Nghe xong những lý do này, cha mẹ sẽ ngưng ngay việc ép buộc con phải xin lỗi người khác

Theo các chuyên gia tâm lý, việc ép buộc trẻ phải xin lỗi người khác khi con chưa nhìn ra được chỗ sai của mình là lợi bất cập hại.

Xin chào – Cảm ơn – Xin lỗi là 3 yếu tố cơ bản tạo nên một đứa trẻ ngoan ngoãn, tốt bụng và cư xử đúng mực. Mặc dù đối với trẻ 2 -3 tuổi, khái niệm chào hỏi, cảm ơn hay xin lỗi rất là khó hiểu, nhưng không vì thế mà cha mẹ bỏ qua không hướng dẫn con.

Tuy nhiên, có một vấn đề mà các chuyên gia tâm lý lưu ý đến các cha mẹ. Đó là đừng ép buộc con nhất định phải xin lỗi. Vì thật ra trẻ ở độ tuổi nhỏ chưa hiểu hết việc làm của mình, vậy nên không phải lúc nào con cũng biết là mình đã sai.

Tại sao chúng ta lại không nên ép buộc con nói lời xin lỗi?

"Trước hết, cha mẹ đừng ép buộc trẻ phải nói lời xin lỗi", bác sĩ tâm thần Ann Princess Grana – công tác tại Phòng khám tâm thần trẻ em và người lớn Nespral ở thành phố Butuan (Philippines) nói: "Nếu bạn buộc con phải nói lời xin lỗi, nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến khác mà nội dung đã không còn là lời xin lỗi nữa".

nghe-xong-nhung-ly-do-nay-cha-me-se-ngung-ngay-viec-ep-buoc-con-phai-xin-loi-nguoi-khac

"Nếu bạn buộc con phải nói lời xin lỗi, nó sẽ dẫn đến một cuộc chiến khác mà nội dung đã không còn là lời xin lỗi nữa", bác sĩ tâm thần Ann Princess Grana nói. (Ảnh minh họa)

Nhà tâm lý học trẻ em, Laura Markham - tác giả của cuốn sách Peaceful Parent, Happy Siblings: How to Stop the Fighting and Raise Friends For Life (Tạm dịch: Cha mẹ yên bình, anh chị em hòa thuận: Làm thế nào để ngăn chặn những cuộc chiến và có nhiều bạn thân suốt đời), chia sẻ:

"Xin lỗi có thể là một cách tuyệt vời để làm cho mọi thứ tốt hơn giữa những đứa trẻ. Nhưng nếu bạn ép buộc con làm điều đó thì nó lại mang tác dụng ngược lại.

Bởi tôi tin rằng ngay cả người lớn chúng ta nếu chưa sẵn sàng tự nguyện nói lời xin lỗi thì khi có ai đó ép buộc, chúng ta cũng sẽ cảm thấy khó chịu và sẽ có nhiều ác cảm với người kia hơn. Thế nên, đôi lúc ép con phải đi xin lỗi người khác chưa chắc đã là cách giúp con hàn gắn mối quan hệ giữa con với các bạn".

Vậy làm thế nào để chúng ta dạy trẻ biết nói lời xin lỗi?

Chính vì những lý do trên mà Tiến sĩ Sanya Pelini, một nhà nghiên cứu giáo dục, blogger chuyên về nuôi dạy con Raising Independent Kids đã cung cấp cho cha mẹ 5 bước như sau:

1. Hãy để cảm xúc của con được lắng lại

Nếu bạn cố gắng giải thích cho trẻ hiểu tình huống và lý do tại sao trẻ cần phải xin lỗi, con có thể sẽ rất khó chịu vì còn bực bội hay tức giận. Tốt nhất, cha mẹ nên cho con thời gian để con suy nghĩ về những gì mình đã làm. Trong lúc đợi con bình tĩnh, bạn hãy chuyển qua bước thứ 2.

2. Kiểm soát cảm xúc của bản thân

"Hãy nhớ rằng khi trẻ làm tổn thương một đứa trẻ khác, con đã biết mình là người sai. Và nếu bạn còn tức giận la mắng con thì sẽ càng khiến con cảm thấy thất vọng về bản thân nhiều hơn nữa", Tiến sĩ Sanya nói. Do đó, cha mẹ cần phải xử lý cảm xúc của mình trước, nghĩa là bạn phải bình tĩnh trước khi bước vào cuộc trò chuyện đúng sai với trẻ

3. Tập trung vào tình huống

Thay vì yêu cầu con nói lời xin lỗi ngay lập tức thì hãy giải thích những gì đã xảy ra và hãy nói về cảm giác của "người bị hại" bằng những từ ngữ ngắn gọn, đơn giản. Có như vậy, trẻ mới hiểu được rằng mình đã sai ở đâu để mà sửa chữa.

4. Cho con cơ hội sửa lỗi

Khi con đã thật sự nhận ra lỗi của mình, cha mẹ hãy giúp con sửa chữa lỗi lầm của mình bằng cách dạy con nói lời xin lỗi hay ôm, chia sẻ đồ chơi, tặng hoa cho bạn. Điều quan trọng bạn cần lưu ý là hãy để con tự quyết định cách thức sửa chữa lỗi lầm và hãy tôn trọng sự lựa chọn của con.

5. Làm gương cho con xem

Nếu bạn đã vài lần khuyến khích con đi xin lỗi nhưng con vẫn chưa sẵn sàng để làm điều đó thì bạn hãy giúp con. Chẳng hạn như bạn sẽ cho con luyện tập nói lời xin lỗi trước khi đến gặp bạn để con tự tin hơn.

Hay bạn sẽ đi cùng con đi xin lỗi bạn. Hoặc bạn sẽ dẫn con đến chỗ người bạn đó và xin lỗi thay con vì những gì con đã làm không hay với bạn. Có cha mẹ bên cạnh và làm gương như vậy trẻ sẽ sớm nói lời xin lỗi một cách tự nguyện.

"Trẻ em học tất cả mọi thứ từ cha mẹ, kể cả cách hàn gắn các vết rạn nứt trong mối quan hệ. Dạy con sự đồng cảm hay giúp con hiểu những gì đứa trẻ kia cảm thấy như thế nào là bước đầu tiên để con nói được lời xin lỗi chân thành", Nhà tâm lý học Markham đã chia sẻ.

Theo Phụ nữ Việt Nam