Lạm dụng thuốc giải rượu bia ngày Tết gây nhiều tác hại

Theo các bác sĩ, việc lạm dụng thuốc giải rượu bia nhất là trong dịp Tết có thể khiến nhiều người gặp vấn đề về gan do áp lực chuyển hóa thuốc.

Nhiều người thường uống thuốc giải rượu bia trước và sau khi uống đồ có cồn với mong muốn giảm các nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc giải rượu quá nhiều sẽ gây ra nhiều bất ổn cho sức khỏe.

Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội từng tiếp nhận bệnh nhân nghiện rượu uống tới say xỉn rồi uống thuốc giải rượu phải đi cấp cứu. Có trường hợp mắc bệnh gan nhưng lạm dụng thuốc giải, coi đó như thần dược, dẫn tới suy gan phải nhập viện.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, thuốc giải rượu, bia không phải “thần dược” mà chỉ là thuốc hỗ trợ. Các viên giải rượu có mặt trên thị trường hiện nay thực chất không phải thuốc mà là một dạng thực phẩm chức năng, thành phần chủ yếu là đường, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic và cácenzyme. Nó có tác dụng tạm thời, hạn chế chuyển hóa nhanh rượu thành những chất không gây độc như CO2 và nước.

lam-dung-thuoc-giai-ruou-bia-ngay-tet-gay-nhieu-tac-hai

 Không nên lạm dụng thuốc giải rượu trong những ngày Tết. Ảnh minh họa

Rượu khi vào cơ thể sẽ xâm nhập các tế bào và chuyển hóa thành acetaldehyd, một chất gây ra các biểu hiện say rượu, ngộ độc rượu. Các thành phần trong viên giải rượu giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể do tác dụng của enzyn chuyển hóa Succinic acid, Fumaric acid, L-gluthamine. Ai uống nhiều rượu, các viên giải rượu tạm thời này sẽ không thể hóa giải hết lượng rượu, lượng cồn trong rượu nên người uống vẫn say xỉn và ngộ độc.

Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiều người đang hiểu lầm thuốc giải rượu có khả năng giảm các triệu chứng do rượu mang lại. Tuy nhiên, các loại thuốc này gần như không có bất kỳ tác dụng nào trong việc giải rượu. Uống thuốc giải rượu không chỉ tăng áp lực cho gan, khiến gan làm việc vất vả để chuyển hóa chất mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Cho đến nay không có một loại thuốc và thực phẩm chức năng nào được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận có tác dụng giải rượu.

Rượu, bia sau khi được uống sẽ đi vào máu với 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Tốc độ hấp thu rượu lúc đói sẽ nhanh hơn lúc no. Gan là bộ phận chính có chức năng chuyển hóa giải độc rượu ra khỏi cơ thể. Uống quá nhiều thức uống có cồn trong một thời gian dài có thể khiến chất độc tích tụ, gây hại cho cơ thể, dễ khiến người uống mắc các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

"Nhận thấy những tác hại của rượu, nhiều người sử dụng thuốc giải rượu như một biện pháp hữu hiệu sau khi uống nhiều. Tuy nhiên, các chất có trong thuốc giải rượu không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại, cũng không giúp triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi hoàn toàn triệu chứng say xỉn", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Gan thường phải làm việc rất vất vả khi cơ thể tiếp nhận rượu, mất từ 7-10 giờ để chuyển hóa chất độc. Uống thêm thuốc giải rượu khiến gan phải làm việc nhiều hơn. Các loại thuốc giải rượu không rõ nguồn gốc ngoài việc không có tác dụng còn có thể gây độc với gan.

Tiến sĩ Khanh nhấn mạnh, uống các loại thuốc giải rượu còn gây ra phản ứng ngược, tương tác thuốc không tốt cho cơ thể. Lạm dụng loại thuốc này thường xuyên hay quá liều có thể dẫn tới tăng men gan, giảm các chất có chức năng bảo vệ gan, tăng tổng hợp axit béo và triglyceride tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.... Thậm chí thuốc giữ lại lượng cồn trong ruột khiến gan không kịp lọc chất độc dẫn đến tử vong. Các tác dụng phụ khi dùng thuốc này có thể gây nguy hiểm đối với người bị dị ứng các thành phần của thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú, người bệnh gan, thận, viêm loét dạ dày tá tràng...

Tiến sĩ Khanh khuyến cáo, trong rượu bia được chưng cất theo đúng quy chuẩn không có chất độc. Chất ethanol khi uống vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, chính chất này mới gây độc cho gan. Trong những bữa tiệc hay dịp đầu xuân năm mới, bạn có thể giới hạn lượng rượu bia, uống vào và không uống thường xuyên để tránh nguy cơ tổn hại sức khỏe. Khi uống nhiều rượu, bạn nên để cơ thể được nghỉ ngơi, uống nhiều nước giúp tăng quá trình thải độc cho gan. Nếu có dấu hiệu ngộ độc rượu như bất tỉnh, co giật, da nhợt nhạt, thân nhiệt thấp..., người thân cần đưa người bệnh đến bệnh viện để được xử trí, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo VietQ