Nhiều ứng dụng giao hàng buộc lòng tăng phí do lưu thông khó khăn



Dù chấp nhận cước phí cao nhưng khách hàng vẫn không dễ đặt hàng, gọi giao hàng trên một số ứng dụng do việc lưu thông bị hạn chế.

Ngày 30-7, chị Hoài Phương (quận 4, TP HCM) loay hoay cả buổi sáng vẫn không đặt được đơn hàng mua gạo trên một ứng dụng (app) khá nổi tiếng do các cửa hàng trong quận đã hết hàng. Trong khi đó, có khá nhiều cửa hàng khác còn hàng ở quận lân cận nhưng người giao hàng (shipper) không dám nhận đơn. "Dù chấp nhận cước phí cao nhưng vẫn khó mua hàng online" - chị Phương cho biết.

Vừa gửi đồ tiếp tế cho người nhà ở bệnh viện dã chiến, chị Hải Anh (quận 5, TP HCM) cũng bất ngờ khi thấy cước phí của một hãng xe công nghệ tăng gấp rưỡi. "Tôi cũng thông cảm do tình hình vận chuyển, lưu thông khó khăn, số lượng shipper giảm sút nên có thể hãng xe buộc phải tăng phí" - chị Hải Anh nói.

nhieu-ung-dung-giao-hang-buoc-long-tang-phi-do-luu-thong-kho-khan
 

Lưu thông khó khăn, số lượng shipper khiến việc đặt hàng online không còn dễ dàng - Ảnh: Lam Giang

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số hãng công nghệ thừa nhận có việc tăng giá cước cũng như một số khoản phụ phí dịch vụ.

Chẳng hạn, Gojek Việt Nam cho biết từ 0 giờ ngày 28-7, giá cước và các khoản phụ phí dịch vụ GoFood (mua hộ và giao thực phẩm, nhu yếu phẩm) đã tăng nhẹ, duy trì cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, với khoảng cách từ 2 km trở xuống, giá cước mới là 17.000 đồng/km; trong khi trước đó, Gojek Việt Nam áp dụng mức phí 15.000 đồng/km cho 3 km trở xuống. Từ trên 2km, Gojek Việt Nam áp dụng mức phí 5.000 đồng/km.

Theo đại diện hãng xe công nghệ này, thời gian gần đây, nhu cầu đối với các dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu của người dân tăng cao trong khi số lượng đối tác tài xế bị giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chưa kể, Gojek Việt Nam cũng ghi nhận thời gian hoàn tất một đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng GoFood tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, lâu hơn ngày thường. Nhiều đơn hàng mất trên một giờ đồng hồ để hoàn tất vì tài xế cần phải tuân thủ quy định giãn cách và thực hiện khai báo y tế. Một số đơn hàng không thể thực hiện được do cửa hàng không có đủ mặt hàng hoặc lịch trình đi qua nhiều chốt kiểm soát hay địa bàn có nguy cơ cao.

"Do đó, chi phí thực hiện các đơn hàng được điều chỉnh trên nguyên tắc giúp cân bằng cung và cầu dịch vụ" - đại diện Gojek Việt Nam cho hay và bày tỏ chia sẻ với khách hàng, đối tác tài xế về những khó khăn trong giai đoạn này.

Hãng giao hàng AhaMove cũng thông tin về kế hoạch tăng giá cước giao hàng theo hướng giới hạn mức tăng tối đa khoảng 1,5 lần so với giá cước thông thường.

"Hiện, số yêu cầu đặt hàng tăng cao hơn 10 lần, trong khi số lượng shipper không thể hoạt động do đang ở các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa khá lớn. Chúng tôi rất mong khách hàng thông cảm khi gặp khó khăn trong việc đặt đơn trong giai đoạn này" - đại diện AhaMove phân trần và cam kết nỗ lực duy trì an toàn cho những mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Giao Hàng Tiết Kiệm mới đây cũng công bố tham gia vận chuyển nông sản và những mặt hàng thực phẩm khô không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt. Tuy nhiên, đơn vị giao hàng này sẽ thu thêm 10% phí dịch vụ với các mặt hàng này và sẽ chịu trách nhiệm về hàng hóa cho bên bán.

 

Theo Phương Nhung - Nguyễn Hải (Nld)