Tác hại khi lạm dụng tinh dầu, đặc biệt là sản phẩm 'rởm'

Tinh dầu được coi là sản phẩm được dùng phổ biến hiện nay tuy nhiên nhiều người không biết rằng sử dụng tinh dầu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

PGS. TS Lê Xuân Quế, Viện Tinh dầu và Các hợp chất Thiên nhiên cho biết, tinh dầu là dạng hợp chất thơm, có trong tự nhiên, là sản phẩm chiết tách từ động vật hay thực vật, có các dạng rắn, lỏng, số ít ở dạng khí (nhiệt độ bay hơi thấp).

Hiện nay, nhu cầu về tinh dầu là rất lớn trong sinh hoạt, sản xuất và đời sống hàng ngày, trong đó có làm đẹp, làm cho môi trường sạch thơm và đuổi muỗi…

Trong đó, các sản phẩm tinh dầu tự nhiên có hàng trăm loại, từ hàng trăm loại này lại tạo ra rất nhiều chủng loại sản phẩm tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Và cũng với nhu cầu ngày càng tăng đó, nhiều cơ sở tư nhân đã sử dụng hương liệu tổng hợp của Trung Quốc để chưng cất tinh dầu và bán với giá rất rẻ, không nguồn gốc rõ ràng dẫn đến những bệnh lý gây hại sức khỏe người sử dụng.

Nguy cơ gây ngộ độc

Những năm qua, đã có hàng nghìn vụ ngộ độc tinh dầu xảy ra, một nửa trong số nạn nhân là trẻ em. Khi ngộ độc tinh dầu, có thể dẫn tới nôn mửa, tổn thương phổi hoặc suy nhược hệ thần kinh trung ương. Loại dầu dẫn tới ngộ độc nhiều nhất là khuynh diệp, một vài giọt có thể gây buồn nôn, đau dạ dày hoặc co giật. Dù 80% người bị ngộ độc là do tình cờ, nhầm lẫn tinh dầu với thuốc nước như siro ho, vẫn có người sử dụng tinh dầu bằng đường uống do thông tin sai lệch.

tac-hai-khi-lam-dung-tinh-dau-dac-biet-la-san-pham-rom

 Sử dụng tinh dầu nhiều, kém chất lượng gây rủi ro cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Gây tác dụng phụ như nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi

Những chai tinh dầu không nguồn gốc thường được làm từ dầu hóa chất tổng hợp chứ không phải dầu tự nhiên chiết xuất. Tinh dầu nguyên chất từ thiên nhiên phải trải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều chi phí, nhưng lại cho sản lượng ít. Chính vì điều kiện này mà nhiều nhà sản xuất đã vì lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng, sẵn sàng sử dụng những hóa chất độc hại làm giả tinh dầu tự nhiên bán ra thị trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như danh tiếng của các nhà cung cấp tinh dầu chuẩn.

Khi sử dụng, tiếp xúc trực tiếp với các loại tinh dầu pha tạp chất thường có triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, kích động mất phương hướng. Khi có những triệu chứng như vậy, chúng ta nên dừng ngay việc sử dụng loại tinh dầu đó.

Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời

Một số loại tinh dầu chứa chất gây nhạy cảm với ánh sáng. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm tăng tính dễ bị tổn thương của da trước ánh nắng. Tinh dầu citric và tinh dầu cam bergamot là hai loại gây ảnh hưởng nhất. Nhiều loại trái cây họ cam quýt chứa hợp chất gọi là furocoumarin, có thể gây bỏng hóa chất khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Trong trường hợp nghiêm trọng, ngay cả một vài phút dưới ánh nắng cũng có thể gây ra các vết phồng rộp và cháy nắng.

Gây ra các vấn đề về da

Các vấn đề về da do tinh dầu gây ra rất đa dạng, từ kích ứng nhẹ đến dị ứng toàn phát, chẳng hạn như viêm da. Trường hợp nặng hơn, với người có da nhạy cảm sẽ gây mẩn ngứa, rát, nổi mề đay, thậm chí gây nứt nẻ. Càng nguy hiểm hơn khi sử dụng tinh dầu trên vùng da bị tổn thương, vì vị trí đó hấp thụ nhiều dầu hơn, khiến da khó chịu và không có tác dụng như mong muốn. Đặc biệt không sử dụng tinh dầu pha loãng vì gây nguy hiểm cho da.

Rủi ro cho phụ nữ mang thai

Một số loại tinh dầu chứa chất phụ gia hoặc tạp chất, có thể gây hại cho phụ nữ mang thai. Ở giai đoạn này, cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm với mùi và vị. Nếu sử dụng nhiều tinh dầu trong thời gian này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Thậm chí một số loại tinh dầu bôi ngoài da cũng có thể thấm vào nhau thai và gây ảnh hưởng tới em bé. Bởi vậy nên cân nhắc và lựa chọn kỹ khi muốn sử dụng tinh dầu trong giai đoạn này. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sỹ.

Dị ứng

Ngoài vấn đề về da, dị ứng với tinh dầu có thể ảnh hưởng đến mắt và hệ hô hấp, như sổ mũi và nghẹt mũi. Nếu tình trạng dị ứng trở nên tồi tệ hơn, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.

Để đảm bảo sức khỏe bản thân, trước khi sử dụng một loại tinh dầu mới, hãy tham khảo kỹ các thành phần rồi kiểm tra phản ứng của cơ thể. Cách làm hữu hiệu nhất là bôi một lượng nhỏ dầu trên cánh tay hoặc chân, kiểm tra xem bản thân có bị dị ứng với loại tinh dầu này không.

Rủi ro sử dụng tinh dầu kém chất lượng

PGS.TS Lê Xuân Quế, Viện Tinh dầu và Các hợp chất Thiên nhiên cho biết, do tinh dầu cũng là sản phẩm thương mại nên không tránh khỏi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí độc hại…

Bên cạnh đó, quản lý đối với mặt hàng này vẫn còn bất cập, hiện chưa có tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia cho mặt hàng này (chủ yếu là tiêu chuẩn cơ sở, mỗi nơi một tiêu chuẩn), chưa có qui định về qui trình, thiết bị kiểm nghiệm chất lượng và còn nhiều kẽ hở để hàng hóa kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

PGS. TS Lê Xuân Quế cho biết thêm, để chưng cất được tinh dầu thường trải qua các khâu: Thu hái dược liệu, làm sạch, cho vào nồi chưng cất (thường là cuốn hơi nước), sau đó dùng nước mát cho ngưng tụ ở nhiệt độ thấp (trong bình ngưng tụ, tinh dầu nhẹ nổi lên bên trên được tách riêng, sau đó là tinh chế tinh dầu và đóng gói trong bao bì phù hợp (thường đóng với số lượng lớn như can, thùng… để bảo quản, vận chuyển).

Từ sản phẩm tinh dầu này có thể sang chiết thành sản phẩm hàng hóa để bán tinh chất (đóng gói với đơn vị nhỏ hơn như 10 ml, 30 ml, 50 ml, 100 ml…) hoặc chế biến thành các loại sản phẩm khác nhau (đưa vào mỹ phẩm, thuốc…). Chính ở khâu sang chiết này dễ bị pha trộn (làm cho sản phẩm nặng hơn, thể tích nhiều hơn…), sản phẩm bị pha loãng, kém chất lượng, thậm chí giả mạo… các chất được pha vào không kiểm soát được và không biết đó là những chất gì?

Theo VietQ