Nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo 'bẩn' là không có căn cứ và không công bằng

TS Đặng Kim Sơn cho rằng, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo bẩn là một nhận xét không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt.

Trước ý kiến của doanh nhân Phạm Thái Bình tại một cuộc tọa đàm cho rằng, 90% người Việt Nam ăn gạo "bẩn" (không sản xuất theo tiêu chí VietGap, GlobalGap), TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, lúa gạo là một trong những ngành hàng nông sản đạt được nhiều thành công trong thời gian qua.

Như vậy, nhận định 90% người Việt đang phải dùng gạo "bẩn" là không thỏa đáng, không có căn cứ và không công bằng cho gạo Việt. Trong bối cảnh chúng ta đang cạnh tranh gay gắt, những thông tin như thế sẽ làm tổn hại đến uy tín mặt hàng gạo xuất khẩu chúng ta đã gây dựng trong nhiều năm qua.

nhan-dinh-90-nguoi-viet-dang-phai-dung-gao-ban-la-khong-co-can-cu-va-khong-cong-bang

Ý kiến 90% người Việt Nam ăn gạo “bẩn” là không có căn cứ, ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt. Ảnh minh họa
 
Nếu như trước kia, giá gạo Việt thấp hơn rất nhiều so với giá gạo thế giới, nhất là gạo Thái Lan thì giờ đã tiến sát gần nhau về giá, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Chất lượng gạo Việt cũng thay đổi rất nhiều nhờ bộ giống lúa được cải tiến; hệ thống chế biến, bảo quản gạo ngày càng mạnh. Điều này đã nâng tầm chất lượng gạo Việt trên thị trường thế giới” – TS Đặng Kim Sơn nói.

TS Trần Ngọc Thạch- Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long- cũng nêu ý kiến: Thế nào là gạo “bẩn” cần phải có tiêu chí để xác định, có căn cứ chứ không thể nói chung chung được.

Còn việc nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề đặt ra cho các ngành quản lý. Nhưng hiện nay nhờ triển khai các chương trình kỹ thuật, nông dân được nâng cao nhận thức nên tình trạng này cũng đã giảm đáng kể.

Gạo Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ. Do đó, nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vừa qua- TS Trần Ngọc Thạch khẳng định.

Cùng quan điểm đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng. Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận.

Còn Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của gạo ST25- gạo vừa đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” nêu ý kiến: Hiện nay số đăng ký để làm gạo Global Gap, VietGap mới chỉ chiếm 1% diện tích, nên nếu nói những gạo không trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap là “gạo bẩn” thì 99% gạo còn lại của Việt Nam là “bẩn”.

Vậy với 99% gạo bẩn như thế thì Việt Nam lấy gạo ở đâu để xuất khẩu?- kỹ sư Hồ Quang Cua bức xúc đặt ngược câu hỏi.

Theo VietQ