về việc đó, buổi chiều về nhà, mẹ hỏi thì em mới kể lại.

Ban lãnh đạo nhà trường rà soát lại quy trình và đã liên hệ với gia đình học sinh, kiểm tra tình hình sức khỏe và tâm lý học sinh, trực tiếp xin lỗi phụ huynh. Đồng thời ra quyết định kỉ luật 2 nhân viên liên quan đến sự việc, thay cán bộ phụ trách xe 38 ngay từ sáng 10/9.

Đẩy sớm giờ báo cáo sĩ số của giáo viên chủ nhiệm lên 7h50 hàng ngày (thời gian quy định cũ là 8h15), GVCN kiểm tra thông tin học sinh nghỉ không phép trên kênh thông tin nội bộ nhà trường rồi gọi điện để xác nhận thông tin với CNMS.

Trường hợp không liên lạc được, GVCN báo cho Văn phòng. Sau 8h15, VP phải gọi điện cho Cha mẹ học sinh để xác nhận thông tin, nếu không gọi được phải báo ngay Ban Giám hiệu để kịp thời chỉ đạo.

Minh Nhân

Theo PLBĐ

----

Xem thêm:

Từ vụ cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Bắc Ninh: Làm gì nếu bị sốc nhiệt trong ôtô?

Sau vụ việc cháu bé trường Gateway tử vong lại thêm trường hợp cháu bé nguy kịch khi bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Bắc Ninh khiến dư luận bức xúc. Vì thế, nếu sốc nhiệt trong ô tô, hãy làm ngay điều này.

Tại buổi họp báo về trường hợp cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón 7 tiếng ở Bắc Ninh ngày 16/9, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã cho biết, bệnh nhi này được đưa vào viện trong tình trạng bị sốc nhiệt. Đây là lần đầu bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhi sốc nhiệt do bị bỏ quên trên ô tô.

Bệnh nhân hiện tại đã không cần thở oxy, giảm sốt. Các kết quả kiểm tra cũng cho thấy, bệnh nhi ổn định về thần kinh, tri giác và không có tổn thương khu trú.

tu-vu-chau-be-bi-bo-quen-tren-xe-dua-don-o-bac-ninh-lam-gi-neu-bi-soc-nhiet-trong-oto

Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở trong một không gian chật như ô tô kín, tắt điều hòa như vậy chủ yếu là thiếu ô xy.

Thiếu ô xy thường diễn ra từ từ, sau đó thiếu kéo dài. Trong tình trạng thiếu ô xy kéo dài, đa phần các trường hợp ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan của cơ thể, đặc biệt là não, tim, thận…

Ở đây trẻ vừa chịu nhiệt lại vừa thiếu ô xy nên nguy hại hơn rất nhiều so với những người bị say nóng thông thường. Say nóng đã nặng vì làm mất nước, mất điện giải, nhiệt độ cao… Có thể ở đây nhiệt độ không cao nhưng do xe đóng kín cửa, ô xy cung cấp không đủ khiến trẻ sốc nhiệt, ngạt thở. Thông thường nhiệt độ ở trong xe có thể cao gấp đôi với nhiệt độ ở ngoài trời.

"Bình thường thở khí trời ô xy của mình là 21% nhưng trong không gian kín, ô xy không được luân chuyển vào. Cơ thể thở ra khí cacbonic, môi trường khi đó khí cacbonic lên rất cao khiến ô xy không đủ. Thân nhiệt tăng cao lên đến ngưỡng 40 độ C xảy ra tình trạng sốc nhiệt. Còn nếu đến mức 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan, dẫn tới tử vong" – BS Dũng cho hay.

Theo các chuyên gia, trong những trường hợp như cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Bắc Ninh điều quan trọng cần phải cấp cứu nhanh chóng, nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Nếu thiếu ô xy thì cung cấp đủ ô xy, mất nước thì truyền dịch, có rối loạn chuyển hóa thì khắc phục…

Việc biết cách xử trí ngay ban đầu khi thấy nạn nhân cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giữ tính mạng cho họ và tránh những biến chứng về sau.

Nếu cứ để nguyên tình trạng đưa người bệnh đến viện sẽ rất nguy hiểm do mất đi thời gian vàng vì thời gian di chuyển.

Bởi vậy, ngay khi phát hiện bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt cần cho nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ. Đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo. Dùng khăn mát lau người, sử dụng nước lạnh, đồng thời dùng quạt thổi vào để tăng cường hạ nhiệt.

Trong quá trình sơ cứu, xử trí tại chỗ hãy gọi xe cấp cứu để đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường vận chuyển, tiếp tục làm biện pháp hạ thân nhiệt cho nạn nhân như mở cửa sổ xe, đắp khăn ướt…

Để tránh nguy hiểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, mọi người khi cho trẻ đi ô tô cần để mắt đến. Hơn nữa, khi trong ô tô cũng không được bật máy lạnh rồi ngủ. Đừng lấy ô tô làm "nhà nghỉ".

Không hiếm trường hợp tử vong khi ngủ trong ô tô đã xảy ra. Ngay cả khi mở cửa xe, người ngồi trong xe vẫn có thể thiếu ô xy, sốc nhiệt hoặc ngộ động khí CO thải ra từ động cơ.

Theo GiaDinh