Lưu ý khi dùng xe máy điện để tránh cháy nổ, tuổi thọ được bền lâu

Xe máy điện là phương tiện quen thuộc, nhất là với sinh viên, học sinh. Tuy nhiên dùng xe máy điện cần đặc biệt lưu ý để tránh cháy nổ, giảm tuổi thọ.

Khi giá xăng nhảy múa loạn xạ như hiện nay, nhiều người muốn chuyển sang dùng xe máy điện. Với sự lựa chọn đa dạng, nhiều mẫu mã, xe máy điện ngày càng thu hút được sự chú ý. Tuy nhiên, một số vụ cháy xe máy điện khiến không ít người dùng băn khoăn và lo lắng, vậy cần chú ý những gì để đảm bảo an toàn khi dùng xe điện?

Thận trọng khi sạc điện, tránh dùng sạc không chính hãng

Cấu tạo của một chiếc xe điện khá đơn giản. Dòng điện một chiều (DC) từ pin hoặc ắc-quy sẽ được một bộ biến đổi điện tử chuyển thành dòng điện xoay chiều 3 pha (AC) có dạng xung vuông để cung cấp cho motor, thường đặt ở bánh sau của xe. Tốc độ và mô-men xoắn của motor thay đổi nhờ việc thay đổi tần số và độ rộng xung của dòng điện xoay chiều này, theo vị trí của tay ga do người dùng điều khiển. Do vậy xe điện thường không có số hay côn như xe chạy xăng. Khi ắc-quy hay pin đã cạn, người dùng sẽ nạp lại nhờ một bộ sạc chuyên dụng, tương tự sạc lại điện thoại.

luu-y-khi-dung-xe-may-dien-de-tranh-chay-no-tuoi-tho-duoc-ben-lau

 Sử dụng xe máy điện cần lưu ý để tránh cháy nổ, tuổi thọ giảm nhanh. Ảnh minh họa

Như vậy dễ thấy khâu đầu tiên gây ra nguy hiểm chính là việc sạc điện. Bộ sạc có tác dụng chuyển đổi điện xoay chiều 220V từ ổ cắm thành điện một chiều để nạp pin. Tùy loại xe, điện áp một chiều để sạc có thể là 36, 48, 60 hay 72 V. Nếu dùng bộ sạc không chính hãng, chất lượng kém sẽ dễ xảy ra chạm chập, hoặc rò điện 220 V từ ổ cắm sang phần điện một chiều nạp cho xe. Nhẹ thì gây phồng, hỏng pin, nặng hơn có thể gây cháy nổ.

Để hạn chế nguy cơ này, người dùng nên sử dụng bộ sạc chính hãng hoặc loại sạc có chất lượng được kiểm chứng và đảm bảo, phù hợp với mức điện áp của xe. Ngoài ra, ổ cắm điện cho bộ sạc cũng cần lắp một aptomat riêng. Chú ý là dòng điện tiêu thụ bình thường từ ổ điện khi sạc chỉ 1-3A nên cần chọn loại aptomat nhỏ tương ứng để đảm bảo an toàn. Các chân cắm và đầu nối điện cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo sạch sẽ, tiếp xúc tốt, không phát nóng bất thường khi sạc. Và nếu không cần thiết thì xe đi về nên để chờ 1-2 giờ cho pin nguội đi trước khi cắm sạc, vừa nâng cao độ an toàn, vừa giúp gia tăng tuổi thọ cho pin.

Nhiều nơi, nhất là ở các chung cư, người dùng thường có thói quen cắm sạc qua đêm, không giám sát, như vậy cũng khá nguy hiểm vì khi có sự bất thường sẽ không có ai can thiệp kịp thời. Xe đang sạc nên để cách xa các xe khác, và nên trang bị bình chữa cháy để xử lý nhanh khi cần.

Tránh dùng pin trôi nổi, không chính hãng

Nguy hiểm thứ hai đến từ chính bộ pin. Tương tự bình xăng của xe xăng, đây là nơi tích trữ một năng lượng lớn. Loại pin lithium-ion từ các hãng danh tiếng được chế tạo khá an toàn. Tuy nhiên, nhiều người muốn xe đi được xa hơn, hoặc giá rẻ hơn nên đã dùng những bộ pin bán trôi nổi trên thị trường, do một số thợ xe mua các cell pin rời rồi tự chế, ráp lại với nhau bằng lá thép và máy hàn điểm. Nếu khâu lắp ráp này không làm cẩn thận, sau khi dùng được một thời gian, do độ xóc khi xe chạy sẽ gây xộc xệch, rất dễ dẫn đến chạm chập.

Khi xảy ra chạm chập, dòng điện tăng vọt đến hàng trăm ampe, giải phóng một lượng nhiệt rất lớn gây cháy bộ pin. Phần điện li trong pin là lớp màng bằng chất hữu cơ chứa lithium cobalt oxide (LiCoO2), rất dễ cháy, sẽ tiếp sức cho đám cháy bùng phát dữ dội. Ngoài ra, việc nối dây từ bộ pin đến IC điều khiển của xe, nếu thợ thay pin làm không tốt cũng sẽ dẫn đến nguy cơ chạm chập. Các mối nối xoắn dây và quấn băng dính không thể đảm bảo an toàn, nên cần dùng các kẹp xiết đấu dây chuyên dụng và nên có một aptomat trên đường dẫn từ pin đến bộ IC của xe, như cách mà VinFast đã làm trên các dòng xe máy điện của hãng.

Ngoài vấn đề về an toàn, khi thay các loại pin trôi nổi, không chính hãng, người dùng cũng có thể mua phải pin được chế từ các cell pin cũ hoặc loại rẻ tiền, sẽ xuống cấp và mất dung lượng rất nhanh, không thể dùng được đến hàng ngàn lần sạc như quảng cáo. Vì vậy, khi quyết định thay một bộ pin không chính hãng, nên chọn những nơi có uy tín, bảo hành từ một năm trở lên và cell pin phải được nhập từ các hãng có tên tuổi như Samsung, Toshiba, BYD...

Không nên dùng vòi xịt cao áp quá mạnh khi rửa xe

Một vấn đề nữa là tác hại của nước và độ ẩm. Khi rửa xe điện, nếu dùng các loại vòi xịt cao áp quá mạnh, nước có thể sẽ xâm nhập đến các bộ phận mang điện như tay ga, bộ IC chuyển đổi điện (thường được lắp dưới yên xe) và gây ra sự cố. Động cơ của xe điện thường được quảng cáo là có thể đi đường ngập, nhưng cũng cần chú ý là khi xe cũ đi, độ kín của động cơ sẽ không còn như lúc đầu và nước sẽ có thể lọt qua, gây hư hỏng. Nên định kỳ đem xe đi kiểm tra độ kín của động cơ, cũng không nên quá tin quảng cáo mà đi đường ngập, hoặc xịt rửa mạnh động cơ xe quá nhiều.

Khi được bảo quản và sử dụng đúng cách, xe điện là loại phương tiện có chi phí thấp và tiện dụng. Nhưng vì có những yếu tố đặc thù khác xe xăng, với những điểm cần chú ý cũng khác, nên việc quan tâm đến những yếu tố này là rất cần thiết để chiếc xe điện của bạn dùng được an toàn và bền lâu.

Bảo quản và thay bình ắc-quy đúng cách

Hãy thực hiện sử dụng và bảo quản bình ắc-quy theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Chẳng hạn, không nên tháo bình đã sử dụng một cách tùy tiện. Nếu bỏ bình ắc-quy thì nên gửi đến các địa điểm thu hồi, tái chế bởi cơ quan có chuyên môn.

Xe máy điện được vận hành bởi nguồn năng lượng cấp ra từ bình ắc-quy. Do đó, việc lắp đặt hay thay thế bình ắc-quy thì cũng nên được thực hiện bởi người có chuyên môn, tốt nhất là bạn nên nhờ nhân viên kỹ thuật để giúp bạn. Phải đảm bảo cáp kết nối bình ắc quy mới được thay thế, không nên sử dụng lại phụ kiện đã qua thời gian sử dụng dài và cần sử dụng đúng phụ kiện nguyên bản của hãng.

Liên hệ với trung tâm hoặc đại lý ủy quyền chính hãng khi gặp sự cố vận hành

Nếu có bất kì sự cố nào liên quan đến sự hoạt động của xe máy điện, như nguồn điện bị hỏng hoặc hệ thống sạc bị lỗi, thì bạn nên liên hệ và thay thế linh kiện tại trung tâm nhà sản xuất, hoặc những đại lý ủy quyền chính hãng được công bố trên phương tiện truyền thông.

Kiểm tra các bộ phận xe điện trước khi vận hành

Trước khi vận hành xe điện, bạn cần kiểm tra qua một số bộ phận như sau: Đèn chiếu sáng hoạt động tốt chứ? Năng lượng điện ra sao? Phanh trước và phanh sau có hoạt động ổn không? Tay lái, bánh trước và bánh sau có chắc chắn không? Gương chiếu hậu có bị hỏng hoặc bẩn hay không? Áp suất không khí của lốp xe?

Không được thay đổi kết cấu và tính năng xe

Xe máy điện mua ban đầu có những bộ phận và tính năng nào, thì bạn nên tuân thủ. Đừng thay đổi cách bố trí đường dây điện cũng như cải tạo kết cấu và tính năng vốn có của xe như: thay đổi loại bình ắc quy, tăng công suất đèn, lắp thêm loa,…

Theo VietQ