Hướng dẫn những việc cần làm khi đi tảo mộ tiết Thanh minh

Rất nhiều người đi tảo mộ tiết Thanh minh đã làm qua loa cho nhanh xong, hoặc làm không đúng nghi lễ, hoặc cúng bái vàng mã, sát sinh vừa tốn kém, gia tiên lại không được hưởng, còn mắc tội thêm nơi âm giới.

Đi tảo mộ không nên sát sinh

Năm nay tiết Thanh minh rất tiện cho mọi người sắp xếp vì bắt đầu đúng vào ngày chủ nhật 4/4/2021 (23/2 âm lịch), tiết trời trong sáng, dễ chịu hơn do nhiệt độ đã lên cao và độ ẩm giảm xuống.

Chị Nguyễn Thị Hòa (Hà Nội) rất vui và khoe với chị hàng xóm rằng Thanh minh rơi vào ngày nghỉ nên cả đại gia đình nhà chị sẽ tề tựu đông đủ để cùng nhau đi "thăm" các cụ.

Chị khoe luôn đã mua được con gà trống thiến nặng tới 3kg, đã được làm sạch để luộc, sáng mai đem lên nghĩa trang để cúng Thanh minh "các cụ".

Khách nhà chị vốn là một phật tử nói rằng, Thanh minh tuy không lớn như lễ Vu lan báo hiếu, nhưng mang nét đẹp văn hoá về truyền thống hiếu kính, biết ơn tổ tiên của người Việt. Dịp này nhiều nhà có các hoạt động sum vầy, vui vẻ nhưng tuyệt đối tránh sát sinh khi đi tảo mộ.

Nghe giải thích biết dịp này nên kiêng sát sinh, chị đã cất biến con gà vào ngăn đá.

Rất nhiều người đi tảo mộ tiết Thanh minh đã làm lễ mặn đem ra mộ bày biện, hoặc làm qua loa cho xong chuyện, làm không đúng nghi lễ, hoặc cúng bái vàng mã tốn kém mà gia tiên không được hưởng.

Tiết Thanh minh không nên sát sinh, vật phẩm cúng lễ tiết Thanh minh không nên dùng lễ mặn mà chỉ nên cúng hoa quả, cỗ chay. Có như vậy tổ tiên mới dễ siêu thoát.

Lễ chay gồm: Hoa quả, trầu cau, oản chuối, xôi chè, bánh trái, nước, gạo muối, bỏng, bơ, mật ong, hương nhang, đèn (nến), tiền vàng (tiền vàng có, nhưng không nhiều và không dùng những đồ mã lớn như ngựa, nhà, xe cộ... vừa lãng phí tốn kém, vừa không đúng lễ).

Lễ mặn nếu muốn làm thì không đặt trên mặt mộ vì các cụ không được hưởng, còn bị cõi âm quở trách nặng nề. Lễ mặn cũng chỉ nên là bánh chưng, rượu, thịt (thịt là chân giò, khoanh giò nạc…).

Cả lễ chay hay lễ mặn đều chỉ đặt ở ban thờ Thần linh. Nếu không có ban thờ Thần linh thì mang theo bàn, đặt lễ lên đấy, hoặc chọn chỗ cao, kê vài viên gạch đặt mâm lễ lên.

Các gia đình thường thích cúng khấn xong hạ lễ, ăn uống vui vẻ tại chỗ. Nhưng các chuyên gia đều khuyên không nên tảo mộ xong thì hạ lễ và ăn uống tại chỗ hoặc gần nghĩa trang – bởi khu vực đó âm khí nặng nề, khói hương, tàn tro, bụi bặm nhiều.

Đồ cúng Thanh minh thì không nên mang về nhà, nên để lại nghĩa trang cho người làm ở đó, người nghèo đói ăn. Nhưng nếu mộ phần ở nơi hoang vu, ít người lui tới thì có thể gói đem về cho người khó khăn.

huong-dan-nhung-viec-can-lam-khi-di-tao-mo-tiet-thanh-minh

Muốn mời "các cụ" về ăn cỗ và biếu vàng mã thì nên về nhà làm. Ảnh minh họa.

Các bước nên làm khi tảo mộ

Khi tới nghĩa trang, mộ phần thì chủ lễ, thường là Trưởng họ (là trưởng nam, hoặc người lớn tuổi nhất trong dòng họ), hoặc người cha trong gia đình đặt lễ vào ban Thần linh (ở nghĩa trang lớn), hay miếu quan Thần linh, hoặc chỗ thờ chung (ở nghĩa địa nhỏ) – rồi thắp hương, khấn quan Thần linh cho phép con cháu vào thăm mộ gia tiên và tảo mộ (nếu là nghĩa trang tập thể thì sắm lễ, vàng, hương cúng quan Thần linh riêng).

Chủ lễ đốt hương khấn vái xin quan Thần linh, long mạch, sơn thần, thổ phủ - những vị cai quản khu đất nghĩa trang cho con cháu tảo mộ, sửa sang, phát quang và bồi thổ mộ phần tổ tiên, rồi đưa con cháu tiến về khu mộ gia tiên.

Tại đây chủ lễ thắp hương xin phép gia tiên cho con cháu thăm viếng, đồng thời tu bổ, làm quang quẻ lại khu mộ, rẫy cỏ, phát quang, tỉa cành cây khô, gẫy, bồi tôn mộ phần (nếu là mộ đất) để tránh rắn, chuột làm tổ, đào hang. Hoặc làm sạch bia mộ, quét lại vôi/sơn… Vôi sơn dịp này hay được dùng là màu nâu, màu đỏ nhằm giúp khu mộ vượng khí, vui mắt… mong ước con cháu dễ có tài lộc.

Riêng mộ đất nếu sụt lún, vỡ lở thì cần xin phép bồi thổ, hoàn long mạch để âm phần yên ổn. Với mộ đất thì bồi thổ, đắp tôn cao. Với mộ xây thì làm sạch, quét dọn, rẫy cỏ, tỉa cành cây, rễ cây để bảo vệ mộ phần. 

Xong xuôi công việc tảo mộ thì biện lễ cắm hoa, thắp hương, hoa quả, bánh kẹo, xôi chè... Nếu có điều kiện thì đặt mỗi mộ một đĩa, nếu không có điều kiện thì đặt tất cả chung một mâm to ở trước mộ cụ "to nhất", rồi chủ lễ tập trung con cháu đứng trước mộ phần đọc Văn khấn Thanh minh.

Cúng Thanh minh gia tiên nhà mình xong thì đốt thêm hương đi "thăm hỏi" các cụ xung quanh, mộ vô chủ. Khi hương nơi mộ phần cháy khoảng 2/3 nén thì thắp tiếp một tuần hương xin hạ lễ, tạ ơn rồi hóa vàng mã.

Lưu ý là lễ tảo mộ không nên đốt nhiều vàng mã vì rất tốn tiền thật để mua đồ mã đốt, còn gây nên các hình thức mê tín. Theo giải thích của các nhà tâm linh, làm như thế "các cụ" không thể nhận được, còn bị ma quỷ quanh đó cướp hết. Đốt nhiều vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của chính những người đốt và nhiều người khác.

huong-dan-nhung-viec-can-lam-khi-di-tao-mo-tiet-thanh-minh

Thanh minh mang nét đẹp văn hoá hiếu kính, biết ơn tổ tiên nên nhiều nhà cùng vui vẻ đi tảo mộ. Ảnh minh họa.

Trong khi mọi người đi tảo mộ thì những người ở nhà cần dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, ban thờ gia tiên và chuẩn bị làm cỗ cúng tổ tiên.

Sắp lễ xong thì thắp hương khấn vái theo tập tục, đọc Văn khấn Thanh minh tại nhà, mời gia tiên về nhà thụ hưởng. Quan trọng là phải thành tâm và nghiêm cẩn khi làm lễ để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.

Lúc này những người đi tảo mộ ngoài nghĩa trang đã có thể về tới nhà, tất cả rửa ráy sạch sẽ rồi mới sum vầy ăn uống mới vui vẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày nay một số đô thị lớn đã giản tiện hơn, họ làm mọi việc tu sửa, tôn tạo mộ phần từ lễ tạ mộ cuối năm, tới lễ tảo mộ tiết Thanh minh họ chỉ mang hương hoa đi thăm viếng rồi về. Người ở xa, người bận công việc không về quê được có thể không tham dự lễ tảo mộ đầu năm, hoặc không cần cúng bái cỗ bàn, mà có thể đơn giản thắp hương tưởng nhớ tổ tiên ở xa.

Lễ tảo mộ tiết Thanh minh không có công thức chung, tùy vùng miền, tập tục địa phương mà thực hiện. Tảo mộ là sửa sang làm sạch đẹp cho ngôi mộ, tân trang mộ phần. Cúng lễ chỉ hương, hoa, oản khảo. Riêng thần linh thì có chút vật phẩm không quy định, không cố chấp. Không cúng lễ linh đình nơi mộ phần. 

"Phú quý sinh lễ nghĩa" nên ngày nay người ta bày biện đủ kiểu, rất khó nói. Lễ tảo mộ có chung ý nghĩa là biết ơn, tưởng nhớ tổ tiên; Không sát sinh; Tảo mộ xong mời các cụ về nhà thụ hưởng lễ vật chứ ngoài mộ phần không cúng bái cỗ bàn, ăn uống gì, mà chỉ đơn giản là thắp hương xin phép tảo mộ. Quá trình tảo mộ với cái tâm vui vẻ, chân thành thể hiện sự hiếu kính, giúp âm phần của tổ tiên tốt đẹp để con cháu thuận hòa, hưng thịnh.

Theo GiaDinh