Nghệ An: 67 chuồng bò với giá hơn 12 tỷ đồng khiến dư luận băn khoăn

Thời gian gần đây, dư luận băn khoăn, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (dân tộc dưới 1.000 người) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.

Gần đây nhất là thông tin "xác minh nhầm" 45 hộ với 231 khẩu là người dân tộc Ơ Đu vào bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. 

nghe-an-67-chuong-bo-voi-gia-hon-12-ty-dong-khien-du-luan-ban-khoan

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thông tin về việc xác minh nhầm 234 người Ơ Đu vào bản Đửa.

Đầu tháng 7/2020, ông Lương Thanh Hải – Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An nói rõ: "Do lịch sử của tộc người Ơ Đu đã tạo lên rào cản tâm lý trong cộng đồng tộc người này. Họ luôn ẩn mình để tránh nguy cơ bị diệt vong.

Thực tế, một bộ phận người Ơ Đu đã phải bỏ tiếng nói, tên gọi, phong tục, tập quán của mình, sống đan xen và nhận mình là người Thái, Khơ-mú. Vì vậy, số liệu của dân tộc Ơ Đu cũng liên tục thay đổi không logic trong các lần điều tra dân số. Lý do này dẫn đến thiếu sót trong việc lựa chọn bản Đửa làm khu tái định cư (TĐC)".

Tuy nhiên, tại đây chưa được đầu tư, hỗ trợ hạng mục nào từ nguồn vốn của để án. Không có động cơ, mục đích vụ lợi trong việc này. Đề án mới thực hiện ở điểm TĐC Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương với 94 hộ, 456 khẩu Ơ Đu.

Việc "xác minh nhầm" này chưa lắng xuống thì ngày 21/7, Phòng cảnh sát Kinh tế (PC 03) Công an Nghệ An, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Kim Văn Bốn (38 tuổi), cán bộ Phòng Chính sách  -Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An về tội "Tham ô tài sản".

nghe-an-67-chuong-bo-voi-gia-hon-12-ty-dong-khien-du-luan-ban-khoan

Ông Bốn (áo trắng) bị bắt tạm giam 4 tháng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An), nghi can Bốn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lập khống hồ sơ, rút hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Khám xét nhà ở nghi can Bốn, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ một số giấy tờ và tài liệu liên quan.

Trong mục Hỗ trợ phát triển sản xuất của đề án có: Hỗ trợ con bê giống cho 77 hộ với giá hơn 4 tỷ đồng; Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất 8,7 ha cho 77 hộ trị giá hơn 5 tỷ đồng; Hỗ trợ các loại giống, phân bón, máy móc… kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng… 

nghe-an-67-chuong-bo-voi-gia-hon-12-ty-dong-khien-du-luan-ban-khoan

67 chuồng nuôi nhốt bò với kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

nghe-an-67-chuong-bo-voi-gia-hon-12-ty-dong-khien-du-luan-ban-khoan

Đặc biệt, dư luận băn khoăn đến hạng mục hỗ trợ xây dựng 67 chuồng nuôi nhốt bò giống với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng; 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng; 10 chuồng đôi hơn 2,36 tỷ đồng.

nghe-an-67-chuong-bo-voi-gia-hon-12-ty-dong-khien-du-luan-ban-khoan

10 chuồng nuôi nhốt bò với giá 2,36 tỷ đồng.

Về nội dung này, theo báo cáo kết quả thực hiện đề án của Ban Dân tộc tỉnh thì sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, định mức kinh phí, Ban Dân tộc đã lựa chọn đơn vị khảo sát, thiết kế. Sau đó, lập dự toán trình Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở NN&PTNT thẩm định và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện lựa chọn đơn vị thi công theo hình thức đấu thầu, giám sát thi công và đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Hệ thống chuồng gia súc này được thiết kế vững chắc, khoa học. Có dàn dự trữ cỏ, hệ thống vệ sinh đảm bảo môi trường, có hai bạt che chắn, không lo lắng gia súc rét khi mùa đông đến hay nắng nóng vào mùa hè.

Ông Đặng Xuân Quyền - Trưởng phòng Quản lý Xây dựng công trình (Sở NN&PTNT Nghệ An) thông tin, giá xây dựng đó chúng tôi thẩm định theo đơn giá của Nhà nước quy định, đắt hay rẻ đều do Nhà nước quy định. Khung giá này được liên Sở Xây dựng và Sở Tài chính Nghệ An ban hành.

"Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An lập hồ sơ về số lượng, quy mô chuồng trại, sau đó đưa sang Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định khối lượng và đơn giá. Sau khi thẩm định xong thì chuyển hồ sơ sang Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổng hợp chung về hiệu quả, nguồn vốn... của đề án rồi trình UBND tỉnh phê duyệt" – ông Quyền nói.

"Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (dân tộc dưới 1.000 người) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025" được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND ngày 22/8/2017.

Mục tiêu của đề án là duy trì, phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Ơ Đu nhằm nâng cao vị thế của dân tộc Ơ Đu; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, giảm sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng…

Đề án được thực hiện trong thời gian 10 năm (2016 - 2025), chia thành hai giai đoạn, giai đoạn I là từ 2016 - 2020 và giai đoạn II từ 2021 - 2025. Địa điểm thực hiện là bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Tổng kinh phí thực hiện là 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 108 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 12 tỉ đồng.

Cuối năm 2018, chủ đầu tư đề án nhận số tiền đầu tiên của đợt một là 18,812 tỉ đồng. Năm 2019, cơ quan này nhận tiếp đợt hai là 9,369 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 27,7 tỷ đồng. Số kinh phí hơn 471 triệu bị hủy dự án, nộp trả ngân sách (gồm chi phí thuê kiếm toán độc lập, quyết toán chưa thực hiện, chi không hết dự toán).

Theo GiaDinh