Những đặc sản chưa ăn chưa biết Quy Nhơn

Bún nem chả nướng, sứa nước lèo hay bún tôm Châu Trúc là những đặc sản nhất định bạn phải thử khi đến Quy Nhơn, Bình Định.

Bún nem, chả cá nướng

Nếu bạn có dịp ghé thăm "xứ Nẫu" Quy Nhơn, Bình Định thì không thể bỏ qua món bún nem và chả cá, món bún này là biến tấu từ cả hai đặc sản trứ danh của đất võ. Món ăn gồm bún tươi, nem chua, chả cá nướng và rau sống, thêm chút đậu phộng, cải chua và rau ngò tạo mùi thơm.

nhung-dac-san-chua-an-chua-biet-quy-nhon

Giá cho một suất ăn trung bình 20.000 đồng. Ảnh: VNE

Độ ngon của món ăn phụ thuộc vào nước chấm đi kèm, mỗi quán lại có một bí quyết riêng. Chén nước chấm chuẩn phải đủ vị chua cay, mặn ngọt cân bằng.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến miếng chả cá dai dai, dậy mùi thơm khi nướng trên bếp than hồng. Có thể bạn sẽ cảm thấy chả nướng hơi khét, đôi khi đây lại là điểm cộng cho món ăn, tùy khẩu vị mỗi người.

Sứa nước lèo

Sứa ở Quy Nhơn ngon nhất đẳng là sứa ở đầm Thị Nại. Phần sứa ăn được chỉ là tai và chân. Phần tai nhiều nước nên ăn không ngon bằng phần chân màu trắng đục, giòn sần sật và dai. Có khá nhiều món ăn ngon được chế biến từ sứa, chẳng hạn nộm sứa, bún sứa và đặc biệt sứa nước lèo rât được lòng thực khách. Sứa nước lèo hợp với thời tiết mưa gió bởi nồi nước lèo phải được đun trên bếp cồn để luôn giữ được sự nóng hổi. Có thế, khi nhúng nhanh miếng sứa vào nước lèo đang sôi mới đảm bảo miếng sứa chín mà vẫn giòn.

nhung-dac-san-chua-an-chua-biet-quy-nhon

Đậu phộng, xoài xanh, hoa chuối thái sợi và một bát mắm nguyên chất không thể thiếu khi thưởng thứ sứa nước lèo. Ảnh: VNE

Sứa nước lèo chế biến cầu kỳ ở khâu chuẩn bị. Nước lèo được ninh bằng xương heo trong vòng 3 tiếng, lửa không được quá to để chất ngọt trong xương tiết hết ra rồi mới chế biến. Thứ nước lèo đó ngon khôn tả, ngọt đậm hương vị của tôm, cay cay vị gừng và hăng hăng mùi rau húng. Nước lèo này dùng để làm nước sốt ăn với rau sống, xà lách cũng tuyệt vời.

Cách ăn chuẩn nhất là cho sứa vào bát, gắp một ít bún, thêm xoài, hoa chuối, rau thơm, thêm ít lạc rang rồi múc nước lèo đang sôi đổ lên trên và... thưởng thức. Bạn sẽ cảm nhận nước lèo thì ngậy béo, thịt tôm thì thơm, hoa chuối thì chát, rau bạc hà thì the, lạc thì bùi, miếng sứa vừa giòn sần sật vừa mát vị đại dương, nước miếng đua nhau tứa ra. Cắn ngang thân quả ớt xanh cho đúng điệu nữa thì ngon quên sầu. Thêm một ly rượu Bàu Đá đậu xanh thì đúng là tuyệt đỉnh.

Gỏi cá chình

Là địa phương có nhiều ao, đầm nên Bình Định đã tạo môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài cá đặc sản, trong đó có cá chình. Cá chình có thể chế biến nhiều món khác nhau, nhưng người dân bản địa và cả thực khách đều khoái khẩu nhất với món gỏi cá chình. Gỏi cá chình là một món ăn được chế biến vô cùng công phu từ việc chọn cá tươi sống đến công đoạn tẩm ướp gia vị sao cho vừa miệng nhất. Gỏi cá chình được xúc ăn với bánh tráng nướng và nước mắm giã gừng.

Bánh hỏi lòng heo

Có lẽ các thực khách sành ăn không ai không biết món đặc trưng này của đất võ Bình Định. Bánh hỏi ngon phải có độ tơi, sợi mềm vừa phải, không còn hăng mùi bột, được phủ lên trên một lớp hẹ xắt nhỏ bắt mắt.

 nhung-dac-san-chua-an-chua-biet-quy-nhon

Bánh hỏi lòng heo là một trong những đặc sản của Quy Nhơn. Ảnh: foody

Người lần đầu thử món ăn sẽ bối rối vì lòng heo không được ăn chung với cháo, mà lại ăn cùng với bánh hỏi. Những miếng lòng được xắt vừa miệng, rồi luộc chín trước khi dọn ra cho khách. Nước luộc lòng heo cũng được tận dụng để nấu cháo, nhờ vậy mà cháo có độ ngọt.

Ăn kèm với món này còn có đĩa rau sống, chén nước mắm ớt cay mà vẫn thanh. Vào buổi tối, ngồi ở một hàng quán ven đường, tô cháo nóng hổi bưng ra sẽ làm bạn không khỏi xuýt xoa. Giá cho một phần ăn từ 25.000 đồng.

Bún tôm Châu Trúc

Để có một tô bún tôm Châu Trúc ngon phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Đầu tiên là làm bún, gạo được ngâm cho mềm rồi mang đi xay sau đó cho vào túi vải đăng ráo nước. Bột khi đã ráo nước được đưa vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn, người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc.

nhung-dac-san-chua-an-chua-biet-quy-nhon

Món bún tôm dân dã của xứ Nẫu. Ảnh: baogiaothong

Tôm dùng nấu bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt... Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, chút tiêu. Món này dọn kèm với bánh tráng nướng giòn thơm.

Huyền Thanh

Theo Dân Việt