Kinh doanh, buôn bán đồng hồ giả nhãn hiệu Thụy Sỹ diễn biến phức tạp

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian qua, tình trạng kinh doanh, buôn bán đồng hồ giả nhãn hiệu Thụy Sỹ diễn biến phức tạp khiến người tiêu dùng hoang mang.

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trườn (QLTT) đã chỉ đạo lực lượng QLTT tích cực trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Trong đó, tình trạng kinh doanh, buôn bán đồng hồ giả nhãn hiệu Thụy Sỹ như: ROLEX, TUDOR, LONGINES, OMEGA, RADO, TISSOT, AUDEMARS PIGUET, BVLGARI, VACHERON CONSTANTIN, PATEK PHILIPPE, FRANCK MULLER, CARTIER, MONTBLANC, RICHARD MILLER, CHOPARD, PIAGET, HERMES, CHANEL, BURBERRY… tại các cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thương mại trên thị trường diễn biến phức tạp.

kinh-doanh-buon-ban-dong-ho-gia-nhan-hieu-thuy-sy-dien-bien-phuc-tap

 Đồng hồ giả nhãn hiệu Thụy Sỹ được bày bán khá nhiều trên thị trường. Ảnh minh họa

Theo đó, Cục Nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm với số lượng lớn đồng hồ giả mạo nhãn hiệu đồng hồ Thuỵ Sỹ.

Cụ thể, theo báo cáo đến cuối tháng 9/2019, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 442 vụ có 406 vụ vi phạm và bị xử lý với tổng tiền phạt là  2.508.340.000 đồng. Trong đó, 2 vụ chuyển cơ quan điều tra. Số lượng hàng hoá tịch thu là 15.535 chiếc đồng hồ các loại. Trị giá hàng hoá trên là 2.087.987.300  đồng.

Một số Cục QLTT các tỉnh, thành phố điển hình trong việc thực hiện chuyên đề này như: Cục QLTT tỉnh Khánh Hoà trong đợt kiểm tra đồng loạt 10 điểm kinh doanh tại Thành phố Nha Trang, thu giữ 2.103 chiếc đồng hồ giả đồng hồ Thụy Sỹ các loại, chuyển 02 vụ sang cơ quan công an điều tra. Cục QLTT Thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra đồng loạt 6 vụ, thu giữ: 1.288 chiếc. Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra 49 vụ, thu giữ 1.178 chiếc. Cục QLTT thành phố Hà Nội kiểm tra 19 vụ, thu giữ 1.102 chiếc và Cục QLTT thành phố HCM kiểm tra 109 vụ, thu giữ 3.031 chiếc.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng buôn bán, kinh doanh đồng hồ giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng diễn biến phức tạp như trên đến từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Có thể do thị hiếu của người tiêu dùng, tâm lý ham của rẻ nhưng vẫn muốn sử dụng hàng hoá mang nhãn hiệu nổi tiếng. Trong khi đó lực lượng QLTT tại nhiều địa bàn còn mỏng, được giao thực hiện nhiệm vụ đối với nhiều lĩnh vực...

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, do đồng hồ Thuỵ Sỹ là mặt hàng nổi tiếng trên thế giới và có giá trị cao, hàng giả mạo nhãn hiệu gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng, đặc biệt gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh, du lịch của Việt Nam.

Do vậy, thời gian tới, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT tiếp tục đưa công tác thực thi chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược và mang tính định hướng lâu dài trong chương trình hành động của toàn lực lượng. Trong đó mặt hàng đồng hồ Thụy sỹ được coi là một trong những mặt hàng cần phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm giả mạo nhãn hiệu một cách đồng loạt và có hiệu quả.

Theo VietQ