Nội tạng lợn hông rõ nguồn gốc gây hại gì cho sức khỏe?

Cơ quan chức năng gần đây đã phát hiện và tiêu hủy nhiều sản phẩm nội tạng lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nếu dùng phải.

Thu giữ lượng lớn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc 

Mới đây trên quốc lộ 18A thuộc địa phận phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, trong lúc phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ, Đội Quản lý thị trường số 4 – Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khám xe ô tô biển kiểm soát 15B-024.24 phát hiện trên xe có 133 kg nội tạng lợn đã chảy nước, bốc mùi hôi thối.

Lái xe Nguyễn Văn Hưởng (địa chỉ: Phố Bắc Sơn, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) khai nhận đã mua số hàng trên của người không quen biết để đem về sơ chế, bán cho các cửa hàng ăn uống kiếm lời.

Đội QLTT số 4 đã lập hồ sơ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Hưởng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.

noi-tang-lon-hong-ro-nguon-goc-gay-hai-gi-cho-suc-khoe

Nội tạng lợn đã bốc mùi bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh 

Tương tự, mới đây Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa phát hiện và thu giữ khoảng 1,3 tấn nội tạng động vật có dấu hiệu bị phân hủy đang trên đường đi tiêu thụ.

Cụ thể, lực lượng chức năng liên ngành thành phố đã bất ngờ kiểm tra ô tô tải mang biển kiểm soát 29H -17814 đang dừng đỗ tại trước số nhà 50 ngõ 28 Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ nào liên quan đến nguồn gốc số nội tạng động vật đang có trên xe. Đáng nói hơn là số nội tạng động vật gồm nầm lợn, trứng non đông lạnh đều được các đối tượng cất giữ cẩn thận trong các thùng xốp. Đặc biệt, bên ngoài các thùng xốp này đều có chữ tiếng nước ngoài.

Nghiêm trọng hơn theo đại diện Trạm chăn nuôi và Thú y quận Tây Hồ, Hà Nội toàn bộ số nội tạng động vật tồn tại trên xe đều đang có dấu hiệu trong trạng thái phân hủy, không đảm bảo chất lượng, cũng như bốc mùi hôi thối khó chịu. Trong khi đó, qua quá trình khai thác nhanh, theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hiển - Đội 5 Phỏng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hà Nội nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể nhanh chóng sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tác hại khi ăn phải nội tạng động vật không rõ nguồn gốc

Nói tới tác hại khi sử dụng phải nội tạng động vật không rõ nguồn gốc các chuyên gia tại Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho rằng, nội tạng động vật hay nội tạng gia cầm đều có hàm lượng cholestorol xấu rất cao. Như trong óc của động vật lượng cholesterol xấu có thể cao hơn tới hàng chục lần so với hàm lượng cholesterol mà cơ thể con người cần.

Trong khi đó, hàm lượng cholesterol cao là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, đặc biệt với người lớn tuổi. Vì vậy nên hạn chế sử dụng nội tạng động vật nhất là những người lớn tuổi, phụ nữ và nam giới từ 30 tuổi trở lên. Càng đặc biệt lưu ý không ăn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ bởi nội tạng của động vật không rõ nguồn gốc thường có nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng bởi dễ bị nhiễm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng... phát triển như: Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu. Các vi khuẩn này khi xâm nhập cơ thể sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm, tả, tiêu chảy, thương hàn. Ngoài ra, việc sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa lòng lợn trắng sáng và không còn mùi hôi thối còn tiềm ẩn nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn, lâu dài có thể gây ung thư.

Vì vậy, những người có thói quen sử dụng nội tạng để tăng cường dinh dưỡng cần chú ý nguồn gốc của loại thực phẩm mà mình ăn. Hiện nay, khi nhiều cơ sở giết mổ chưa bảo đảm chất lượng, quy trình bảo quản, lưu thông còn nhiều bất cập, không ai dám bảo đảm nội tạng động vật khi tới tay người tiêu dùng sẽ không gây hại.

Cũng như các thực phẩm có nguồn gốc động vật khác, chất lượng nội tạng động vật phụ thuộc vào chất lượng thức ăn, điều kiện vệ sinh, chữa bệnh... đối với con vật đó trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, lưu thông và chế biến. Nếu một trong các khâu đó không bảo đảm an toàn (thức ăn chăn nuôi nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, chì, caimi, asen...) hoặc không tuân thủ liệu trình chữa bệnh (dùng quá nhiều kháng sinh, thuốc tẩy giun sán) thì sẽ để lại dư lượng hóa chất, thuốc thú y trong thực phẩm, gây nguy hiểm cho người dùng.

Vì vậy, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng nên chọn nội tạng động vật từ nguồn nuôi dưỡng theo đúng quy trình thực hành chăn nuôi tốt, thực hành thú y tốt và bảo đảm quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản đều đáp ứng đầy đủ yêu cầu liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ thêm về cách chế biến nội tạng động vật chuẩn an toàn, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho hay, nội tạng rất dễ nhiễm khuẩn, vì vậy khi mua về cần chế biến ngay để tránh tình trạng ôi thiu, nhiễm khuẩn. Nên dùng chanh, giấm, muối hạt làm sạch ruột non, dạ dày..., với những bộ phận khác như tim, gan, bầu dục thì nên cắt bỏ phần hôi, nặn hết máu đọng, trần qua nước sôi trước khi sử dụng. Ngay cả khi đã nấu chín, nếu không sử dụng hết, lượng nội tạng thừa cũng nên bỏ đi, không nên ăn sau khi đã để qua đêm vì rất dễ nhiễm khuẩn trở lại và gây ngộ độc.

Theo VietQ