Kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ: Cần nhưng chưa đủ

Bến Thành (TP.HCM) là chợ lẻ đầu tiên trên cả nước áp dụng việc kiểm tra nhanh các loại độc chất như thuốc trừ sâu, hàn the, formol… trong thực phẩm bán hàng ngày.

Từ hơn ba tháng nay, nhiều chủ sạp hàng rau, củ, quả, thịt heo, thủy hải sản, thực phẩm chế biến (giò, chả, bò viên), chén dĩa… của chợ Bến Thành bắt đầu quen với việc hàng ngày được các cán bộ thuộc ban quản lý (BQL) chợ xuống lấy mẫu sản phẩm đem đi kiểm tra nhanh nhằm phát hiện một số chất độc hại tồn dư, hay các chất bảo quản.

Thông thường, 4g sáng, tiểu thương bắt đầu đưa hàng hóa vào chợ để phân loại, xếp lên sạp và khoảng 5g30 thì bắt đầu kinh doanh. Nhưng từ khoảng 7g30 - 8g, các cán bộ thuộc BQL chợ mới xuống lấy mẫu sản phẩm; trước khi lấy mẫu, tiểu thương sẽ được yêu cầu khai báo nguồn gốc hàng hóa, mã số mẫu và ký vào biên bản lấy mẫu.

Kiểm tra nhanh thực phẩm tại chợ: Cần nhưng chưa đủ

Lần đầu tiên, có riêng một bộ phận kiểm tra hóa chất tồn dư trong thực phẩm tại chợ lẻ

Vì sao không lấy mẫu sớm hơn, ngay khi hàng hóa vào chợ? Theo giải thích của các cán bộ BQL, việc lấy mẫu sớm sẽ làm phiền tiểu thương; lấy mẫu lúc tiểu thương đã đưa hết hàng lên sạp để bán, mẫu lấy đi test sẽ khách quan hơn, tránh được việc cung cấp mẫu mang tính đối phó của tiểu thương. Mẫu sẽ được chuyển ngay về văn phòng kiểm tra nhanh đặt ngay cổng vào phía đường Lê Thánh Tôn.

Tại đây, các cán bộ chuyên môn sẽ thực hiện các thao tác kiểm tra (test) nhanh để nhận biết các chất độc hại tồn dư trong thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng đến khu chợ này quá quen thuộc với hình ảnh các cán bộ thuộc BQL chợ ngồi cắt các mẫu thực phẩm trong những khay nhỏ và kiểm tra bằng những que thử (kit) nhanh. Người tiêu dùng có thể tận mắt chứng kiến quy trình kiểm tra này.

Chị Nguyễn Thị Nghĩa Lý, cán bộ trực tiếp lấy mẫu để test cho biết, lấy mẫu bất kỳ, không báo trước cho tiểu thương, nhưng các sạp hàng sẽ lần lượt được lấy mẫu để kiểm tra. Những hộ bị nghi ngờ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ được lấy mẫu kiểm định ngay lập tức.

Anh Tính, người phụ trách giám sát việc lấy mẫu test cho biết, thực phẩm tươi sống được test một số chỉ tiêu chính, chẳng hạn thuốc trừ sâu trong rau, củ; hàn the trong thực phẩm chế biến (giò, chả, bò viên, chả cá, đồ chay), urê, formol trong thủy sản, thịt hay chén dĩa tại những quầy hàng ăn uống trong chợ có đảm bảo vệ sinh hay không.

Tuy nhiên, với chất cấm có trong gia cầm, gia súc, hải sản… anh Tính cho biết, phương pháp test nhanh chỉ cho phép phát hiện tồn dư các độc chất cơ bản, cũng không chỉ rõ lượng tồn dư cụ thể là bao nhiêu. Nhưng kết quả của bộ kiểm tra nhanh này cũng giúp phát hiện những loại thực phẩm không đảm bảo an toàn và ngăn chặn chúng đến tay người tiêu dùng.

Các loại kit test nhanh đều được sản xuất tại Phòng 3, Viện kỹ thuật Hóa sinh và Tài liệu nghiệp vụ, thuộc Tổng cục IV, Bộ Công an. “Chỉ cần phát hiện mẫu sản phẩm dương tính với que thử, cán bộ BQL sẽ ngay lập tức xuống gặp tiểu thương, yêu cầu ngưng bán sản phẩm có tồn dư độc chất và tiêu hủy số sản phẩm còn lại, yêu cầu chuyển sang lấy sản phẩm của một nhà cung cấp đảm bảo an toàn khác”, anh Tính nói.

Một tiểu thương bán rau tại chợ Bến Thành cho hay, sạp của chị đã hai lần được lấy mẫu để tìm thuốc trừ sâu tồn dư trong rau. Dù đã chọn nguồn rau từ các nhà vườn có đăng ký rõ ràng, nhà vườn cũng cam kết quá trình trồng và thu hoạch đảm bảo an toàn, nhưng chị không thể tự mình kiểm chứng những cam kết đó.

Việc BQL chợ lấy mẫu kiểm tra và không phát hiện rau vi phạm an toàn khiến chị an tâm hơn. “Giờ có nhiều nhà cung cấp chứ không phải một, nên nếu có mẫu rau, củ nào tồn dư hóa chất, tôi sẵn sàng chuyển sang nhà cung cấp mới”, chị này nói.

Theo BQL chợ Bến Thành, sau hơn ba tháng triển khai việc kiểm tra nhanh đầu vào các loại thực phẩm bày bán, có khoảng 15 mẫu bị phát hiện dương tính với các loại chất bảo quản hay hó a chất tồn dư. Tất cả những tiểu thương bị phát hiện có bán sản phẩm này đều không tái phạm. “Số mẫu bị phát hiện có tồn dư chất độc hại ngày một ít đi, cho thấy tiểu thương có trách nhiệm hơn trong việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng thông qua việc giám sát chất lượng ngay tại chợ”, ông Lê Hoàng Định, Phó BQL chợ Bến Thành nhận định.

Việc kiểm tra nhanh thực phẩm an toàn là rất đáng hoan nghênh và cầ n nhân rộng ra các chợ, nhằm tẩy chay thực phẩm kém chất lượng. Nhưng trên thực tế, với những chỉ tiêu test nhanh, người tiêu dùng cũng có thể tự kiểm tra bằng nhiều phương pháp khác tại nhà.

Điều người tiêu dùng cần hơn, đó là làm rõ việc có hay không các chất cấm trong thực phẩm, nhất là trong thịt heo và các loại hải sản thì việc kiểm tra bằng test kit lại không chỉ ra được; trong khi đó, các thiết bị khác lại chưa được trang bị để BQL kiểm tra tại chợ. Mặt khác, với hàng trăm sạp, mỗi ngày chỉ lấy mẫu khoảng tám sạp và luân phiên nhau thì e rằng việc phát hiện và loại trừ thực phẩm “bẩn” vẫn chưa triệt để, chưa tạo an tâm cho người tiêu dùng.

Theo Thư Hùng (phunuonline)