Thái hậu Từ Dũ đã dạy vị vua có thời gian trị vì lâu nhất triều Nguyễn như thế nào?

Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức, là một bậc hiền phụ ở nước ta vào cuối thế kỷ XIX. Từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, hiền đức, tính tình hiếu thuận. Theo sử sách và giai thoại dân gian, vua Tự Đức thừa hưởng nhiều phẩm cách tốt, qua sự giáo dục nghiêm khắc của bà.

thai-hau-tu-du-da-day-vi-vua-co-thoi-gian-tri-vi-lau-nhat-trieu-nguyen-nhu-the-nao

Hình ảnh phục dựng từ tranh vẽ về Thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức

Bà Từ Dũ là mẫu thân vua Tự Đức, Bà là người vừa nuôi nấng vừa dạy học cho nhà vua. Bà rất nhân hậu nhưng cũng rất nghiêm khắc. Suốt 36 năm Tự Đức ở trên ngai vàng (thời gian trị vì lâu nhất trong các vua triều Nguyễn), các lễ nghi giao tiếp giữa bà Từ Dũ và nhà vua không hề thay đổi, nghĩa là tương quan mẹ hiền con hiếu vẫn duy trì một cách đẹp đẽ.

Dạy vua không sát sinh

Cuộc đời làm vua của Tự Đức có lắm chuyện buồn. Để giải buồn, vua thường xem hát bội hay đi săn bắn. Bà Từ Dũ khuyên con không nên săn bắn.

Có lần nhà vua dâng mẹ mấy con chim mới bắn được, bà lựa ra những con chim bị thương tích nhưng có thể sống được, đem xức thuốc, nuôi cho lành rồi thả chúng bay đi. Bà lấy chuyện Cao Hoàng Hậu đã dạy để nhắc nhở Tự Đức:

- Vật cũng như người, bắn chết con trống thời con mái thương nhớ, bắn con con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn... Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật.

Một hôm rãnh việc triều chính, vua Tự Đức ngự săn bắn tại rừng Thuận Trực, bên bờ sông Lợi Nông. Vì sợ mưa phải đi gấp, nhà vua không kịp bấm mạng, ông dặn nữ quan ở nhà tâu lên bà hay. Chẳng hay vị nữ quan bận rộn công việc quên lững không tâu. Đến khi trời mưa to điềm báo sắp có lụt lớn bà mới hay vua Tự Đức đi săn. Bà hết sức lo âu. Hơn nữa trong Nội sắp có kỵ vua Thiệu Trị, mà vua Tự Đức chưa về không biết sắp đặt thế nào.

Bà liền sai quan Đại thần Nguyễn Tri Phương đi rước...

Đi được nửa đường, cụ Nguyễn Tri Phương thấy thuyền ngự đang chèo lên. Vì nước chảy mạnh nên dù cố hết sức thuyền cũng không đi mau được. Gần tối, thuyền ngự mới về đến Nghinh Lương. Trời vẫn mưa như trút, vua Tự Đức vội vã lên kiệu trần ngự thẳng vào cung Gia Thọ lạy xin chịu lỗi với mẹ.

Giận con, bà Từ Dũ ngồi quay mặt vào màn, không nói một lời. Vua Tự Đức tự tay nắm lấy một cây roi mây dâng lên đặt trên tràng kỷ rồi nằm dài xuống chịu đòn...

Sau một hồi lâu, bà Từ Dũ xoay mặt ra, đưa tay hất cây roi mà ban rằng:

- Có một mẹ một con, con đi đâu lâu, thời mẹ ở nhà trông đợi lắm. Sao con đi không báo cho mẹ hay trước? Thôi, tha cho. Đi chơi để quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta!

Vua Tự Đức khấu đầu lạy tạ lỗi:

- Từ nay con không dám vậy nữa!

Khi vua Tự Đức lui ra, bà còn dặn:

- Lo ban thưởng cho xong để ngày mai đi hầu kỵ.

Vua rời cung Gia Thọ. Đêm hôm ấy tại điện Càn Thành ông thức rất khuya để thực hiện những điều mẹ dạy.

Tấm gương sống cần kiệm, không màng phú quý vinh hoa

Là một Hoàng Thái Hậu, được con là vua Tự Đức hết lòng phụng kính, cuộc sống vật chất nơi vương triều đạt đến tuyệt đỉnh. Nhưng bà vốn giữ được nếp sống rất giản dị.

Khi vào ở tại cung Gia Thọ (nay là Diên Thọ) người ta đã sắm sửa cho bà theo mức giàu sang tột bực, bà chối từ:

- Đồ phụng dưỡng cho bổn thân này đều là của thiên hạ cung nạp, mình đã không làm đặng sự chi lợi ích cho nhà nước thì thôi, cớ sao giám vọng phi?

Và bà nhất quyết chỉ dùng những đồ dùng cũ có từ trước.

Một hôm nhân đến cung Gia Thọ thỉnh an mẹ, vua Tự Đức thấy trong cung nhiều vật dụng quá cũ kỹ, nhà vua rất động lòng: cái quạt tre bông phất giấy hơi rách, cái thổ với cơm rạn nứt một đường dài, vua truyền quan hầu đổi những thứ mới, và khoát tay không cho. Vua lại cầm cái dây đựng kính đeo mắt lên xem, thân đáy đã mềm nhũn, nhiều chỗ đã sứt chỉ, tuy đã may lại rất khéo nhưng không giấu được sự nghèo nàn tội nghiệp. Vua lại đề nghị xin quan cho đổi cái khác, Bà bảo:

- Kiếng thuỷ tinh ấy đeo vào chỉ mát con mắt trong chốc lát thôi chớ cũng chẳng hiệu nghiệm chi hơn. Nếu đổi cái dây mới thì lâu rồi cũng sẽ cũ như rứa. Chi bằng để nó mà dùng có tiện hơn không !

Hằng ngày cung nhân dâng sáp thắp trong cung Gia Thọ, bà thường dạy cắt bớt đi. Mỗi ngày dành một ít, đến khi được số nhiều bà sai người đem vào dự trữ lại tại kho nhà nước. Phần sáp nhiễu ra bà góp quét lại để dành đủ đúc lại thành cây dùng cho mình giảm bớt một phần của kho.

Bà bảo quan hầu rằng:

- Ta thuở nhỏ, gia đình tuy không dư dã nhưng cũng đủ ăn. Vậy mà các thứ dầu nước không đủ thắp cho trọn đêm; huống nay ngửa nhờ ơn trời đất, tổ tông được giàu có trong bốn bể, một sợi tơ, một hạt lúa đều là dầu mỡ của dân, nếu xài phí tầm bậy thời đã không ích chi mà còn có cái nên tiếc lắm. Lâu nay tấn nạp cho ta những đồ châu báu và gấm, nhiều sô, tơ... ta đều giao cho quan kho tất cả. Vì bổn tính ta không thích sự hào nhoáng, huê hoè. Sách có chữ : xa xỉ ấy triệu nghèo, kiệm cần là nguồn phước, con cháu phải nhớ lấy!

Vua Tự Đức mức sống kiệm cần. Cái đức ấy một phần nhờ sự dưỡng dục vun đắp của bà Từ Dũ.

Theo Vntinnhanh