Những trường hợp nào được phép tổ chức bắn pháo hoa nổ?

Tại Điều 17 của Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo có quy định các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, ngày Quốc khánh, Chiến thắng Điện Biên phủ…​

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành mới đây đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, tổ chức.

Nghị định gồm có 4 Chương 26 Điều quy định về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo.

nhung-truong-hop-nao-duoc-phep-to-chuc-ban-phao-hoa-no

Như vậy, đối với pháo hoa nổ cá nhân không được phép sử dụng. Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Điều 17, Nghị định này cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa (không phải pháo hoa nổ) trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Còn các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ, gồm:

Tết Nguyên đán: Các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng. Thời gian bắn vào 21h ngày 9/3 Âm lịch.

Ngày Quốc khánh: Các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21h ngày 2/9.

Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ. Thời gian bắn vào 21h ngày 7/5.

Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch): Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21h ngày 30/4.

Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Thời gian bắn vào 21h ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sự kiện văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định cụ thể tại Chương III Nghị định này, trong đó, trách nhiệm của Bộ Công an là giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về pháo trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về pháo theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan; chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng và tiêu hủy pháo.

Ngoài ra, các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo, gồm có: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

Theo GiaDinh