Hiểm họa cận kề khi thuốc đông dược pha lẫn tân dược

Không chỉ bán tràn chợ đồ ăn tươi sống, thuốc đông dược còn bị trộn lẫn tới 3 -4 loại thuốc tây gây nguy hại cho người sử dụng.

Đông dược tràn chợ đồ ăn

Dọc khu chợ thực phẩm sát chân cầu Thăng Long, đông dược được bày bán ngay cạnh các sạp thịt, cá, rau…tươi sống, bốc mùi hôi tanh. Toàn bộ số thuốc được chất dưới nền đất cáu bẩn, và được chủ hàng phủ bạt mỗi khi trời mưa.

Ngoài các hộp nhựa đựng các loại thuốc đông y, được chủ hàng ghi thông tin sơ sài như tên thuốc trên những mẩu giấy nhỏ. Đa số những loại thuốc còn lại, đựng trong các túi nylon trọng lượng từ 1kg- 3kg đều không có nhãn mác, tên thuốc cũng như thành phần.

Hiểm họa cận kề khi thuốc đông dược pha lẫn tân dược

Đông dược được bán tại chợ đồ ăn tươi sống. Ảnh Nhật Minh. 

Hiểm họa cận kề khi thuốc đông dược pha lẫn tân dược

Các loại đông dược không hề có nhãn mác, tên thuốc, thành phần. Ảnh Nhật Minh. 

Thấy chúng tôi hỏi mua thuốc chữa bệnh thận, chủ hàng tên Th. hồ hởi chỉ vào một bao thảo dược không hề có nhãn mác nói: “Em mua Kim tiền thảo đi. Thuốc này chị bốc mát tay lắm. Mấy người trước khỏi bệnh cũng toàn tới nhờ chị bốc thuốc này thôi.”

Chủ hàng còn đon đả hướng dẫn cách sắc thuốc cũng như liều lượng dùng hàng ngày: “Mỗi ngày em lấy khoảng một vốc thuốc cho vào ấm sắc đặc lại còn khoảng 3 bát nước, uống cả ngày. Uống được nhiều thì càng tốt, không việc gì hết. Uống loại này còn hiệu nghiệm hơn cả thuốc tây đấy”.

Để chứng minh thuốc có hiệu quả, chị Th., quảng cáo “Mấy bác gần nhà bị thận, loét dạ dày toàn ra bốc thuốc của chị. Bệnh có khỏi được hay không là do người bốc thuốc mát tay đấy”.

Khi hỏi về xuất xứ, chị Th. ngập ngừng cho biết, loại thuốc này được trồng ở miền núi tỉnh Tuyên Quang, chuyên dùng để chữa bệnh thận, giá bán lẻ khoảng 150.000 đồng/kg. Ngoài thuốc chữa thận,chị Th. còn bát các loại thuốc chữa đau dạ dày, chữa khớp, phong thấp,...

Trộn thuốc tây vào đông y qua mặt người mua

Dưới góc độ làm công tác kiểm nghiệm, TS Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW chia sẻ, trong năm 2015, Viện phối hợp với Cục Y dược cổ truyền kiểm tra, khảo sát các dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại các bệnh viện y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc, qua đó đã kiểm tra 109 mẫu, trong đó phần lớn mẫu được lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Kết quả có 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có 24 mẫu là dược liệu nhầm lẫn, giả mạo đã được đưa vào các cơ sở y tế công lập sử dụng.

Cũng theo ông Lâm, thời gian qua, Viện Kiểm nghiệm Thuốc TW phát hiện nhiều thuốc đông dược có pha lẫn tân dược, gồm cả thuốc tễ, viên hoàn được chế biến sẵn, thuốc siro và cả trong từng thang thuốc. Cá biệt, xuất hiện thuốc đông dược trộn tới 3-4 loại tân dược.

“Các thuốc đông dược thường được pha trộn tân dược như thuốc giảm đau, thuốc chữa khớp, thuốc chữa ho, thuốc tễ cho trẻ em. Điển hình như thuốc tân dược paracetamol được pha trong thuốc đông dược điều trị cảm sốt; thuốc corticoid trộn trong thuốc đông dược trị khớp, hen, ăn uống kém; Glibenclamid và metformin trộn vào thuốc đông dược chữa tiểu đường; sidenafil được trộn trong đông dược có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lực dùng cho nam giới”- ông Lâm chia sẻ.

Hiểm họa cận kề khi thuốc đông dược pha lẫn tân dược

 Loại thuốc đông dược được chủ hàng tại chợ quảng cáo chữa khỏi bệnh thận. Ảnh Nhật Minh.

Trong khi đó, người dùng lại luôn cho rằng thuốc đông y có nguồn gốc từ thiên nhiên nên không độc hại, hiệu quả điều trị được lịch sử chứng minh, ít tác dụng phụ. Do vây, nhu cầu sử dụng rất lớn, giá thành rẻ hơn tân dược.

Nắm bắt tâm lý nhiều người muốn khỏi bệnh nhanh trong khi thuốc đông dược để có hiệu quả phải uống cả chục thang, nên đã trộn lẫn tân dược vào đông dược.

Ông Lâm khuyến cáo, trộn thuốc tây vào đông dược cực kỳ nguy hiểm vì dùng thuốc tân dược phải theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng theo liều lượng nhất định.

Việc trộn tân dược vào đông dược gây quá liều, đặc biệt dùng thuốc có chứa corticoid có thể gây suy thận. Về nguyên tắc, các thuốc corticoid khi dùng phải giảm dần liều, dừng đột ngột cũng nguy hiểm không kém.

"Thuốc nào cũng có hại cả biết phải làm sao bây giờ. Thuốc bắc thì chứa nhiều chất bảo quản, chống mốc, tạo mùi, thật đáng lo ngại. Các cụ ở quê cứ phải dùng thuốc bắc cho tốt này nọ nhưng cuối cùng lại uống phải một số loại chất độc gây hại", chị Tâm ở Nguyên Xá, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho rằng, thuốc đông y Việt Nam thật không đáng lo, vì lợi nhuận thấp, số lượng không đáng kể nên không có các cách “làm trò” nguy hiểm.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với thuốc đông y Trung Quốc vì thường trộn lẫn tân dược với đông dược gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm. Ngoài ra, còn tồn dư chất bảo vệ thực vật cao và chứa hàm lượng kim loại nặng rất lớn, dễ dàng gây ra các loại bệnh mãn tính nguy hiểm cho người dùng (như gan, thận, tim mạch,...).

Đại diện Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho biết, từ tháng 3/2016 đến nay, mới chỉ cấp 14 giấy phép nhập khẩu dược liệu cho các công ty sản xuất dược tại Việt Nam, với tổng số 1.400 tấn dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được nhập khẩu vào trong nước.

Trong khi đó, thống kê của Bộ Y tế lại cho thấy, nhu cầu sử dụng dược liệu ước tính khoảng 60.00-80.000 tấn/năm, trong đó dược liệu nhập khẩu chiếm 85% và chủ yếu là từ Trung Quốc.

Theo Nhật Minh (Vietq)