Khủng hoảng thuốc giảm đau chứa thành phần có khả năng gây nghiện tại Mỹ

Các nhà phân phối dược phẩm Mỹ đã chấp thuận trả 75 triệu USD để chấm dứt cuộc chiến pháp lý liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau chứa thành phần có khả năng gây nghiện.

Bộ tộc thổ dân Cherokee Nation ở Mỹ vừa thông báo về việc các nhà phân phối dược phẩm đã chấp thuận trả 75 triệu USD để chấm dứt cuộc chiến pháp lý liên quan đến cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau chứa thành phần có khả năng gây nghiện opioid ở nước này. Đây cũng là vụ dàn xếp đầu tiên giữa ba nhà phân phối dược phẩm McKesson, Cardinal Health và Amerisource Bergen lên quan đến cộng đồng thổ dân da đỏ tại Mỹ.

Người đứng đầu Cherokee Nation - Chuck Hoskin hoan nghênh kết quả dàn xếp nói trên, cho rằng điều này đóng góp quan trọng trong việc giải quyết khủng khoảng opioid tại khu vực bảo tồn Cherokee Nation vốn ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người dân thuộc bộ tộc này nói riêng và công dân Mỹ nói chung.

Theo thỏa thuận giữa hai bên, khoản tiền 75 triệu USD trên sẽ được trả trong 6 năm rưỡi và với khoản tiền bồi thường này, bộ tộc Cherokee Nation sẽ có tài chính để đầu tư cho các cơ sở khám chữa bệnh và chương trình khác hỗ trợ người dân phục hồi sau khi lệ thuộc vào thuốc giảm đau dạng này.

khung-hoang-thuoc-giam-dau-chua-thanh-phan-co-kha-nang-gay-nghien-tai-my

Chai thuốc Oxycodone nước, một dạng thuốc giảm đau chứa opioid. Ảnh: Newsweek

Năm 2017, Cherokee Nation đã kiện các nhà phân phối thuốc opioid, cáo buộc các công ty này góp phần gây ra tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau có thành phần opioid. Hiện Cherokee Nation có kế hoạch theo đuổi đến cùng cuộc chiến pháp lý nhằm vào các công ty như Walmart, Walgreens và CVS. Dự kiến, vụ kiện này có thể kéo dài trong một năm. Cuộc khủng hoảng opioid tại Mỹ đã cướp đi sinh mạng nhiều người trong 20 năm qua do sử dụng quá liều.

Chính quyền các địa phương từ cấp hạt đến cấp bang đã tiến hành một loạt vụ kiện nhằm vào các nhà sản xuất và phân phối thuốc. Công ty dược phẩm Purdue Pharma là cái tên đầu tiên được nhắc tới. Công ty này bị cáo buộc khuyến khích kê đơn thuốc điều trị do họ sản xuất thông qua chiến lược tiếp thị trong khi che giấu mức độ gây nghiện của sản phẩm. Purdue Pharma đã chấp thuận chi 4,5 tỷ USD bồi thường cho các nạn nhân sử dụng thuốc, cho chính quyền các hạt và bang.

Trong khi nhà sản xuất Johnson & Johnson cùng ba nhà phân phối AmerisourceBergen, Cardinal Health and McKesson đã đồng ý bồi thường tổng cộng 26 tỷ USD cho thiệt hại trên.

Theo VietQ