Tết "tăng xin, giảm mua", 5 triệu cho cả gia đình vẫn đủ đầy, sung túc

Không ít chị em đau đầu với việc lên danh sách chi tiêu Tết sao cho tiết kiệm nhất với phương châm giảm khoản trang trí Tết, mua sắm đồ thiết thực cho cả gia đình, phù hợp lối sống tiết kiệm thời điểm khó khăn.

Những ngày cuối năm, việc chi tiêu cho dịp Tết sao cho hợp lý lại đảm bảo kinh tế là việc không hề dễ dàng đối với chị em nội trợ, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khó khăn. Bởi thế mà không ít chị em đã phải đau đầu xây dựng kế hoạch chi tiêu, làm bảng hạch toán các khoản thiết yếu, thậm chí cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết...

tet-tang-xin-giam-mua-5-trieu-cho-ca-gia-dinh-van-du-day-sung-tuc

Với gia đình chị Huế ở Hà Đông (Hà Nội), trong khi nhiều người làm công ăn lương nhận được các khoản lương, thưởng thì vợ chồng chị buồn so vì người đang thất nghiệp, người vừa nghe nói năm nay bị cắt thưởng Tết.

Chị Huế kể, vợ chồng chị kết hôn 4 năm nay và đã có một con nhỏ 3 tuổi. Tuy đã có nhà riêng, nhưng do vợ chồng chỉ làm công nhân nên thu nhập thấp. Mỗi tháng lấy lương về chỉ đủ chi tiêu trong gia đình và chị để dành được một ít, phòng khi biến cố.

"Mình làm công nhân của một nhà máy may ở Hà Đông, lương tháng khoảng 6 triệu đồng. Còn chồng là nhân viên giao hàng cho một công ty, lương chỉ được 6,5 triệu. Tổng thu nhập mỗi tháng được khoảng 12,5 triệu nếu đi làm đầy đủ. Riêng tiền chi tiêu một tháng, dù tằn tiện lắm cũng hết 9 triệu đồng. Vì thế, chỉ còn khoảng 3-3,5 triệu tiết kiệm phòng lúc con ốm đau hay gia đình có việc", chị nói.

Nói về chi tiêu Tết Nguyên đán năm nay, bà mẹ một con buồn rầu kể, chồng chị không có thưởng Tết, còn chị mọi năm được một tháng lương thứ 13 nhưng năm nay bị cắt thưởng Tết vì doanh thu không có. Bù lại, công ty chỉ có gói quà Tết trị giá khoảng 1 triệu đồng. Không có lương thưởng cuối năm nên chị Huế dự định chỉ tiêu Tết trong vòng 5 triệu đồng.

"Năm nay vợ chồng không có thưởng Tết nên mình phải cân đối, chỉ chi tiêu cho các khoản thiết thực nhất như mua sắm thực phẩm, quà Tết đôi bên nội ngoại, hoa quả, bánh kẹo bày bàn thờ Tết. Còn lại, mình cắt hết các khoản sắm sửa khác", chị Huế tâm sự.

Cụ thể với 5 triệu đồng, chị Huế định chi tiêu những khoản sau:

Tiền mua giỏ quà Tết: 1 triệu đồng biếu hai bên nội ngoại; Tiền mừng tuổi: 2 triệu đồng; Tiền mua thực phẩm Tết: 1 triệu đồng; Tiền mua hoa quả, bánh kẹo trang trí bàn thờ Tết: 1 triệu đồng; 

Tết chỉ có 3-4 ngày nên để tiết kiệm chi tiêu, chị Huế dự định mua thực phẩm rồi về tự chế biến cho tiết kiệm nhất. "Bánh chưng đã có nhà ông bà nội cho 5 chiếc. Giò thủ ông nội cũng bảo sẽ gói cho một chiếc. Gà ăn Tết bà ngoại cho 4 con, cộng với 30 quả trứng gà để làm nem. Đào nhà đứa em trai trồng cho một cây. Vì thế, mình chỉ cần mua thêm giò bò, măng miến, mộc nhĩ, bánh đa nem, ít rau củ để ăn Tết nữa thôi", chị Huế tính.

Ngoài ra bà nội trợ này cũng mua thêm ít bánh, kẹo, nước ngọt để tiếp khách.

"Nhà mình chỉ mua sắm những thứ cơ bản, nhiều thứ đã xin hết của nhà nội, nhà ngoại rồi mà vẫn hết khoảng 5 triệu đồng. Có 3-4 ngày Tết mà mua sắm tiết kiệm nhất cũng bằng chi tiêu cả tháng, chỉ mong không vượt quá số dự tính là mừng rồi. Thôi đành có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít vậy", chị Huế chia sẻ.

Cô Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho rằng "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nên phải chọn cách chi tiêu hợp lý nhất để Tết vẫn đủ, vẫn đầy, vẫn vui mà không tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình. "5 triệu cũng xong Tết, 50 triệu cũng là Tết..."

Theo cô Hạnh, so với mọi năm mức chi tiêu cho dịp Tết năm nay của gia đình cô đã giảm 1 nửa để phù hợp với điều kiện của gia đình. Cô cũng đã lên danh sách các món cần thiết phải mua và mức tiền tương ứng để kiểm soát được chi tiêu.

Liệt kê các khoản tiêu Tết với 5 triệu siêu hợp lý và tiết kiệm

tet-tang-xin-giam-mua-5-trieu-cho-ca-gia-dinh-van-du-day-sung-tuc

Tiền biếu hai bên gia đình nội ngoại

Trước hết, bạn nên xác định xem trong gia đình mình, hai bên nội ngoại gồm có những ai, những gia đình nào cần phải biếu quà Tết. Thông thường đối với các cặp vợ chồng trẻ, có thể chỉ cần chuẩn bị quà biếu 2 bên nội ngoại là đủ, mỗi bên giỏ quà khoảng 200-300 ngàn đồng. Có thể lựa chọn riêng lẻ những món quà biếu cha mẹ nội ngoại ý nghĩa hữu ích hoặc đơn giản nhất như hoa quả, đồ uống, đặc sản… thay vì mua giỏ bánh kẹo có sẵn sẽ thường bị đắt hơn. Tiếp theo sẽ là tiền biếu, tùy điều kiện kinh tế của hai vợ chồng, có thể biếu mỗi bên khoảng 500 ngàn đồng. Tổng số tiền biếu và mua quà biếu hai bên nội ngoại vào khoảng 1,5 triệu đồng.

Chọn những món quà đơn giản, ý nghĩa cho cha mẹ trong dịp Tết

Chọn những món quà đơn giản, ý nghĩa cho cha mẹ trong dịp Tết (Nguồn: quavang.vn)

Tiền mua sắm đồ tết trong gia đình

Thực phẩm: gà để thắp hương 2 con (300 ngàn), giò 1kg (100 ngàn), rau củ, gia vị, các loại miến, mộc nhĩ… (300 ngàn), thịt xương (200 ngàn), bánh kẹo tết (400 ngàn), bánh kẹo và hoa quả thắp hương (200 ngàn).

Bánh chưng: có thể đặt mua bánh với giá khoảng 40 ngàn đồng một chiếc, gia đình nhỏ 3 hoặc 4 người chỉ cần đặt 5 chiếc là 200 ngàn. Nếu có thời gian, cả nhà nên quây quần và gói bánh cùng nhau, hoặc có thể gói chung cùng anh em, hàng xóm. Chi phí chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều.

Cành đào, cây quất: chọn mua một cành đào hoặc cây quất nhỏ có giá khoảng 200 ngàn, nếu không cũng có thể đi thuê để tiết kiệm hơn.

Mua đồ cho bé: Năm hết tết đến những bộ quần áo mới cho con không thể không có. Để tiết kiệm bạn nên săn hàng khuyến mãi, có thể bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 200 ngàn là sắm được chiếc váy xinh xắn hay chiếc áo dài rực rỡ sắc xuân cho con yêu diện tết.

Mua sắm khác: các đồ dùng khác như bao lì xì, đèn nháy trang trí cây tết,…khoảng 100 ngàn.

Tổng cộng: 2,5 triệu đồng. Đây đều là những chi phí cơ bản nhất, tuy nhiên một số gia đình vẫn có thể chi tiêu Tết hợp lý hơn nhờ giảm bớt vì được biếu tặng hoặc gia đình đã có sẵn.

 Tiền mừng tuổi

Trước hết, mừng tuổi 2 bên nội ngoại mỗi người khoảng 100.000, tổng cộng là 400.000 cùng với 500 ngàn tiền biếu ở bên trên. Dành khoảng 800.000 để mừng tuổi các cháu, nên đổi tiền lẻ khoảng 20, 50 ngàn đồng nếu gia đình có đông con cháu. Bên cạnh đó có thể chuẩn bị khoảng 100.000 tiền lẻ để đi lễ chùa. Tổng tiền mừng tuổi khoảng 1,5 triệu.

Vậy là với việc vạch ra 3 khoản chi tiêu chính cho ngày tết, bạn đã có thể phân bổ số tiền 5 triệu đồng một cách vừa vặn. Nhìn chung, việc chi tiêu tết với 5 triệu đồng tại những gia đình ở thành phố mà nói là khá khó. Tuy nhiên, ngoài việc sắm tết, đầu năm mới còn rất nhiều những khoản chi tiêu mà các cặp vợ chồng cần phải lo. Vì vậy cần cân nhắc, suy nghĩ kĩ trước khi rút hầu bao.

Theo GiaDinh