Pháp luật có cho phép công khai danh tính những người đẹp trong vụ bán d.â.m nghìn đô vừa bị triệt phá?

Theo chuyên gia pháp lý, việc công khai hình ảnh, danh tính của người mua dâm cũng như người bán dâm trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam là không đủ cơ sở pháp lý.

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Lê Hoàng Long (31 tuổi, quê Hải Phòng, cư trú tại TP.HCM) về tội "Môi giới mại dâm".

Tháng 7/2020, Cục Cảnh sát hình sự phá đường dây mại dâm cao cấp do Lục Triều Vỹ (29 tuổi, quê Đà Nẵng, làm nghề quản lý nghệ sỹ) đã môi giới mại dâm cho đối tượng là chủ các doanh nghiệp với gái bán dâm, trong đó có gái bán dâm hoạt động trong giới showbiz.

Đấu tranh mở rộng chuyên án, Cục Cảnh sát hình sự đã thu thập được thông tin về hình vi môi giới của đối tượng Lê Hoàng Long.

Cục Cảnh sát hình sự làm rõ, Long là quản lý của một số nghệ sĩ Việt Nam và là quản lý, đại diện cho một vài nghệ sĩ Hàn Quốc khi những người này hoạt động tại Việt Nam. Long còn là một Fastionista khá nổi tiếng, trước đại dịch COVID-19, đối tượng thường được các nhà mốt nổi tiếng trên thế giới mời tham dự các sự kiện tổ chức ở trong nước và nước ngoài.

Giữa năm 2022, sau khi đại dịch COVID-19 tạm lắng, Cục Cảnh sát hình sự phát hiện Long có dấu hiệu hoạt động môi giới mại dâm. Ngày 25/8/2022, Cục Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra và bắt quả tang 2 đôi nam, nữ đang mua bán dâm tại 2 phòng thuộc một khách sạn cao cấp ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Quá trình điều tra cùng tài liệu, chứng cứ thu thập, xác định, khi có khách muốn mua dâm, Long đã giới thiệu hai người đẹp có tên là T.H và T.T đang khá nổi trong giới showbiz Việt Nam, đã từng đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi hoa hậu để bán dâm. Sau đó, Long thống nhất mức giá với người mua dâm là 15.000 USD (tương đương với số tiền 360 triệu đồng) với mỗi gái bán dâm. Thời điểm các đối tượng thực hiện hành vi mua, bán dâm thì bị tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự phát hiện và lập biên bản.

Tại Cơ quan Công an, Long khai nhận, sau khi bán dâm xong sẽ thanh toán cho hai người đẹp T.H và T.T với số tiền 60 triệu đồng/người, số tiền còn lại gần 600 triệu đồng Long hưởng chi tiêu cá nhân. Đáng chú ý, đối tượng Long còn khai nhận, đã môi giới mua bán dâm cho một số gái bán dâm khác là người đẹp trong giới showbiz ở Việt Nam và nước ngoài.

phap-luat-co-cho-phep-cong-khai-danh-tinh-nhung-nguoi-dep-trong-vu-ban-d-a-m-nghin-do-vua-bi-triet-pha

Đối tượng Lê Hoàng Long trước khi bị bắt

Chia sẻ về sự việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp thông tin, dưới góc độ pháp lý thì pháp luật Việt Nam không cho phép hành vi mua dâm, bán dâm, môi giới mại dâm, chứa mại dâm. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, văn hóa, đạo đức con người Việt Nam. Bởi vậy, người thực hiện hành vi mua dâm, bán dâm, môi giới mại dâm, chứa mại dâm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào hành vi cụ thể.

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định nghiêm cấm hành vi mua bán dâm và có nhiều biện pháp để giảm thiểu, kiểm soát hoạt động mua bán dâm tự phát nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra những đường dây mua bán dâm có sự tham gia của nhiều người, trong đó có nhiều người đẹp, người mẫu, thậm chí có những người đạt danh hiệu cao trong các cuộc thi hoa hậu.

Không chỉ Việt Nam, ở một số quốc gia cũng đã xuất hiện hiện tượng những người đẹp, những người đã từng đạt giải cao trong các cuộc thi sắc đẹp tham gia vào các đường dây bán dâm giá cao khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Ở góc độ dư luận xã hội, chân dài cặp bồ với đại gia hay những người đạt giải trong các cuộc thi sắc đẹp bán dâm thì rất nhiều người không bất ngờ. Thậm chí, thời gian qua đã có nhiều vụ án môi giới mại dâm liên quan đến những người đẹp có thứ hạng tham gia bán dâm với giá hàng ngàn USD đã bị phát hiện, bóc gỡ.

Hiện nay, chế tài đối với hành vi mua dâm và hành vi bán dâm là rất thấp. Việc xử phạt hành chính sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 (Nghị định 144/2021/NĐ-CP) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hành vi mua dâm sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Nếu là mua dâm từ hai người trở lên cùng một lúc thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đối với người bán dâm thì sẽ có mức phạt tiền là phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Nếu bán dâm cho hai người trở lên cùng một lúc thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

"So với giá bán dâm trong những vụ án mà cơ quan điều tra phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây, có những người đẹp bán dâm với giá tới 25.000 USD thì với mức phạt theo quy định trên là chưa tương xứng. Tuy nhiên, những người bán dâm không vì sợ phạt mà không bán, họ sợ nhất là bị công khai danh tính, bị mọi người phát hiện, cười chê, lên án. Do vậy, các giải pháp phòng chống mại dâm không chỉ là xử phạt mà còn là thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trong đó có giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt là cần siết chặt công tác quản lý những người đẹp, những người nghệ sĩ, người của công chúng", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

phap-luat-co-cho-phep-cong-khai-danh-tinh-nhung-nguoi-dep-trong-vu-ban-d-a-m-nghin-do-vua-bi-triet-pha

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, tăng cường quản lý các cuộc thi, các danh hiệu người đẹp là cần thiết

Về việc công khai danh tính người đẹp, luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc môi giới mại dâm mà cơ quan điều tra vừa khởi tố có liên quan đến danh tính của một số cô gái đã từng đạt giải trong các cuộc thi người đẹp khiến dư luận nghi ngờ, đồn đoán về các Hoa hậu, Á hậu trong các cuộc thi gần đây. Vì lẽ đó, Ban tổ chức các cuộc thi đã đề nghị công khai danh tính của người bán dâm trong vụ án này. Tuy nhiên, yêu cầu trên không có cơ sở pháp lý để cơ quan điều tra thực hiện.

Việc công khai thông tin của người bán dâm, người mua dâm không được pháp luật quy định cụ thể nên danh tính của họ rất có thể sẽ không được công bố chính thức. Cơ quan điều tra không công bố cụ thể thông tin của người bán dâm trong vụ án hình sự là nhằm bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của công dân. Đối với người thực hiện hành vi môi giới mại dâm thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, để phòng ngừa chung cho xã hội sẽ bị công khai danh tính.

Khoản 2 (Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015) quy định về việc sử dụng hình ảnh cá nhân không phải xin phép chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây: "Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh".

Nếu vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích công cộng thì mới được phép sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không phải xin phép. Việc công khai hình ảnh, danh tính của người mua dâm cũng như người bán dâm trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam là không đủ cơ sở pháp lý.

Bởi thế yêu cầu của Ban tổ chức các cuộc thi về việc đề nghị cơ quan điều tra công khai danh tính cụ thể của gái bán dâm để tránh làm ảnh hưởng đến các danh hiệu người đẹp khác là không khả thi, cơ quan điều tra sẽ không chấp nhận yêu cầu này. Chỉ trường hợp gái bán dâm đồng thời thực hiện hành vi môi giới mại dâm, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Môi giới mại dâm" thì mới có thể bị công khai danh tính để đảm bảo an toàn công cộng, lợi ích quốc gia và để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Còn đối với các cô gái bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính thì sẽ không được công khai danh tính.

Để giảm bớt những vụ việc người mẫu, người đẹp, hoa khôi bán dâm thì cần siết chặt công tác quản lý đối với những đối tượng này, cần phải có chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử và có những biện pháp kỷ luật nghiêm khắc thì mới giảm thiểu được những vụ việc những chân dài dính líu đến những nghi án bán dâm.

"Có thể thấy, những năm gần đây Việt Nam đang loạn danh hiệu hoa hậu, số người đi thi hoa hậu rất nhiều. Cuộc sống nhiều cám dỗ, đưa đẩy khiến không ít những cô gái đẹp sa ngã vào ma túy, mại dâm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bởi vậy, việc tăng cường quản lý các cuộc thi, các danh hiệu người đẹp là cần thiết. Đồng thời cần phải xây dựng những tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức cụ thể đối với những người đại diện cho cái đẹp trong xã hội", Cường chia sẻ.

Theo GiaDinh