Người đầu tiên trên thế giới tái nhiễm nCoV

Hong Kong hôm qua ghi nhận một người 33 tuổi nhiễm nCoV lần hai sau hơn 4 tháng mắc bệnh, là ca tái nhiễm đầu tiên trên thế giới được xác nhận.

Thông thường, người mắc Covid-19 tái dương tính sau một thời gian khỏi bệnh chỉ là do "tàn dư", là các mảnh virus còn sót lại trong cơ thể. Mảnh virus lúc đó không còn hoạt động. Kết quả dương tính lần thứ hai phần nhiều do độ nhạy của kit xét nghiệm.

Tái nhiễm nCoV là khi người bệnh nhiễm lượng virus hoàn toàn mới. Người bệnh nói trên bị nhiễm lại nCoV, chủng thứ hai có sự khác biệt đáng kể về gene so với chủng trong lần nhiễm thứ nhất.

Các chuyên gia cho biết phát hiện này không nằm ngoài dự đoán, đặc biệt là khi thế giới đã có hàng triệu người nhiễm bệnh.

Trong lần mắc Covid-19 thứ hai, người đàn ông không biểu hiện triệu chứng. Điều này cho thấy dù việc nhiễm virus trước đó không thể ngăn chặn tình trạng tái nhiễm, hệ thống miễn dịch của anh đã phần nào kiểm soát được mầm bệnh.

Akiko Iwasaki, chuyên gia miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết: "Lần nhiễm thứ hai hoàn toàn không có triệu chứng. Phản ứng miễn dịch của anh ấy đã ngăn bệnh trở nên nghiêm trọng. Đây là một ví dụ được ghi lại trong sách y văn về cách hoạt động của hệ miễn dịch".

Người bệnh không có biểu hiện vẫn đủ khả năng lây truyền virus sang người khác. Từ đó, tiến sĩ Iwasaki nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine. Trong trường hợp của bệnh nhân này, bà nói thêm: "Nhiễm trùng tự nhiên tạo ra miễn dịch ngăn ngừa mầm bệnh, nhưng không cản được việc mắc Covid-19 lần hai".

nguoi-dau-tien-tren-the-gioi-tai-nhiem-ncov

Nhân viên y tế tại Hong Kong, ngày 23/8. Ảnh: AFP

Thời gian qua, Mỹ và một số quốc gia khác đã báo cáo các bệnh nhân được cho là tái nhiễm, song không trường hợp nào được xác nhận chính thức thông qua xét nghiệm nghiêm ngặt. Người đã khỏi Covid-19 mang các mảnh protein của nCoV trong nhiều tuần, cho ra kết quả dương tính ngay cả khi virus đã ngừng hoạt động.

Đối với người đàn ông 33 tuổi tại Hong Kong, sau khi giải mã trình tự virus ở cả hai lần mắc bệnh, các nhà khoa học chỉ ra sự khác biệt đáng kể, cho thấy bệnh nhân đã thực sự nhiễm nCoV lần thứ hai.

Tiến sĩ Kelvin Kai-Wang To, chuyên gia sinh vật lâm sàng tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Tôi tin rằng đây là trường hợp đầu tiên được xác nhận bằng cách giải trình tự bộ gene".

Nghiên cứu sẽ được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lâm sàng.

Bệnh nhân Hong Kong được chẩn đoán lần đầu vào ngày 26/3, chỉ có triệu chứng nhẹ. Anh nhập viện ngày 29/3, xuất viện hai tuần sau đó khi đã xét nghiệm âm tính.

Anh tái dương tính với virus ngày 15/8, sau một chuyến đi đến Tây Ban Nha, qua Anh. Xét nghiệm thực hiện ở cửa khẩu. Chủng virus đang được lưu hành rộng rãi ở châu Âu vào tháng 7, tháng 8.

Thục Linh

Theo NY Times/VnExpress

-----

Xem thêm:

Bệnh nhân Covid-19 tái dương tính: Giải thích đáng mừng từ WHO

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6-5 cho rằng các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) cho kết quả dương tính sau khi khỏi bệnh đang đào thải các tế bào phổi chết chứ không phải tái nhiễm trở lại.

Phát ngôn viên WHO cho hay một số bệnh nhân dương tính với Covid-19 trở lại sau khi phục hồi. Nhưng dường như những bệnh nhân này đang đào thải các tế bào còn sót lại từ phổi như một phần của quá trình phục hồi.

Nghiên cứu cho thấy những người nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tạo ra các kháng thể sau một tuần hoặc sau khi nhiễm bệnh hoặc xuất hiện các triệu chứng. Nhưng các chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu cơ thể người bệnh có xây dựng một cách có hệ thống khả năng miễn dịch đủ để tránh tái nhiễm hay không và nếu có thì khả năng miễn dịch đó kéo dài trong bao lâu.

benh-nhan-covid-19-tai-duong-tinh-giai-thich-dang-mung-tu-who

Một nhân viên y tế cầm mẫu xét nghiệm tại một bệnh viện ở Bỉ. Ảnh: Reuters

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài BBC, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Maria Van Kerhove, thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO đã lý giải về kịch bản "tế bào chết".

Chuyên gia này cho rằng: "Khi phổi hồi phục, những tế bào chết trong phổi xuất hiện. Đây là những phần của phổi cho kết quả dương tính. Chúng không phải là virus truyền nhiễm, chúng không hoạt động trở lại. Đây thực sự là một phần của quá trình hồi phục".

Nữ chuyên gia không đưa ra câu trả lời cho nghi vấn hiện tượng này là khả năng tạo ra hệ miễn dịch hay người bệnh có khả năng không tái nhiễm.

Đối với một số loại virus, chẳng hạn như bệnh sởi, những người từng mắc bệnh này có thể miễn dịch suốt đời. Trong khi đó, đối với các loại virus coronav khác như SARS, khả năng miễn dịch chỉ kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Dịch Covid-19 hiện đã khiến ít nhất 3,8 triệu người nhiễm và 264.000 người chết trên toàn cầu.

Trong diễn biến liên quan, hàng trăm cảnh sát Ấn Độ cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong những ngày qua, gây lo ngại cho những nỗ lực thực thi lệnh phong tỏa của Ấn Độ.

Khoảng 3 triệu cảnh sát tham gia nỗ lực thi hành lệnh buộc 1,3 tỉ dân ở nhà.

benh-nhan-covid-19-tai-duong-tinh-giai-thich-dang-mung-tu-who

Cảnh sát dùng gậy đánh người vi phạm lệnh phong tỏa tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ thực hiện lệnh phong tỏa từ ngày 25-3, hiện có hơn 52.000 trường hợp nhiễm và hơn 1.700 ca tử vong.

Một quan chức cấp cao tại bang Maharashtra cho biết số cảnh sát nhiễm bệnh tại đây đã tăng gần gấp đôi trong tuần trước. Maharashtra là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 15.525 ca nhiễm được ghi nhận đến ngày 5-5.

Quan chức trên nói với hãng tin Reuters: "Hơn 450 cảnh sát của bang đã dương tính và 4 người đã qua đời vì Covid-19".

Xuân Mai (Theo Reuters)

Theo Người lao động