Lại bỏ đề xuất ưu đãi cho ô tô nội: Thị trường trong nước sẽ ra sao?

 Khi bộ tài chính lại bỏ đề xuất ưu đãi cho ô tô nội, ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ không còn được hưởng lợi.

Lại bỏ đề xuất ưu đãi thuế cho ô tô nội

Bộ Tài chính đã đưa ra 2 phương án về giá tính thuế TTĐB với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Phương án 1: Giá tính thuế TTĐB với xe con sản xuất trong nước thực hiện theo quy định hiện hành, tức là giá do cơ sở sản xuất bán ra không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Phương án 2: Giá tính thuế TTĐB với xe con sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính nghiêng về chọn phương án 1, và xây dựng Dự luật theo hướng này. 

Lại bỏ đề xuất ưu đãi cho ô tô nội: Thị trường trong nước sẽ ra sao?

Đề xuất này đã khác với Dự luật đưa ra lấy ý kiến trước đó, khi đó Bộ Tài chính đề xuất ưu tiên chọn theo phương án 2, vì mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trong nước; khuyến khích tỷ lệ nội địa hóa và cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. Vì nếu theo phương án 2, số tiền thuế TTĐB của ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ thấp hơn xe nhập khẩu, do toàn bộ linh kiện sản xuất trong nước sẽ không bị tính thuế TTĐB, nhờ giá xe nội sẽ rẻ hơn xe nhập khẩu.

Với dự thảo mới lần này, Bộ Tài chính lý giải phải thay đổi đề xuất miễn thuế TTĐB với linh kiện sản xuất trong nước là chưa phù hợp với Quy tắc đối xử quốc gia (NT) trong Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (Hiệp định GATT). Khi Hiệp định cấm các nước có các khoản thuế bảo hộ hàng nội địa, hoặc có các quy tắc phân chia một phần tỷ lệ nội địa.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1 – tức vẫn áp dụng theo quy định hiện hành. Và như vậy, xe ô tô con sản xuất trong nước sẽ không được hưởng lợi gì từ thay đổi chính sách thuế.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quy định thuế TTĐB với ô tô con hiện hành chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. 

Ngày 28/4/2017, Bộ Công thương đã có báo cáo đánh giá về ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển. Trong đó, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô nội, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước. 

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, không tính thuế TTĐB đối với phần linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước, nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩn sản xuất lắp ráp trong nước; khuyến khích các hãng xe nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Trước đó, theo Hiệp định ATIGA : Thuế nhập khẩu xe khu vực ASEAN vào thị trường Việt Nam sẽ về mức cam kết 0%

Theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kể từ ngày 1/1/2018, giá xe ô tô nguyên chiếc trong khu vực sẽ giảm thuế suất nhập khẩu xuống mức 0%. Lộ trình của việc giảm thuế này bắt đầu từ năm 2016 với mức áp dụng là 40%, năm 2017 giảm còn 30% và năm 2018 xuống 0%.

Như vậy, mức áp thuế trên giúp giá xe nhập khẩu từ thị trường Đông Nam Á (chủ yếu là Thái Lan và Indonesia) vào Việt Nam với tỉ lệ nội địa hóa là 40% sẽ giảm đáng kể.

Một điều đáng lưu ý, cùng với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho các loại xe có dung tích xi-lanh từ 2.0 lít trở xuống cũng giảm xuống 5% từ ngày 1/1/2018 theo quy định của Chính phủ. Nếu cộng dồn cả hai mức thuế áp cho thị trường ô tô hiện tại, chắc chắn giá ô tô sẽ giảm mạnh trước một viễn cảnh tăng sức mua so với năm 2017 quá ảm đạm.

Theo tieudung