Một số cách giúp bảo quản bánh chưng để được lâu dịp Tết

Tham khảo một số cách dưới đây sẽ giúp các gia đình tìm ra được giải pháp để giúp bánh chưng để được lâu mà vẫn không bị ôi thiu, nấm mốc, đảm bảo an vệ sinh trong kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Bánh chưng là món ăn cổ truyền xuất hiện trên mọi mâm cỗ của các gia đình Việt Nam vào dịp Tết. Nhiều gia đình đến nay vẫn duy trì thói quen gói bánh chưng với số lượng lớn để ăn trong và sau Tết cũng như để đem đi biếu họ hàng, bạn bè. Gói bánh số lượng lớn mà lại gặp thời tiết nồm ẩm hay nắng ấm đặc trưng dịp Tết thực sự là nỗi “ám ảnh” với nhiều gia đình khi phải tìm cách “giải bài toán” làm thế nào để bảo quản bánh chưng để lâu mà không bị ẩm mốc, lại gạo?  

Áp dụng cách bảo quản bánh chưng khoa học sẽ giúp bánh giữ được hương vị thơm ngon và an toàn cho sức khỏe. Tránh được hiện tượng sinh ra độc tố Aflatoxin do nấm mốc sinh trưởng và phát triển trong thực phẩm. Bảo quản bánh chưng đúng cách không chỉ kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm mà còn ngăn ngừa được nguy cơ ngộ độc do nấm mốc. 

mot-so-cach-giup-bao-quan-banh-chung-de-duoc-lau-dip-tet

 Bảo quản đúng cách sẽ giúp bánh chưng để được lâu ngày mà đảm bảo an toàn

Bảo quản ở điều kiện bên ngoài 

Bánh chưng có thể để được lâu hay không phụ thuộc khá nhiều vào việc chọn nguyên liệu và cả quá trình trước và sau khi gói bánh. Lá gói bánh cần được rửa sạch và phơi thật ráo nước, trước khi gói có thể dùng khăn để lau khô nếu thấy lá vẫn còn ướt. Gạo nếp phải được vo sạch, đỗ phải được đãi thật kỹ. Bánh sau khi luộc phải được rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ các chất nhựa có trong lá. Ép bằng vật nặng cho ra hết nước để làm bánh chắc hơn. Treo bánh tại nơi khô ráo và thoáng gió, không có bụi bẩn để bánh khô ráo hoàn toàn. Các bước trên sẽ giúp nhân bánh trong lá sẽ không tiếp xúc được với không khí bên ngoài, điều này sẽ hạn chế gây mốc bánh và có thể bảo quản bánh chưng được lâu.

Cách này có thể giúp bảo quản bánh chưng khoảng 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên muốn bánh chưng để được lâu ở điều kiện bên ngoài còn tùy thuộc rất nhiều vào khâu chọn nguyên liệu, quá trình gói bánh và điều kiện môi trường ở từng nơi mà thời gian bảo quản có thể chênh lệch. Do đó, các gia đình cần cẩn thận ngay từ những bước đầu tiên để có thể có được những chiếc bánh chưng chất lượng, đảm bảo an toàn. 

Bảo quản bằng phương pháp hút chân không 

Hút chân không là phương pháp bảo quản thực phẩm hiện đại và hiệu quả được rất nhiều gia đình tin dùng. Đây là một cách bảo quản đã được sử dụng rộng rãi trên thị trường, đặc biệt trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay. Việc hút chân không sẽ tạo ra môi trường hạn chế tối đa oxy, không gây ra phản ứng giữa oxy và thực phẩm từ đó ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và kéo dài được thời hạn sử dụng thực phẩm.

Người tiêu dùng có thể tự mua máy hút chân không hoặc sử dụng dịch vụ hút chân không để có được sự bảo quản bánh chưng tốt nhất. Trước khi hút chân không, bánh phải được để nguội hẳn hoặc chỉ còn hơi ấm ấm. Phương pháp này giúp bánh giữ được hương vị đặc trưng cũng như giữ được màu lá tự nhiên như khi vừa mới luộc xong. Đồng thời, người tiêu dùng hoàn toàn không phải lo ngại về vấn đề nấm mốc và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Bảo quản bằng cách này thì khi cầm nắm và cất trữ bánh sẽ rất hợp vệ sinh, không lo bị dính tay, vỏ bánh sạch sẽ, hạn chế các loại côn trùng như ruồi, kiến “ghé thăm”.  

mot-so-cach-giup-bao-quan-banh-chung-de-duoc-lau-dip-tet
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên quá “thần thánh hóa” phương pháp này và tin rằng sau khi hút chân không thì bánh có thể được bảo quản vĩnh viễn. Ở điều kiện thường (nhiệt độ phòng), bánh chưng sau khi được hút chân không có thể bảo quản từ 5-10 ngày, tùy vào thời tiết của từng khu vực. Do đó, nếu đã quá ngày mà chưa bỏ bánh chưng ra thì hãy kiểm tra lại để đảm bảo xem bánh chưng còn có thể ăn được nữa hay không. 

Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 

Tủ lạnh vẫn luôn là địa điểm lý tưởng để bảo quản và tích trữ các loại thực phẩm. Thế nhưng với bánh chưng, tủ lạnh có thể là nơi mà loại bánh này không nên “đặt chân” tới. Bởi bánh chưng khi cất vào trong tủ lạnh chắc chắn sẽ bị đông cứng lại - nhiều người vẫn hay gọi tình trạng này là “lại gạo”. Tuy nhiên nếu để bánh ở thời tiết nóng ẩm thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi làm bánh dễ bị thiếu hoặc mốc. Lúc này dù muốn hay không thì bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh vẫn là cách tối ưu nhất giúp bánh để được lâu hơn.  

Bảo quản bánh chưng ở ngăn mát tủ lạnh có thể tăng thời gian bảo quản lên tới 1 tuần. Trước khi cho bánh vào trong tủ lạnh, nên dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh bánh để hạn chế sự tiếp xúc với hơi nước trong tủ lạnh, khiến bánh bị ẩm và dễ sinh ra mốc hơn. Có thể bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh bằng phương pháp “ăn đến đâu thì cắt đến đó”. Phần thừa còn lại sẽ dùng màng che thực phẩm để bọc kín lại. Chú ý thường xuyên kiểm tra trong suốt quá trình bảo quản bánh ở ngăn mát tủ lạnh.  

mot-so-cach-giup-bao-quan-banh-chung-de-duoc-lau-dip-tet
Bảo quản trong ngăn đá 

Bánh chưng khi được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh sẽ có thể để được đến nửa tháng hoặc có thể hơn. Trước khi đặt bánh chưng “yên vị” vào ngăn đá, cần quấn chặt bên ngoài bánh chưng bằng màng bọc thực phẩm. Khi muốn lấy bánh ra để thưởng thức, cần để bánh xuống ngăn mát trong 12 tiếng để rã đông mà không bị giảm nhiệt độ quá đột ngột. Khi muốn thưởng thức bánh, nên dùng dao cắt bánh rồi lại dùng màng thực phẩm bọc phần bánh còn dư và lại cho vào ngăn đá. Lưu ý ăn đến đâu cắt đến đó và nên hạn chế để phần bánh còn lại bị rã đông rồi mới cho lại vào ngăn đá.

Bánh chưng bảo quản bằng cách đông lạnh sẽ xảy ra hiện tượng nếp trở nên cứng và sượng  hơn. Nhiều người không biết cách hấp, luộc lại thì sẽ rất dễ khiến bánh chưng bị nát. 

Do đó, nhiều gia đình thích rán bánh với dầu mỡ để thay đổi khẩu vị và cách làm này cũng khá dễ thực hiện lại không tốn quá nhiều thời gian. Thế nhưng, việc thường xuyên ăn bánh chưng rán sẽ nạp vào cơ thể một lượng lớn chất béo rất không tốt đối với sức khỏe. Cách tốt nhất là nên cắt bánh thành các miếng nhỏ. Sau đó cho vào lò vi sóng hoặc vào vỉ nồi cơm điện để hấp lại. Như thế  vừa giúp nếp bánh mềm trở lại, bánh vẫn thơm ngon và cơ thể cũng không phải hấp thụ quá nhiều chất béo độc hại. 

Bánh đã được bóc ra phải bảo quản trong tủ lạnh chứ không nên để bên ngoài. Bởi như vậy nấm mốc rất dễ tấn công làm bánh ôi thiu. Tuyệt đối không không được ăn bánh khi đã có hiện tượng mốc, ôi thiu. Nhiều người thường tiếc rẻ mà bỏ đi phần bánh bị hỏng nhưng vẫn giữ lại phần bánh chưa bị nấm mốc để ăn nốt vì không muốn lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cách làm này vẫn khiến sức khỏe của người tiêu dùng đối mặt với nhiều nguy hiểm.

Theo VietQ