Hàng giả trên sàn thương mại điện tử vẫn là vấn đề nan giải

Song song với mặt tích cực, thương mại điện tử cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, thương mại điện tử đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay một lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Thị trường thương mại điện tử ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.

hang-gia-tren-san-thuong-mai-dien-tu-van-la-van-de-nan-giai

Năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Việt Nam được đánh giá có thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất khu vực với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 25%/ năm. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Thương mại điện tử chính là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số khi ngày càng khẳng định tính hữu dụng với đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ngay trong thời gian trải qua đại dịch Covid-19 cũng là câu trả lời rõ nhất về tầm quan trọng của thương mại điện tử.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ năm 2005 đến nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm phát triển thương mại điện tử. Tại Quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xác định một số mục tiêu.

Thứ nhất, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng. Thứ hai, thu hẹp khoảng cách giữa thành phố lớn và địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử. Thứ ba, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước, thông qua thương mại điện tử và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Hưng, Cố vấn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng khẳng định, thương mại điện tử muốn phát triển tốt cần quan tâm 3 trụ cột: Mua - bán hàng hóa, logistics và thanh toán điện tử. Cụ thể, ở trụ cột thứ nhất, vấn đề mua - bán đã dần trở nên phổ biến nhưng niềm tin của người tiêu dùng chưa cao khi hàng hóa giao thương trên môi trường này đa số vẫn chỉ ở mức giá thấp; hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại.

Với trụ cột logistics, giá cả khâu vận chuyển luôn cao là bài toán nan giải với doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng số. Thanh toán hóa đơn điện tử lẽ ra là khâu tiện dụng nhất thì gần 90% người dùng vẫn chưa tận dụng khâu chuyển đổi này… Các doanh nghiệp thương mại điện tử đang nỗ lực rất nhiều để có thể hóa giải những bất cập, khó khăn, thách thức vừa nêu, để phát triển được và đóng góp vào tăng trưởng chung, nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý khi các hoạt động thu thuế hay quản lý Sàn còn chưa phù hợp thực tiễn.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam. Dựa trên mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, một thị trường thương mại điện tử an toàn, lành mạnh là điều hoàn toàn có thể thực hiện được khi có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, địa phương và những doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường trực tuyến.

Theo VietQ