Sự thật dâu tây Sơn La giá rẻ tràn ngập chợ: Chị bán hàng tiết lộ "chiêu" nhận biết dâu chuẩn, xịn



Dâu tây được bán với giá rẻ "giật mình" nhưng nguồn gốc các loại dâu tây không rõ ràng, khiến người tiêu dùng hoang mang không biết lựa chọn sản phẩm nào cho an toàn.

Dâu tây giá rẻ như cho ồ ạt xuống phố

su-that-dau-tay-son-la-gia-re-tran-ngap-cho-chi-ban-hang-tiet-lo-chieu-nhan-biet-dau-chuan-xin

Mặt hàng dâu tây đang được bán tràn lan tại các chợ dân sinh và shop online trên địa bàn Hà Nội với giá 'mềm.' (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dâu tây vốn được xem là loại quả xa xỉ chỉ bày bán tại các siêu thị, cửa hàng hoa quả nhập khẩu với giá lên tới cả nửa triệu đồng/kg. Nhưng năm nay, dâu tây đang được bày bán la liệt, nhuộm đỏ cả các sạp hàng hoa quả trong chợ dân sinh, vỉa hè, lẫn chợ online với giá rẻ chỉ từ 50.000 – hơn 100.000 đồng/kg. Phần lớn được người bán giới thiệu là hàng nhập từ Đà Lạt, Mộc Châu.

Trên tuyến đường Tố Hữu (Thanh Xuân) có đến gần chục xe bán tải, xe thồ căng biển "Xả hàng dâu tây". Dâu tây được người bán giới thiệu nhập từ Mộc Châu. Để thuận tiện cho người mua, dâu tây được xếp vào các hộp 0,5kg – 1kg và chia làm 4 loại, cụ thể: Dâu size bi nhỏ có giá 65.000 đồng/kg; dâu nhỡ có giá 90.000 đồng/kg; dâu to có giá 120.000 đồng/kg; dâu VIP có giá 140.000 đồng/kg.

su-that-dau-tay-son-la-gia-re-tran-ngap-cho-chi-ban-hang-tiet-lo-chieu-nhan-biet-dau-chuan-xin

Dâu tây được bày bán trong các xe bán tải dọc đường Tố Hữu

Một người buôn hoa quả lâu năm cho hay: "Mùa dâu tây trồng ở Việt Nam chính vụ vào tháng 3-4 hàng năm. Bán hàng hoa quả đã nhiều năm, tôi khẳng định đây là vụ dâu có giá rẻ nhất. Vài năm trước nếu muốn lấy sỉ từ các nhà vườn thì phải xếp hàng chờ cả tuần mới tới lượt. Bây giờ diện tích dâu tây tăng mạnh, cung nhiều nên hàng ngày nào cũng về".

 

Đi dọc phố cổ Hà Nội, nhiều gánh hàng rong mời chào mua dâu tây giá rẻ. Dâu được đóng gói trong hộp nhựa trọng lượng 0,5kg - 1kg, bọc màng xốp nổ chống va đập kèm gói chống ẩm, giá 50.000 - 65.000 đồng.

Dù trên bao bì sản phẩm không có nhãn mác về nguồn gốc, xuất xứ, bà H. (chủ một gánh hàng rong) tự tin giới thiệu "dâu nhập từ Sơn La". Khi một số khách hàng nghi ngờ về mức giá, người phụ nữ vội lý giải "đang vào vụ thu hoạch nên dâu tây có giá 'mềm' nhất từ trước tới nay".

su-that-dau-tay-son-la-gia-re-tran-ngap-cho-chi-ban-hang-tiet-lo-chieu-nhan-biet-dau-chuan-xin

Dâu tây được rao bán trên chợ mạng có giá chỉ từ 50.000 đồng/kg

Không riêng chợ dân sinh, cửa hàng trái cây và gánh hàng rong, "chợ dâu tây" trên mạng xã hội cũng sôi động không kém. Gõ từ khóa "dâu tây giá rẻ", các nền tảng mạng xã hội xuất hiện hàng chục hội nhóm buôn bán sôi nổi, "mức giá hấp dẫn".

Tại đây, dâu tây được rao bán rầm rộ với nhiều kích cỡ khác nhau và giá "rẻ như cho". Ngoài bán dâu theo hộp, nhiều cơ sở còn bán theo khay, thùng xốp,… Một số tiểu thương thậm chí còn kêu gọi "giải cứu" dâu tây, dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội.

"Xin đừng dùng từ 'giải cứu' cho dâu tây ngon chuẩn Mộc Châu. Không ai cần giải cứu một mặt hàng chất lượng tốt. Dùng từ 'giải cứu' để bán phá giá, là tự hạ thấp chất lượng dâu tây", một tiểu thương bức xúc lên tiếng.

Cẩn trọng trước dâu tây giá rẻ không rõ nguồn gốc gắn mác Sơn La

su-that-dau-tay-son-la-gia-re-tran-ngap-cho-chi-ban-hang-tiet-lo-chieu-nhan-biet-dau-chuan-xin

Từ đầu tháng 2, dâu tây ồ ạt xuống phố Hà Nội với mức giá "siêu rẻ".

Theo kinh nghiệm bán hàng nhiều năm của một tiểu thương chuyên kinh doanh dâu tây, hiện nay trên thị trường ngoài các loại dâu trồng ở Việt Nam như dâu Mộc Châu, dâu Đà Lạt thì còn có dâu Trung Quốc giá rẻ, hình thức bắt mắt trà trộn, khiến người mua khó lòng phân biệt được.

Người bán khẳng định "tiền nào của nấy, đảm bảo chất lượng", yên tâm vì có một lượng khách hàng quen thuộc. Người phụ nữ giải thích, năm nay Mộc Châu xuất hiện thêm nhiều nhà vườn trồng dâu, nhưng vì chưa có thị trường nên họ hạ giá để cạnh tranh.

"Cung nhiều hơn cầu dẫn đến giá giảm, nhưng không đến mức chỉ còn mấy chục nghìn", chị nói.

Một tiểu thương khác cho hay, nhiều dân buôn lợi dụng thời điểm dâu Trung Quốc giá rẻ, đã gắn mác thương hiệu dâu Mộc Châu, Sơn La trên dâu Trung Quốc để bán kiếm lời. Bởi tâm lý ngại mua hàng Trung Quốc của nhiều người dân khiến một số dân buôn không dám công khai nguồn gốc.

Trên Dân trí, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin dâu tây Trung Quốc gắn mác Sơn La, được bán với giá siêu rẻ tràn lan nhiều nơi.

Theo ông Huệ, Sơn La đang rộ vụ, nhưng không có mức giá rẻ như ở thị trường Hà Nội. Hiện, giá bán dâu tây tại tỉnh này ở mức 100.000 - 300.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

"Chúng tôi yêu cầu các hợp tác xã phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có tem bảo vệ thương hiệu. Khi xuất bán, dâu tây được đóng gói bao bì và nhãn mác theo đúng quy định", ông Huệ nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La cho hay trên địa bàn cũng xuất hiện một số gia đình trồng và kinh doanh dâu tây nhỏ lẻ, bán giá thấp và trôi nổi ra thị trường.

"Chúng tôi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vào quy trình sản xuất. Còn với người tiêu dùng, cần đến các nhà vườn hoặc địa chỉ kinh doanh uy tín, mua sản phẩm chất lượng, có bao bì, nhãn mác, thương hiệu đàng hoàng", ông Huệ khuyến cáo.

Chiêu nhận biết dâu tây giá rẻ chuẩn, xịn của người bán hàng

su-that-dau-tay-son-la-gia-re-tran-ngap-cho-chi-ban-hang-tiet-lo-chieu-nhan-biet-dau-chuan-xin

Dâu tây trồng ở Việt Nam có màu sắc đỏ không đồng đều, phần cuống hơi trắng

Thực tế đã có nhiều người tiêu dùng từng phàn nàn họ mua phải dâu tây Trung Quốc dù người bán quảng cáo là dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu. Tuy nhiên, giữa 2 loại này có thể phân biệt được dựa vào các chi tiết trên quả. Người tiêu dùng có thể nhận biết được dâu tây Việt Nam và Trung Quốc qua quan sát vẻ ngoài của chúng. Cụ thể, dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu có hình dáng quả không đồng đều, kích thước quả vừa phải, không quá to, quả mềm, không nhẵn mịn. Trong khi đó dâu tây Trung Quốc có độ đồng đều hơn, quả cứng, mịn và có kích thước to hơn.

Về màu sắc bên ngoài, dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu có màu đỏ không đồng đều, sậm màu ở thân, phần cuống hơi trắng. Còn dâu tây Trung Quốc lại có màu đỏ sậm từ đầu đến cuống, màu đẹp đều toàn bộ quả nên thấy rất bắt mắt. Khi cắt ra, phần bên trong quả dâu tây Đà Lạt, Mộc Châu có màu đỏ nhạt xen màu trắng. Tuy nhiên dâu tây Trung Quốc chỉ có màu đỏ đậm và không có màu trắng. Khi ăn dâu tây Việt Nam, có vị ngọt chua thanh và có mùi thơm đặc trưng. Còn đối với dâu tây Trung Quốc sẽ bị bở và không ngửi thấy mùi thơm.

"Một số đầu mối thường quảng cáo dâu Sơn La hay dâu Hàn Quốc, nhưng người mua cần để ý một số chi tiết để tránh nhầm lẫn. Cụ thể, dâu Sơn La thường có màu đỏ tươi, quả dâu thường to ở phần gần cuống và thon dần về chóp. Trong khi đó, dâu Trung Quốc có hình dáng thon dài, có màu đỏ sậm từ đầu đến cuống, sờ vào sẽ có độ cứng, mịn, khi bổ ra sẽ thấy nhiều phần trắng, ruột xốp và ăn vị ngọt đậm, mùi hắc không giống như dâu Sơn La," một tiểu thương bán dâu tây Sơn La chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng không nên ham mua hàng rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên mua hàng ở những cửa hàng uy tín.

Theo GiaDinh