Người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn thực phẩm 'cận date'

Theo Viện Dinh dưỡng, người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua các loại thực phẩm cận date vì chất lượng của những mặt hàng này có thể bị hư hỏng trước thời gian quá hạn

Nhiều người tin tưởng mua thực phẩm cận date để giảm chi phí

Vào thời điểm giá xăng dầu “leo thang” kéo theo giá cả hàng hóa tăng cao, nhiều bà nội trợ đã truyền tai nhau một “bí kíp” để vừa có thể mua được những sản phẩm chất lượng từ các thương hiệu nổi tiếng, vừa tiết kiệm được tối đa chi phí tiêu dùng: Đó là tìm mua các sản phẩm gần đến hạn sử dụng (cận date).

Theo tìm hiểu hàng "cận date” là khái niệm để chỉ các sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, được các cửa hàng, siêu thị triển khai khuyến mãi, giảm giá nhằm giúp các doanh nghiệp thu hồi vốn và người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm chất lượng tốt với giá rẻ.

Trên thực tế, ngày sản xuất và hạn sử dụng được ghi trên bao bì sản phẩm là để người tiêu dùng lưu ý sử dụng các sản phẩm trong khoảng thời gian an toàn. Tại các quốc gia khác, các sản phẩm không ghi “hạn sử dụng” trên bao bì như ở Việt Nam mà thường sử dụng cụm từ “best before” - nghĩa là người dùng nên sử dụng thực phẩm trước ngày hạn, để đảm bảo đầy đủ chất lượng về mặt dinh dưỡng.

nguoi-tieu-dung-can-than-trong-khi-lua-chon-thuc-pham-can-date

 Mua thực phẩm cận date cần đặc biệt cẩn trọng. Ảnh minh họa

Duy trì thói quen đi siêu thị vào mỗi dịp cuối tuần trong suốt giai đoạn giá cả hàng hóa leo thang, chị Thu Hường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm mua hàng tiết kiệm: “Vào cuối buổi chiều hằng ngày, tôi thường dành ra từ 15-30 phút để đi siêu thị mua hàng "cận date". Với những sản phẩm gần hết thời hạn sử dụng, được giảm giá đến 50%, mỗi tháng tôi có thể tiết kiệm được thêm khoảng từ một đến hai triệu đồng tiền chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.”

Theo ghi nhận, phần lớn mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các hệ thống siêu thị như thịt lợn, thịt bò, cá hồi, mực tươi... thường có hạn sử dụng trong khoảng ba ngày kể từ thời điểm đóng gói. Đến ngày thứ ba, hầu hết các siêu thị sẽ bắt đầu dán nhãn giảm giá từ 30-50% cho các sản phẩm này. Không chỉ có các chị em nội trợ, sinh viên cũng là nhóm đối tượng tích cực săn hàng "cận date".

“Với những mặt hàng thực phẩm cao cấp như thịt bò hoặc cá hồi nhập ngoại, nếu không chờ đến đợt giảm giá cận date thì sinh viên như em rất khó có cơ hội sử dụng. Vậy nên, em thường đợi đến những ngày cuối hạn sử dụng của sản phẩm để có một bữa ăn “cải thiện,” bạn Nguyễn Hoàng Minh, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) tâm sự.

Tại các trang mua bán online, những mặt hàng cận date cũng được rao bán “rầm rộ” phổ biến nhất hiện nay là các loại sữa tươi, sữa bột, váng sữa... cho trẻ em. Bên cạnh đó, còn có nhiều thực phẩm nhập ngoại giá cao như các loại thịt xông khói, đồ ăn đóng hộp...

Trên thực tế, hầu hết các mặt hàng gần đến hạn sử dụng thường có giá bán chỉ bằng khoảng một nửa giá bán ban đầu. Độ hấp dẫn của thương hiệu và giá thành thấp là những “lợi thế” giúp hàng "cận date" được một bộ phận người tiêu dùng đón nhận.

Rủi ro khi mua hàng "cận date"

Thông tin về vấn đề này, Giáo sư Lê Danh Tuyên, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, thông thường thời hạn sử dụng của thực phẩm sẽ được các đơn vị kinh doanh ghi trên bao bì với thời gian sớm hơn khoảng từ 1-3 tháng so với hạn sử dụng thực tế của sản phẩm, nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong trường hợp mua hàng "cận date".

Tuy nhiên, người dùng vẫn cần thận trọng và quan sát kỹ chất lượng sản phẩm khi mua, đặc biệt là thực phẩm gần đến hạn sử dụng. Bởi vì nhiều lý do như điều kiện thời tiết, vận chuyển, bảo quản... mà chất lượng của những mặt hàng này có thể bị hư hỏng trước thời gian quá hạn và không còn được nguyên vẹn chất lượng như ban đầu.

Bác sỹ Bùi Anh Thông (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội) cho rằng, thực phẩm sắp hết hạn sử dụng vẫn tốt cho sức khỏe, bởi chúng chưa hết hạn sử dụng, đồng thời rẻ hơn và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp tiến hành các chương trình giảm giá thực phẩm 'cận date' là bởi họ muốn thúc đẩy doanh số bán hàng, đồng thời góp sức giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm toàn cầu.

Khi "cận date" thì một số chỉ tiêu giá trị cảm quan như mùi, vị, màu sắc, độ giòn, độ ngon... có thể sẽ đi xuống, bởi thời điểm đó một số chất trong sản phẩm sẽ bị biến đổi cấu trúc, khiến sản phẩm không còn tươi ngon. Vì vậy người tiêu dùng nên quan sát kỹ chất lượng thực phẩm khi mua hàng.

Bên cạnh đó, quá trình bảo quản của người sử dụng cũng như người vận chuyển không đảm bảo an toàn, hoặc không tuân thủ các khuyến cáo, quy định của nhà sản xuất, cũng có thể ảnh hưởng khiến sản phẩm giảm chất lượng dù vẫn còn hạn sử dụng.

Vì vậy, các “tín đồ cận date” cần cẩn trọng khi lựa chọn thực phẩm, tìm hiểu kỹ về hạn sử dụng và cách bảo quản các sản phẩm, để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

Khoảng thời gian tốt nhất để sử dụng cho từng nhóm thực phẩm

Thông thường sẽ ít người chú ý đến sản phẩm được đóng gói vì việc tính toán thời hạn dùng thức ăn đã được in ấn và do các nhà sản xuất tính toán. Tuy nhiên, nếu nắm rõ được thời gian tốt nhất để giữ được độ tươi của thực phẩm thì sẽ tốt hơn. Cụ thể các mặt hàng như sau:

Sữa: Đây là mặt hàng có sức tiêu thụ không hề nhỏ do mọi lứa tuổi có thể dễ dàng sử dụng cho những bữa phụ. Tuy, nhiên khi mở hộp thì chỉ nên dùng trong 1 tuần để tránh bị tiêu chảy hay đau bụng khi sữa lên men xuất hiện vị chua.

Trứng: Sau khi được mua về bạn nên sử dụng trong vòng 3 -5 tuần. Thật ra, trứng có thể sử dụng được lâu sau khi thu hoạch nhưng người tiêu dùng không thể chắc chắn thời gian sản xuất thì nên dùng ngắn hạn để đảm bảo chất lượng.

Thịt gà, cá và hải sản: Nếu được mua khi đang là thực phẩm đông lạnh thì cần sử dụng ngày sau khi nấu hoặc dùng tối đa 2 ngày. Thịt bò, thịt heo đông lạnh dùng trong vòng 3 - 5 ngày.

Thực phẩm đóng hộp: Thông thường nông sản đóng hộp có thể bảo quản được khá lâu. Đối với tương cà, vì nồng độ acid cao nên thời gian bảo quản là 18 tháng những thực phẩm khác có nồng độ acid thấp thì có thể kéo dài tới 5 năm với điều kiện hoàn toàn kín không bị không khí lọt vào hay chịu bất kỳ tác động nào từ khí hậu môi trường.

Để đảm bảo thời gian bảo quản thực phẩm đóng hộp được kéo dài thì chúng cần được đặt ở nơi tối có nhiệt độ thấp từ 18 - 38 độ C. Nếu khi lấy hộp ra dùng thấy xuất hiện những dấu hiệu phồng lên thì có thể vi khuẩn đã xâm nhập sinh sôi và thực phẩm đóng hộp nên được loại bỏ.

Theo VietQ