Mỹ tìm ra cách xử lý hóa chất nguy hiểm trong đồ gia dụng

Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã tìm ra cách để xử lý PFAS, hóa chất nguy hiểm thường được sử dụng trong chảo chống dính và một số đồ gia dụng.

Tìm ra cách để xử lý hóa chất trong đồ gia dụng

Một nhóm các nhà khoa học đã tìm ra một cách được cho là an toàn và có giá cả phải chăng để tiêu diệt PFAS, hay còn được mệnh danh là “hóa chất vĩnh viễn”.

PFAS là một nhóm lớn gồm hơn 4.500 chất flo hóa liên tục. Chúng thường là chất kị nước và không hòa tan trong lipit hoặc các dung môi không phân cực trong tự nhiên. Do đó, PFAS cực kỳ bền bỉ với sức mạnh của liên kết carbon-fluor. Hóa chất này được tìm thấy trong nhiều đồ gia dụng, bao gồm chảo chống dính và chỉ nha khoa.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, có ít nhất 12.000 chất như vậy tồn tại cho đến ngày nay. Tất cả chúng đều có chung một đặc điểm: liên kết cacbon-flo, là một trong những liên kết mạnh nhất được biết đến trong hóa học hữu cơ. Đây cũng là điều mang lại chất lượng chống dính cho dụng cụ nấu ăn được xử lý bằng PFAS. Tuy nhiên, chính đặc tính đó có thể khiến chúng trở nên độc hại đối với con người.

Vào tháng 2/2022, các nhà khoa học ước tính rằng con người đang đưa khoảng 50.000 tấn hóa chất PFAS vào bầu khí quyển mỗi năm. Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy rằng nước mưa ở nhiều nơi trên Trái đất không đủ an toàn để uống do sự phổ biến của loại chất hóa học này.

my-tim-ra-cach-xu-ly-hoa-chat-nguy-hiem-trong-do-gia-dung

Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa phát hiện ra cách để xử lý hóa chất trong đồ gia dụng. Ảnh minh họa 

Với độ bền từ các liên kết phân tử, PFAS có thể tồn tại trong cả đất và nước qua nhiều thế hệ. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng tiếp xúc lâu với chúng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, giảm khả năng miễn dịch và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Giới nghiên cứu đã mất nhiều năm cố gắng tìm cách phá hủy liên kết cacbon-flo khiến PFAS trở nên cứng đầu, nhưng hiện tại vẫn chưa có cách nào thực sự có hiệu quả.

Trong một nghiên cứu được công bố mới đây, trên tạp chí Science, một nhóm các nhà hóa học từ đại học UCLA, Đại học Northwestern của Mỹ và các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng hỗn hợp natri hydroxit, một hóa chất được sử dụng trong dung dịch kiềm và một dung môi hữu cơ gọi là dimethyl sulfoxide có hiệu quả trong việc phân hủy các axit perfluoro cacboxylic hay còn được gọi là PFCA, chiếm một phần lớn trong nhóm PFAS.

Khi tác giả chính của nghiên cứu, Brittany Trang, đun nóng hỗn hợp này trong khoảng 79 đến 121 độ C, nó bắt đầu phá vỡ liên kết giữa các phân tử PFAS. Sau một vài ngày, hỗn hợp thậm chí có thể khử bất kỳ sản phẩm phụ nào của flo thành các phân tử vô hại.

Natri hydroxit là một phần của nguyên nhân làm cho hỗn hợp này trở nên mạnh mẽ như vậy. Nó liên kết với các phân tử PFAS sau khi đimetyl sulfoxit làm mềm chúng và đẩy nhanh quá trình phân hủy.

Giáo sư William Dichtel, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, nói với The New York Times rằng vẫn có rất nhiều việc phải làm trước khi giải pháp có thể hoạt động bên ngoài phòng thí nghiệm. Tuy vậy, phát hiện mới này là một bước đột phá trong công cuộc xử lý những hóa chất độc hại đang được dùng rộng rãi.

Cũng theo một nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy việc tiếp xúc hằng ngày với các loại hóa chất trong đồ gia dụng có thể dẫn đến ung thư, bệnh tuyến giáp và béo phì ở trẻ em. Ước tính gánh nặng kinh tế này sẽ khiến người Mỹ thiệt hại khoảng 63 tỉ USD, theo trang khoa học Science Daily.

Hóa chất PFAS tồn tại những đâu và nguy hiểm thế nào?

Công trình nghiên cứu mới xoay quanh các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS), một nhóm hơn 4.700 hóa chất nhân tạo mà các chuyên gia đã phát hiện trong máu của hàng triệu người trong nhiều thập kỷ.

Ví dụ các hóa chất được sử dụng trong sản xuất quần áo chống thấm nước và dầu, thiết bị điện tử và dụng cụ nấu ăn chống dính. Các chất này có thể phá vỡ chức năng của các hormone. Chúng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển, tâm trạng, chức năng tình dục, sinh sản và trao đổi chất của cơ thể.

Nghiên cứu ở khoảng 5.000 người Mỹ, nhóm nghiên cứu tại Trường Y Grossman NYU ghi nhận họ mắc 13 bệnh có thể do tiếp xúc với PFAS, như vô sinh, tiểu đường và lạc nội mạc tử cung. Bệnh tật khiến họ tốn một khoản tiền lớn cho việc điều trị và bị giảm năng suất lao động suốt đời.

Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Linda Kahn, phó giáo sư về nhi khoa và sức khỏe dân số tại NYU Langone Health, cho biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng mẫu máu thu được từ người lớn và trẻ em tham gia khảo sát Kiểm tra dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia Mỹ.

Nhóm cũng phân tích dữ liệu từ hàng chục nghiên cứu trong thập kỷ qua nhằm khám phá các bệnh liên quan đến các chất kể trên.

Kết quả cho thấy béo phì ở trẻ em do phơi nhiễm PFAS là nguyên nhân lớn nhất gây thiệt hại kinh tế tổng thể, tiêu tốn khoảng 2,7 tỉ USD. Suy giáp ở phụ nữ, tình trạng tuyến giáp không thể giải phóng đủ hormone vào máu, là nguyên nhân tiếp theo với 1,26 tỉ USD.

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Leonardo Trasande, giám đốc Trung tâm Điều tra các mối nguy môi trường của NYU Langone, cho biết: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quyết định gần đây của Cơ quan Bảo vệ môi trường về việc hạ thấp mức độ cho phép an toàn của các chất PFAS trong nước Mỹ".

Ngoài PFAS, các tác giả nghiên cứu đang có kế hoạch ước tính gánh nặng kinh tế của các chất ô nhiễm gây rối loạn nội tiết khác như bisphenol, chất dùng trong nhiều loại nhựa và đồ lót, chất chống cháy và thuốc trừ sâu.

Theo VietQ