Khi nào bồn cầu gây nguy hiểm cho nhà bạn?

 Nhà vệ sinh cần sạch sẽ, thoáng đãng, luôn mở cửa thông gió. Ảnh: T.G

Nhà vệ sinh cần sạch sẽ, thoáng đãng, luôn mở cửa thông gió. Ảnh: T.G

Đặt ống thông khí sai cách

Mới đây ở Bình Dương đã xảy ra vụ nổ bồn cầu, 4 người bị thương phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Công an xác định là một người thuê phòng trọ bật lửa hút thuốc lá, gặp khí metan rò rỉ từ bồn cầu đã phát nổ. Cơ quan công an đã khám nghiệm hệ thống thiết kế xây dựng hầm cầu của khu vực nhà vệ sinh xảy ra vụ nổ khí thấy việc lắp đặt ống thông khí từ các hầm cầu khi xây dựng đã đặt sai hướng.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc (chuyên gia tư vấn Bộ Xây dựng), các chất thải hữu cơ từ bồn cầu sẽ đổ xuống hầm cầu (bể phốt) ở ngăn chứa, rồi sang ngăn lắng và ngăn lọc. Ống thông khí thường lắp ở bể chứa để các chất thải sẽ lên men sinh khí độc thoát ra, cân bằng áp suất giữa bên trong và bên ngoài.

Ống thông khí lắp đặt thường dùng loại đường kính tiêu chuẩn là 20-60mm, dẫn lên cao hơn mái nhà 0,7m để tránh mùi và khí độc hại xông vào nhà, hoặc xung quanh. Đặt ống thông khí không ngập trong chất lỏng mới thông được khí ra ngoài, cũng không đặt nơi hay ngập lụt vì nước có thể chảy ngược, ngập luôn ống thông khí, dẫn đến tạo áp trong hầm cầu.

Đặt ống thông khí không đúng, hoặc ống bị tắc thì khí tích tụ làm tăng áp suất trong hầm cầu, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát nổ. Hoặc bể bị chèn ép, lún, nứt, khí xì ra, gặp lửa sẽ cháy và gây nổ hầm cầu.

Nếu các mối hàn nối tiếp xúc giữa bồn cầu và đường ống thoát chất thải, hoặc bể phốt bị nứt, rò rỉ lại đóng kín cửa thì khí metan sẽ tràn vào nhà. Gia chủ chỉ cần bật điện cũng có thể gây nổ và vài mét khối khí metan trong hầm cầu đủ làm sập tường.

Các chuyên gia cho rằng, có thể nổ bể phốt ở Bình Dương là do bể phốt không làm đường thông khí, hoặc bị tắc nghẽn, bít kín nên khí metan rò rỉ, phát tán, gặp lửa gây cháy nổ và làm cả khối khí metan trong hầm cầu nổ theo.

Nên thông bể phốt mấy năm một lần?

Ngày nay sử dụng bồn cầu là phổ biến và ai cũng phải dùng nhiều lần trong ngày, nên cần đánh rửa nhà vệ sinh luôn sạch sẽ. Nhưng rất ít người quan tâm đến vấn đề sử dụng bồn cầu, hầm cầu đúng cách.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, nhiều người mua bồn cầu theo cảm tính, hoặc do nhân viên bán thiết bị vệ sinh tư vấn. Dù mua bồn cầu giá rẻ, hay cao cấp thích hợp thì việc lắp đặt chiếc bồn cầu đúng vị trí rất quan trọng.

Để tránh những nguy hiểm không đáng có, khi thiết kế nhà vệ sinh cần phải tính toán kĩ càng khối lượng chất thải, tổng khí sinh ra trong quá trình phân hủy... để thiết kế bể phốt tương ứng. Chú ý kiểm tra thợ lắp đặt các ống vào bể phải cao hơn đường ra ít nhất 10cm để ngăn sự trở lại của nước thải quay lại đường ống và tiện hút bể phốt thông tắc sau này. Nên dùng vật liệu tốt để xây bể phốt, tránh nén chặt quanh hố ga vì sẽ gây áp lực làm nứt bể phốt. Nếu xây dựng đúng quy trình sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, giảm tắc ngầm.

Lưu ý khi dùng bồn cầu là 3-5 năm nên thông bể một lần (tùy theo thể tích bể và lượng người sử dụng), để tránh bị đầy, tích khí.

Quá trình sử dụng không vứt chất thải khó phân hủy (dầu mỡ thừa, băng vệ sinh, khăn ướt, bao cao su, tàn thuốc lá, khăn giấy...) vì khó phân hủy, gây tắc nghẽn đường ống, xử lý khó.

Tình trạng hay gặp là nước bị trào ngược, kêu ục ục làm chất bẩn tràn ra sàn – đó là do ống thông khí bồn cầu bị tắc, hoặc bồn cầu chưa lắp ống thông khí. Hãy kiểm tra lại ống thông khí trước khi gọi thợ để đỡ tốn tiền oan.

Vệ sinh bồn cầu đúng cách

- Nhà vệ sinh cần sạch sẽ, thoáng đãng, luôn mở cửa thông gió.

- Từ 2 đến 4 ngày nên vệ sinh bồn cầu một lần. Hãy đeo găng tay cao su, tưới nước lên bồn một lúc cho chất bẩn bở ra rồi phun dung dịch tẩy rửa chuyên dụng, đậy nắp để 15 phút rồi dùng chổi cọ sạch, đậy nắp xả nước.

- Không nên dùng hóa chất thông bồn cầu, nhất là hóa chất dùng một lần vì axit sẽ làm hại đường ống, xử lý sau đó khó khăn hơn.

- Giấy vệ sinh bỏ vào thùng rác có nắp riêng.

Để tránh ô uế người dân cần biết:

- Nên kiểm tra ống thông hơi 1 lần/năm để kịp phát hiện ống thông khí bị tắc.

- Khi thấy nhà vệ sinh có mùi lạ, không nên hút thuốc trong đó, hãy tìm ngay nguyên nhân gây rò rỉ khí và khắc phục ngay.

- Không nên mở nắp đậy lỗ thoát nước trong nhà tắm, bởi khí theo đó qua hệ thống cống thải vào nhà, gây ngạt, hôi thối, hoặc tiềm ẩn sự cháy nổ.

- Bồn cầu gần bếp chú ý nguồn phát sinh khí metan (như bếp gas, nhà vệ sinh, thùng rác…) và không nên để lửa trong nhà vệ sinh.

Ông Nguyễn Văn Lộc (Bộ Xây dựng)

Hà Dương

Theo GiaDinh