Nhân viên y tế bị tấn công bằng dao: Hành hung bác sĩ đang điều trị cho người thân của mình là hành vi vô ơn và vi phạm pháp luật

Hành vi tấn công bác sĩ cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội và là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật

Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) xác nhận, một bác sĩ công tác tại đây vừa bị người nhà bệnh nhân hành hung. Theo đó, sáng 6/8, một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, chỉ số oxy trong máu (SpO2) chỉ còn 61% và phải thở qua mặt nạ.

Người này muốn đi tiểu nhưng do tình trạng sức khỏe yếu, nếu di chuyển có thể khiến bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở nên điều dưỡng đã mang bô và hướng dẫn đi tiểu tại giường. Thay vì hỗ trợ mẹ thì người con trai đi cùng không đồng ý và có nhiều lời nói xúc phạm nhân viên y tế. Người này yêu cầu phải có nhân viên y tế dắt đi vệ sinh nhưng vì muốn đảm bảo an toàn cho bệnh nhân nên bác sĩ T (công tác tại khoa Cấp cứu của bệnh viện) không đồng ý.

Bị từ chối, bất ngờ người con trai của bệnh nhân cầm con dao bấm lao đến đâm vào hông bác sĩ T. Do phát hiện kịp thời, cùng với sự can ngăn của nhân viên y tế nên bác sĩ may mắn tránh được nhát đâm.

Nhận tin báo sự việc, Công an phường 7 (quận Bình Thạnh, TP HCM) đã nhanh chóng có mặt, tạm giữ đối tượng để xử lý theo quy định.

nhan-vien-y-te-bi-tan-cong-bang-dao-hanh-hung-bac-si-dang-dieu-tri-cho-nguoi-than-cua-minh-la-hanh-vi-vo-on-va-vi-pham-phap-luat

Bệnh viện Nhân dân Gia Định- nơi xảy ra vụ hành hung bác sĩ (ảnh TL)

Chia sẻ về vụ việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, dù bất cứ lý do gì thì hành vi tấn công bác sĩ đang điều trị cho người thân của mình là hành vi vô ơn và không thể chấp nhận được. Hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ.

"Dù bất cứ nguyên nhân gì thì hành vi tấn công bác sĩ đang điều trị cho bản thân hoặc người nhà mình là hành vi vô ơn, đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Hành vi này thể hiện sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức xã hội, ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, đặc biệt là người đang thực hiện nhiệm vụ cứu người, đáng lẽ mình phải mang ơn.

Nhiệm vụ thiêng liêng của bác sĩ là cứu người, rất vất vả nhưng không phải ai cũng hiểu và thông cảm điều đó. Ngày nay nhiều người vì ích kỷ cá nhân, vì coi thường pháp luật, đề cao giá trị lợi ích của mình mà xem nhẹ quyền lợi của người khác nên sẵn sàng chà đạp lên những giá trị nhân văn của xã hội, sẵn sàng tấn công cả những người đang giúp đỡ, cứu sống mình, cứu sống người thân của mình.

Điều đáng buồn là thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ, nhiều trường hợp bác sĩ bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý và gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy, việc xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung bác sĩ là điều cần thiết để đảm bảo an ninh an toàn, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội", luật sư Cường chia sẻ.

nhan-vien-y-te-bi-tan-cong-bang-dao-hanh-hung-bac-si-dang-dieu-tri-cho-nguoi-than-cua-minh-la-hanh-vi-vo-on-va-vi-pham-phap-luat

Theo Ts.Ls Đặng Văn Cường, hành vi tấn công bác sĩ không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội

Cũng theo luật sư Cường, hành vi dùng dao tấn công bác sĩ, đâm vào những vùng hiểm yếu nhưng bác sĩ đã tránh kịp, được sự hỗ trợ kịp thời nên bảo toàn được tính mạng và sức khỏe thì đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nếu sự việc khiến cho bác sĩ sợ hãi, lo lắng tính mạng của mình có thể bị xâm hại thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 (BLHS 2015).

Trường hợp hành vi của người này không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng và cũng không dẫn đến hậu quả bác sĩ lo sợ rằng hành vi giết người có thể xảy ra với mình thì sẽ không xử lý về tội danh trên. Tuy nhiên, vẫn có thể khởi tố, xử lý người này về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 (BLHS 2015).

Trật tự công cộng là trật tự được thiết lập trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội để đảm bảo cho các cơ quan tổ chức được hoạt động bình thường, tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân được bảo vệ, xã hội được ổn định và phát triển. Hành vi gây rối trật tự công cộng là hành vi gây ra những rối loạn, mất an ninh an toàn nơi công cộng khiến cho cơ quan tổ chức bị ảnh hưởng trong quá trình hoạt động, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác nơi công cộng. Hành vi này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp có sử dụng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách thì mức hình phạt có thể tới 07 năm tù.

"Có thể nói rằng, thời gian gần đây những vụ việc tấn công bác sĩ liên tục diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của bác sĩ, nhân viên y tế, gây mất an ninh trật tự, suy thoái nghiêm trọng đạo đức xã hội. Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh những vụ việc như vậy và cần thiết. Đặc biệt là cần phải xử lý bằng chế tài hình sự thì mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", Cường phân tích.

Theo GiaDinh