Nhiều phụ huynh cho con uống thuốc hạ sốt khi không cần thiết

Theo một cuộc thăm dò mới của CS Mott Children's Hospital National Poll (Mỹ), 1/3 phụ huynh Mỹ đang cho con uống thuốc hạ sốt khi không cần thiết.

Đối với nhiều trẻ em, đi học hoặc đi nhà trẻ, đồng nghĩa với việc thường xuyên tiếp xúc với virus lưu hành mỗi mùa. Trán nóng thường là một trong những dấu hiệu rõ ràng đầu tiên của một đứa trẻ bị sốt. Nhưng một số cha mẹ có thể không đo lường (cặp nhiệt độ) hoặc không phản ứng đúng cách với nhiệt độ tăng cao ở trẻ em, đặc biệt là trong việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.

Fox News cho hay theo các nhà nghiên cứu, phụ huynh thường muốn cho con mình uống bất cứ thứ gì để giúp chúng dễ chịu hơn khi cảm thấy ốm. Tuy nhiên, việc cho trẻ uống thuốc khi không cần thiết có thể cản trở quá trình chẩn đoán do thuốc khiến trẻ không cảm nhận được cơn đau hoặc các triệu chứng khác không quá rõ rệt.

"Sốt là dấu hiệu trẻ bị bệnh và cơ thể đang cố gắng chống lại nguyên nhân gây bệnh. Khi cha mẹ nghi ngờ con bị sốt, quyết định đầu tiên của họ là đo nhiệt độ cho trẻ. Một số cha mẹ làm điều này ngay từ đầu với mọi vấn đề sức khỏe con gặp phải trong khi những người khác quyết định theo dõi tình hình, xem xét các yếu tố khác để xem con có triệu chứng ốm không”, tác giả nhóm khảo sát cho hay.

nhieu-phu-huynh-cho-con-uong-thuoc-ha-sot-khi-khong-can-thiet

 Cha mẹ nên cẩn trọng khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ. Ảnh minh họa

"Báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng Mott của Mỹ cho hay các bậc cha mẹ nên biết rằng việc cho trẻ uống thuốc hạ thân nhiệt không nhất thiết sẽ giúp trẻ khỏi bệnh sớm hơn. Trên thực tế, chỉ cần trẻ chỉ sốt ở mức nhẹ, đây có thể là cách tốt nhất để giúp chống lại nhiễm trùng. Điều này phù hợp với nghiên cứu, cho thấy khi nhiệt độ cơ thể tăng, các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn để tiêu diệt virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng”, trích báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng Mott.

Một giải pháp đơn giản khác thay thế việc dùng thuốc là theo dõi nhiệt độ. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể giúp con cảm thấy thoải mái bằng cách cho trẻ mặc quần áo nhẹ nhàng và đảm bảo con đủ nước.

Bệnh viện Nhi đồng Mott cũng cho hay trước kia, việc uống thuốc hạ sốt trước khi tiêm vaccine khá phổ biến. Tuy nhiên, ngày nay, nó không được khuyến khích do lo ngại thuốc hạ sốt có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Có thể, nhiều phụ huynh lo lắng khi nhìn con vật lộn với cơn sốt nhưng đây thực sự là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của trẻ đang phản ứng với vaccine. Đương nhiên, việc theo dõi nhiệt độ của con để phát hiện bất thường rất quan trọng. Rõ ràng, nếu con sốt cao, cha mẹ nên đưa con đi khám.

Nhìn chung, phụ huynh cần cho con gặp bác sĩ trong trường hợp sau: Trẻ 0-3 tháng khi trẻ sơ sinh sốt, dù thân nhiệt bao nhiêu, cha mẹ cũng cần tư vấn từ nhân viên y tế. Trẻ 4-12 tháng cha mẹ nên gọi bác sĩ nếu trẻ sốt kèm theo dấu hiệu giảm hoạt động, quấy khóc nhiều hơn hoặc lượng nước tiểu giảm. Trẻ em từ 2 tuổi trở xuống: Gọi cho bác sĩ nếu cơn sốt lên tới 40 độ C kéo dài hơn 24 giờ.

Do đó, khi cha mẹ quyết định cho trẻ uống thuốc hạ sốt, sẽ rất hữu ích nếu ghi lại các chỉ số nhiệt độ và thời điểm cho trẻ uống thuốc. Điều này sẽ cung cấp một hồ sơ chính xác trong trường hợp cơn sốt của đứa trẻ tiếp tục trong một thời gian dài.

Đặc biệt, cha mẹ của trẻ nhỏ cũng nên tránh sử dụng kết hợp thuốc cảm lạnh cùng với thuốc hạ sốt do nguy cơ quá liều. Tất cả các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ và chúng tôi thực sự không muốn trẻ em uống quá nhiều thuốc khi không cần thiết.

Khi liên lạc với bác sĩ để giúp xác định các khuyến nghị tốt nhất về điều trị, cha mẹ nên chia sẻ về: Thời gian trẻ bị sốt, liều lượng thuốc hạ sốt đã dùng, các triệu chứng khác và cách trẻ hành động so với hành vi ‘bình thường’ của trẻ.

Theo VietQ