Rủi ro khi dùng máy thở oxy không rõ nguồn gốc xuất xứ

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp bắt giữ phương tiện vận chuyển hơn 70 máy thở Oxy không rõ nguồn gốc.

Theo Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đội QLTT số 6 phối hợp với Phòng PC 03 Công an tỉnh và Đội 389 tỉnh phát hiện xe ô tô tải có mui biển kiểm soát 12C- 020.66 có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm khi chiếc xe này đang dừng đỗ tại khu vực Ngõ 533- Đường Bà Triệu, Phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 36 bao tải dứa màu xanh. Bên trong các bao tải dứa có chứa cùng một loại mặt hàng là máy thở oxy có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam.

rui-ro-khi-dung-may-tho-oxy-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

 Vận chuyển máy thở oxy không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Kiểm đếm thực tế có tổng số 74 bộ máy, mỗi bộ máy bao gồm: máy thở oxy, ống oxy, điều khiển từ xa, dây nguồn, bộ lọc không khí, Hướng dẫn sử dụng…Trong số đó có 18 máy mang nhãn hiệu Santafell loại 1-7L, power 120 VA; 56 máy nhãn hiệu Model ZY-17, power 220V150 HZ. Toàn bộ số hàng hóa trên trị giá ước tính trên 200 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là ông Nông Đức Duy (1990), địa chỉ số nhà 28, ngõ 12, đường Hoàng Đình Kinh, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của toàn bộ số máy thở trên xe.

Hiện nay cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ hàng hóa, phương tiện vận chuyển để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Đồng thời tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đề cập tới các loại máy thở oxy không rõ nguồn gốc, dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Đàm Toạ, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, máy tạo oxy lấy không khí qua bộ phận tách chiết ra oxy cho người bệnh. Trong không khí thì oxy chiếm khoảng 21%. Máy trợ thở thì dùng nguyên liệu là nguồn oxy có sẵn, từ máy oxy hoặc bình oxy đưa vào hệ thống hỗ trợ oxy cho người bệnh bị suy hô hấp. Khi bệnh nhân khó thở, nồng độ oxy đo dưới 90%, thì buộc phải thở oxy. Tuy nhiên liều lượng là 2l/phút, 3l/phút, hay 5l/phút…".

Trong khi đó, theo bác sĩ Toạ, 2 loại máy chủ yếu trên thị trường là máy giá rẻ, đa phần máy Trung Quốc, chỉ vài triệu đồng. Máy của Mỹ, châu Âu có thể lên đến vài chục triệu, thậm chí là 50-70 triệu đồng. Xét về tác dụng đều như nhau nhưng công suất, chất lượng và độ bền… chênh lệch. Đặc biệt đối với các loại máy thở oxy nhập lậu sẽ có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch.

Ngoài ra, theo các bác sĩ, đối với các thiết bị đo nồng độ máu SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch. Chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị, nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai biệt rất tai hại.

Trước thực trạng các thiết bị y tế không rõ nguồn gốc vẫn đang bán tràn lan, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có Công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các Sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm để có căn cứ xử lý. Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng và khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh tới cơ quan chức năng ngay để ngăn chặn kịp thời.

Theo VietQ