Mắc sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà nhưng dinh dưỡng cần làm theo nguyên tắc sau mới mong hồi phục sớm

Số ca mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng. Bệnh ở thể nhẹ có thể điều trị ở nhà nhưng để cơ thể có sức chống chọi lại virus gây bệnh, nhanh chóng hồi phục, mọi người cần làm theo nguyên tắc sau.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, Việt Nam ghi nhận 70.585 ca mắc sốt xuất huyết (từ đầu năm đến giữa tháng 9/2020). Nhiều tỉnh thành đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, trong đó TPHCM dẫn đầu với 13.322 trường hợp và Hà Nội đứng thứ 10 với 1.993 ca mắc.

Các chuyên gia nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Dự báo vào những tháng cuối năm nay, tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp khi mà thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra có tính chất truyền nhiễm. Một người đã từng mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị lại vì chúng có 4 chủng là DEN-1, DEN - 2, DEN – 3, DEN - 4. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người càng cần thận trọng hơn với sốt xuất huyết trong thời điểm này.

Theo BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), sau khi xét nghiệm cho ra kết quả Dengue dương tính, bệnh mới ở giai đoạn sơ nhiễm, khởi phát thì có thể sẽ chỉ định cho bệnh nhân tự điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

Khi đó, việc chăm sóc và dinh dưỡng đối với người bệnh là rất quan trọng để người bệnh sớm bình phục. Người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ để được điều trị, ăn uống tốt.

Không ít trường hợp mắc sốt xuất huyết lại kiêng khem đủ thứ, cơ thể đã bệnh lại thiếu chất nên bệnh nặng nề hơn vì không đủ sức chống chọi. Người bệnh cần môi trường nghỉ ngơi thông thoáng.

Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt dai dẳng nên phải theo dõi sát. Người nhà cần hạ sốt cho bệnh nhân bằng cách cho mặc đồ thông thoáng, uống paracetamol đúng chỉ định kết hợp chườm mát ở bẹn, nách, toàn bộ cơ thể bằng nước ấm.

Tuyệt đối không được dùng aspirin hay ibuprofen để hạ sốt khi không có chỉ định để tránh tình trạng xuất huyết đe dọa tính mạng.

Sốt xuất huyết diễn biến qua các giai đoạn rất nhanh, từ ngày thứ 4 cần phải đặc biệt chú ý đến bệnh nhân. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường như đau bụng nhiều, chảy máu chân răng hoặc bất kì vị trí nào trên cơ thể, tay chân lạnh… cần lập tức đến cơ sở y tế để tránh biến chứng.

mac-sot-xuat-huyet-co-the-dieu-tri-tai-nha-nhung-dinh-duong-can-lam-theo-nguyen-tac-sau-moi-mong-hoi-phuc-som

Người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ mới sớm bình phục. Ảnh minh họa

Ths.BS Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, miễn dịch của cơ thể sẽ giảm đi nhiều khi có sự tấn công của virus Dengue.

Người bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách, hệ miễn dịch càng yếu hơn khó chống lại bệnh, bệnh càng lâu khỏi và thậm chí biến chứng nguy hiểm.

Người dân cần chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất cho người bệnh. Khi cơ thể đủ chất, có sức đề kháng tốt, bệnh diễn biến nhẹ hơn và giảm biến chứng. Theo đó, mọi người cần chú ý:

* Bù dịch đúng cách

Người bệnh thường sốt cao nên cơ thể mất nước nên cần chú trọng bù nước, điện giải. Nên cho người bệnh uống các loại nước trái cây, nước quả ép như nước cam, nước chanh, nước dừa… Cũng có thể nghiền lá đu đủ rồi lọc lấy nước uống cho người bệnh. Hoặc bổ sung nước cho cơ thể bằng dung dịch điện giải theo đúng chỉ dẫn.

* Ăn các đồ lỏng

Người bệnh sốt xuất huyết luôn mệt mỏi, sốt cao nên vị giác thay đổi, miệng đắng không muốn ăn. Bởi vậy mọi người cần cho họ ăn những thức ăn lỏng và mềm như cháo, soup, sữa… cho người bệnh dễ nuốt và dễ tiêu hóa hơn. Các món ăn này còn bổ sung nước cho cơ thể giúp người bệnh có thêm năng lượng.

Mọi người có thể chia nhỏ bữa ăn cho người bệnh, không nên ép ăn dồn dập. Bữa ăn cần tăng các món giàu đạm, vitamin A từ trứng, thịt, sữa, trái cây… để tăng sức đề kháng chống lại bệnh.

* Không nên:

+ Tắm nước lạnh: Người bệnh nên hạn chế tắm gội để tránh việc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, thất thường khiến bệnh tiến triển nặng thêm. Tốt nhất người bệnh chỉ nên dùng nước ấm lau người cho sạch. Việc dùng nước lạnh và ra gió, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài da sẽ gây nên hiện tượng đứt mạch máu khiến bệnh nhân dễ tử vong.

+ Uống rượu bia, dùng chất kích thích càng làm cơ thể mệt mỏi không đủ sức chống lại bệnh.

+ Tránh các món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ vì dễ gây ra đầy bụng, khó tiêu hóa khiến bệnh lâu phục hồi.

+ Không nên ăn những thực phẩm màu đỏ thẫm, màu đen hoặc nâu do trong quá trình bị nhiễm bệnh, người bệnh có thể đi ngoài ra phân đen hoặc nôn mửa ói ra máu nếu bị xuất huyết dạ dày. Bởi vậy sẽ khó phân biệt được với những biểu hiện xuất huyết trên của bệnh.

Theo GiaDinh