Học sinh trung học sử dụng điện thoại trong giờ học để làm gì?

Học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.​

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 32 ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường Phổ thông có nhiều cấp học. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020 và thay thế cho Thông tư số 12/2011 ngày 28/3 của Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT.

Thông tư quy định độ tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định vào lớp 6 hoặc lớp 10 giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước.

Học sinh không được lưu ban quá 3 lần trong một cấp học. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Đáng chú ý, thông tư cũng quy định những điều mà học sinh không được làm. Cụ thể, không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. Không gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất khích thích khác và pháo, các chất gây nổ.

hoc-sinh-trung-hoc-su-dung-dien-thoai-trong-gio-hoc-de-lam-gi

Học sinh tại một số trường học tại TP.HCM được sử dụng điện thoại di động trong làm bài thi. Ảnh: TL

Trường hợp học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp, Bộ GD&ĐT lý giải xuất phát từ thực tế có các tình huống học sinh cần sử dụng những tính năng của điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện yêu cầu học tập, tìm kiếm tài liệu tham khảo ngay trong giờ học.

Tuy nhiên, điều này gây nhiều tranh cãi bởi quy định này hoàn toàn mới so với quy định cũ (cấm sử dụng điện thoại trong giờ học). Nhiều ý kiến đồng tình, song cũng không ít ý kiến băn khoăn, lo lắng trong trường hợp học sinh sử dụng sai mục đích trong giờ học.

Trên thực tế, thời gian qua khi tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều địa phương cho học sinh tạm nghỉ học và chuyển sang hình thức học tập trực tuyến, trong đó có sử dụng các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh… có kết nối internet để học, làm bài tập. Việc học sinh sử dụng các thiết bị ban đầu cũng tạo ra nhiều băn khoăn, lo lắng nhưng kết quả năm học 2019 - 2020 vẫn đảm bảo chất lượng.

Trước đó, tại TP.HCM cũng đã áp dụng thí điểm mô hình trường học thông minh theo đề án của UBND TP.HCM. Theo đó, mô hình trường học thông minh được thí điểm tại 5 trương THPT: Chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du.

Các trường đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử. Quy mô đầu tư hệ thống trường học thông minh gồm: Hệ thống công nghệ thông tin; phòng học tiên tiến, thông minh; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm; thiết bị thực hành thí nghiệm; thư viện thông minh, đào tạo trực tuyến…

Ngoài sử dụng các thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong các giờ học, các trường nói trên cũng đã áp dụng hình thức cho học sinh làm bài kiểm tra trên máy tính, điện thoại thông minh.

Theo GiaDinh