Người tiêu dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn mua hàng xách tay

Thay vì chọn hàng xách tay, hãy lựa chọn và sử dụng hàng nhập khẩu uy tín để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

Theo đó, việc bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Mặc dù quy định đã có hiệu lực, tuy nhiên, trên các diễn đàn online, hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn diễn ra tấp nập kẻ bán, người mua, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), trên khắp các chợ mạng, nhiều chủ tài khoản Facebook, Zalo... vẫn đăng tải thông tin rao bán rầm rộ hàng xách tay.

Chị H.L, chủ một cửa hàng (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chuyên bán sản phẩm mỹ phẩm xách tay từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản chia sẻ: “Chị lập nhóm kín trên facebook để bán hàng, ngoài mỹ phẩm thì vẫn bán đồ gia dụng, dược phẩm… Do có nhiều khách quen nên việc buôn bán của chị không bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, để “né” kiểm tra của cơ quan chức năng, chị cũng vừa gỡ tấm biển của cửa hàng xuống”.

nguoi-tieu-dung-can-tinh-tao-khi-lua-chon-mua-hang-xach-tay

Hoạt động buôn bán hàng xách tay vẫn diễn ra tấp nập kẻ bán, người mua.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Lợi nhuận do kinh doanh sản phẩm xách tay từ những cơ sở lớn, lượng hàng hóa bán ra nhiều, đôi khi người ta sẵn sàng đánh đổi vì số tiền phạt chỉ bằng một phần lợi nhuận mang lại”.

Thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm.

Đặc biệt, hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó do sản phẩm để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được Chủ tịch quận ký. Có quyết định này không dễ.

Do đó, theo các chuyên gia, một mặt cần nâng cao xử phạt, mặt khác, cần giải pháp kiểm soát chặt hơn với các tài khoản bán hàng online và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Bởi thực tế, việc kinh doanh hàng xách tay hiện nay vẫn được giao dịch chủ yếu qua quảng cáo miệng, hàng hóa không thể được chứng minh là chính hãng.

Trong khi đó, dưới các khung khổ hội nhập, hàng nhập khẩu chính hãng về Việt Nam sẽ ngày càng có giá rẻ hơn, chất lượng bảo đảm bởi được kinh doanh, xuất nhập khẩu bởi các doanh nghiệp uy tín.

Do đó, để không gián tiếp tiếp tay cho vi phạm, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn các sản phẩm cho bản thân và gia đình. Thay vì chọn hàng xách tay, hãy lựa chọn và sử dụng hàng nhập khẩu uy tín để bảo vệ quyền lợi của bản thân mình.

Ngoài ra, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho biết, tới đây, lực lượng Quản lý thị trường sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp với các đơn vị như hải quan, thuế, các đơn vị chức năng khác để tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cũng như cơ sở kinh doanh gắn mác các loại hàng xách tay Nhật, Mỹ, Pháp, Úc trên chính thị trường nội địa…

Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý Thị trường từ nay đến cuối năm…

Theo VietQ